Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nghị lực phi thường
Đối với người dân khối phố Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) "ông Dũng xe lăn" không chỉ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn là tấm gương điển hình vượt qua bất hạnh, vươn lên làm giàu tiêu biểu của địa phương.
Tìm đến ngôi nhà nằm giữa cánh đồng lúa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông Dũng đang cần mẫn chăm sóc đàn bò sau vườn. Tuy khiếm khuyết cơ thể khiến ông đi lại khó khăn, nhưng không khiến ông nản lòng, hay từ bỏ cố gắng.
Ông Dũng cho biết, vì 2 chân bị bại liệt, không hoạt động được nên ông không thể đi lại như người bình thường.
Muốn di chuyển phải ngồi khom người và gấp 2 chân lại, dùng 2 tay kéo và nhấc phần chân đi. Tuy bất tiện và khó khăn, nhưng đó là sự cố gắng giúp bản thân ông chủ động trong việc đi lại, sinh hoạt, không trở thành nỗi lo và gánh nặng cho gia đình.
Nhà ông có 5 anh em và ông là con đầu lòng. Năm lên lớp 6 thì ba mất, gia đình không đủ điều kiện nên ông Dũng đành thôi học. Vì khuyết tật đôi chân nên ông chỉ loanh quanh trong nhà.
"Ông Nguyễn Dũng nhiều năm liền là một tấm gương sáng trong phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của phường Điện An và thị xã Điện Bàn. Đồng thời cũng là gương điển hình có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chính nghị lực phi thường của ông khiến cho ai cũng nể phục, yêu mến và ngưỡng mộ". Ông Nguyễn Chánh Thiện – Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) chia sẻ.
Ông Dũng tâm sự: "Cuộc sống ngày đó rất khổ cực, nhà có mỗi chiếc giường nhưng cũng bị mối mọt ăn, không có chỗ ngủ phải trải chiếu nằm dưới đất. Trong một lần tình cờ nhờ người đàn ông đến nhà để diệt mối, thì ông thấy được hoàn cảnh của tôi nên thương tình và giúp xin một chiếc xe lăn cũ để tôi thuận tiện đi lại.
Từ đó, tôi bắt đầu mưu sinh bằng nghề bán vé số, kiếm được thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày để trang trải cuộc sống. Tôi thật sự rất biết ơn hành động ấy, vì từ bước ngoặt đó mà tôi được ra khỏi nhà, được bước ra cuộc sống để tự thân bươn chải".
Năm 1999, ông Dũng lập gia đình và hạnh phúc chào đón 2 người con đủ nếp đủ tẻ. Nào ngờ đến năm 2005, ông bị bệnh hở van tim và phải dốc hết vốn liếng để chữa bệnh. Vì sức khoẻ suy giảm nên ông quyết định nghỉ bán vé số và ở nhà làm kinh tế vườn.
Với tinh thần tự lực tự cường, lão nông Nguyễn Dũng chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Ông quan niệm rằng, không biết thì phải học, học để ứng dụng vào thực tiễn, học để phục vụ nhu cầu của bản thân.
Tuy khó khăn trong việc đi lại, nhưng các lớp học tập huấn, đào tạo nghề được Hội Nông dân các cấp tổ chức, ông Dũng đều hăng hái tham gia. Các kiến thức từ chăn nuôi, trồng trọt, đến chăm sóc thú y, đan mây tre, làm hàng mã, trồng hoa cây cảnh… ông đều thuộc nằm lòng.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Dũng thực hiện mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng: trồng hoa cây cảnh, cây ăn trái, nuôi cá, vịt, gà, heo, bò trên diện tích hơn 1.000m2. Vợ chồng ông còn canh tác 1,2ha diện tích lúa, lấy phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, ông tận dụng hơn 5 sào đất bỏ hoang để trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò.
Nhờ đức tính cần cù, siêng năng, nỗ lực và ham học hỏi, đến năm 2018, mô hình kinh tế của gia đình ông Dũng đã mang lại hiệu quả cao, giúp ông có nguồn thu nhập ổn định và dần trở nên khấm khá.
Năm 2019, gia đình ông Dũng đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Đây chính là niềm vui và là niềm tự hào của ông sau nhiều năm nỗ lực vượt lên số phận, thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Thu lãi gần 200 triệu đồng/năm
Kể về cơ ngơi hiện nay, ông Dũng bộc bạch: "Nuôi gà, vịt và heo thì tốn công chăm sóc hơn các loài vật khác, chúng dễ mắc bệnh nhưng nhanh đem lại thu nhập. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi 200 con gà đẻ trứng và xuất bán khoảng 200 con gà thịt, tận dụng ao nước nhỏ trong vườn để nuôi cá và 60 con vịt đẻ trứng. Ngoài ra, tôi nuôi 2 con heo nái và xuất bán 4 lứa heo con, nuôi nhốt tại chuồng 6 con bò".
Giống bò 3B tuy to bự, ăn khoẻ, cho thu nhập cao, nhưng nguồn vốn đầu tư lớn, trung bình 3 năm bò mẹ 3B sinh sản một cặp bê con. Ngược lại, bò cỏ mỗi năm đẻ một lứa, nhanh đem lại thu nhập. Vì thế, ông Dũng nuôi xen kẽ 2 giống bò này để có được nguồn kinh tế ổn định.
Ngoài việc trồng cỏ nuôi bò, ông còn mua trữ hơn 200 cuộn rơm để chủ động nguồn thức ăn cho bò vào mùa mưa bão.
Ông Dũng cho hay, ông sợ nhất là vào mùa mưa lạnh kéo dài, dịch bệnh rất dễ xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.
Nhớ lại, ông Dũng bùi ngùi nói: "Từ trước đến nay, tôi chăn nuôi thất bại không ít lần, có những lúc bị trắng tay. Đợt đó, tôi có một đàn vịt hơn 250 con chuẩn bị xuất bán thì bị dịch bệnh, chỉ qua một đêm mà cả đàn chết trắng. Đó là vốn liếng và công sức chăm sóc nhiều tháng trời của hai vợ chồng, nên chứng kiến cảnh đó tôi tiếc lắm, buồn rầu và không màng ăn uống suốt 1 tuần.
Nhưng rồi được mọi người động viên, hỗ trợ nên vợ chồng tôi cố gắng làm lại từ đầu. Thêm một lần gần đây, đàn gà trị giá gần 30 triệu đồng của tôi không rõ vì nguyên nhân gì mà chết cả chuồng".
Những đợt dịch tả châu Phi hoành hành, đàn heo của gia đình ông cũng từng bị tiêu huỷ. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm và áp dụng kiến thức chăn nuôi đã được học, ông Dũng mạnh dạn tái đàn và là một trong số ít hộ chăn nuôi heo tại địa phương hiện nay.
Ông Dũng cho hay, khi chăn nuôi heo, ông luôn tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, tuân thủ quy trình vệ sinh khử trùng chuồng trại, treo mùng cho heo ngủ để phòng tránh bị muỗi đốt lây bệnh. Nhờ đó mà những lứa heo sau này sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh, đều đặn sinh sản đem lại cho ông nguồn thu nhập khá.
Những lần dịch bệnh xảy ra trên đàn bò, khiến ông Dũng lo lắng, mất ăn mất ngủ. Từ những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, ông dần khắc phục được những khó khăn và duy trì ổn định các mô hình kinh tế.
Sau khi trừ hết mọi chi phí, ông Dũng thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm, nhờ đó mà vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học tử tế.
Ông Dũng nói: "Con đường lập nghiệp của tôi gặp thất bại nhiều lần, nhưng tôi không nản lòng hoặc khuất phục trước nó, bởi có trải qua thất bại mới đi đến sự thành công. Đặc biệt, khi bản thân đã kém may mắn thì tôi càng không được nản lòng, mà phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để vươn lên, để thấy cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.