Gần 1 năm qua, anh Nguyễn Quang Duy (sn 1980, thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) âm thầm nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và thực hiện mô hình vườn ao chuồng (VAC) trên mảnh đất của mình. Mô hình được đầu tư khá bài bản, từ hệ thống tưới tiêu cho cây trồng cho đến chuồng trại được thiết kế khá hợp lý.
Với diện tích khoảng 4.000m2, anh Duy chia ra nhiều khu vực khác nhau để nuôi trùn quế lai, gà H'mông, gà tiến vua, nuôi cá trê và các loại rau xanh như: Cây cải đắng, cải ngọt, mướp, rau muống, đậu bắp, mồng tơi,...
Video mô hình VAC của anh Duy
Đáng lưu ý, tại trang trại này anh Duy làm nông nghiệp theo tiêu chuẩn Organic, mô hình nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và tạo ra sản phẩm có chất lượng đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Qua ghi nhận của PV, đàn cá trê đang tung tăng dưới nước phát triển tốt, khu vực nuôi trùn quế lai được xây dựng rất chỉnh chu hiện đang sinh sản phát triển tốt, những con gà trong chuồng rất mập mạp và khỏe. Nằm bên cạnh là những vườn rau xanh tốt, những cây đậu bắp đang cho ra, ra trái hoa nhìn rất đẹp. Từ những phế thải của đối tượng này sẽ là giải pháp cho đối tượng khác, xoay vòng liên tục vừa đảm bảo môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.
Nói về ý tưởng làm mô hình VAC anh Duy cho rằng, các nước trên thế giới đã thực hiện nhiều và rất thành công, trong khi đó các nước Châu Á đang rất thích các nông sản của Việt Nam. Những tiềm năng đất đai nhất là hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trên địa còn rất lớn, từ đó anh đã nung nấu làm thí điểm mô hình, sau khi thành công sẽ giới thiệu cho các hộ nông dân trên địa bàn để giúp người dân vừa tạo sinh kế, vừa có thêm thu nhập ổn định đời sống.
Anh Duy cho biết, đối với những hộ là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần hướng dẫn họ theo cách cầm tay chỉ việc, dạy theo phương pháp dễ hiểu nhất, nhanh nhất từ lý thuyết kết hợp với mô hình thực tế từ đó người dân dễ dàng tiếp thu hơn. Những sản phẩm của bà con làm ra được anh Duy bao tiêu sản phẩm với giá ưu đãi tốt nhất và đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp để người dân tiếp cận về đầu ra.
Với quyết tâm, nhạy bén, mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao của anh Duy đã và đang đem lại những hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, mô hình nuôi trùn quế lai sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người nông dân cả về thành thị và nông thôn.
Anh Duy nói, trên địa bàn Khánh Hòa nhất là ở vùng nông thôn rất có rất nhiều thuận lợi để làm mô hình, bởi những vật tư, thức ăn rất dễ dàng tìm kiếm. Chỉ cần người nông dân chịu khó chăm sóc, mạnh dạn đầu tư và sự hỗ trợ nguồn vốn của các ngân hàng thì khả năng đem lại thành công sẽ cao.
Theo anh Duy, chuyển từ nghề làm các đối tượng trên biển sang làm bờ thật sự vô cùng khó khăn, bởi các đối tượng trên bờ có đặc tính khác nhau, phát triển khác hoàn toàn với các đối tượng dưới biển. Với quyết tâm không để đất gây lãng phí, không để người dân thiếu mô hình sản xuất nên anh đã ngày đêm tìm tòi học hỏi để làm mô hình VAC này.
Anh Duy đề nghị lãnh đạo Hội Nông dân các cấp cần quan tâm, tìm hiểu đóng góp về mô hình để mô hình hoàn thiệt ngày càng tốt hơn, bên cạnh đó cần tổ chức các cuộc hội thảo để người nông dân nắm kỹ hơn về mô hình và tiếp cận một cách tốt nhất.
Anh Nguyễn Quang Duy hiện là Tổng Giám đốc DT Group, những năm qua anh đã xây dựng thành công mô hình làm rong nho biển, nhờ đó mà đã công ăn việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định và sản phẩm hiện không những cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài.