Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, trước đó Công an TP.HCM tiếp nhận thông tin một đối tượng giả danh Bí thư Thành ủy TPHCM để mượn tiền. Ban giám đốc Công an TP.HCM đã giao Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), phối hợp với các đơn vị vào cuộc điều tra.
Ngày 6/9, Công an TP.HCM đã bắt giữ Nguyễn Văn Tâm (SN 1985, ngụ tỉnh An Giang). Tâm là người mạo danh Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, gọi điện thoại vay mượn tiền, kêu gọi góp vốn đầu tư.
Bước đầu, Tâm khai dùng nhiều sim rác, mạo danh Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công ty xổ số kiến thiết một số địa phương, rồi gọi điện thoại cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người thân của những người này để mượn tiền, kêu gọi đầu tư nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi các nạn nhân sập bẫy, chuyển tiền, đối tượng nhanh chóng rút tiền, đồng thời chặn số điện thoại, cắt liên lạc. Bằng thủ đoạn này, Tâm đã lừa tiền của nhiều nạn nhân, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, hành vi của đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân được pháp luật hình sự bảo vệ mà còn gây mất trật tự trị an ở địa phương và gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Trên thực tế, pháp luật Việt Nam cho đến nay chưa có quy định nào định nghĩa "mạo danh người khác" để lừa đảo.
Tuy nhiên, có thể hiểu hành vi mạo danh người khác để lừa đảo là việc dùng thông tin, danh nghĩa của cá nhân, tổ chức khác để làm những việc có lợi cho mình hoặc để thực hiện những hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, thậm chí là để bội nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.
Việc mạo danh, giả danh cá nhân và tổ chức để lừa đảo hoặc để thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính là hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ vào tính chất, hành vi, mục đích của cá nhân và tổ chức sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng mà người phạm tội giả mạo.
Về xử lý hành chính, căn cứ theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân thì với hành vi mạo danh người khác để lừa đảo mà chưa đến mức xử phạt hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung khi bị xử phạt hành chính vì hành vi mạo danh người khác để lừa đảo là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Hành vi mạo danh người khác nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hành vi này sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt tương ứng. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự.
Hành vi dùng thủ đoạn gian dối giả mạo người khác để chiếm đoạt tài sản sẽ bị khởi tố tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hành vi của đối tượng mạo danh người khác để lừa đảo có thể nhận mức xử phạt cao nhất là tù chung thân. Cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ, xác minh và đưa ra kết luận cuối cùng về giá trị tài sản mà đối tượng chiếm đoạt và số lần đối tượng thực hiện hành vi phạm tội để áp dụng các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, trong đó mỗi lần thực hiện hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội 02 lần trở lên theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm có thể phải chịu hình phạt tù thấp nhất là 3 năm tù, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Cũng theo luật sư Huy, trong những năm vừa qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta đã trở nên báo động và khá nghiêm trọng. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.
Do đặc thù trên của các vụ lừa đảo mạo danh, cơ quan công an hầu như không thể tổ chức chuyên đề phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn bằng nghiệp vụ. Việc hạn chế loại tội phạm này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân.
Trước hết, việc tuyên truyền thủ đoạn của loại tội phạm này phải làm thường xuyên hơn, thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng. Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa hoạt động để không tạo cơ hội cho tội phạm lừa đảo.