Theo TS-LS Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, thời gian qua, các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ, giúp đỡ trẻ mồ côi, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi diễn ra khá phổ biến.
Nhà nước xây dựng các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm nuôi trẻ mồ côi từ tiền ngân sách nhà nước và từ các khoản hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện các chương trình thiện nguyện như đóng góp tiền của để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhận trẻ mồ côi làm con nuôi, thậm chí tổ chức thành các đơn vị bảo trợ xã hội ngoài công lập để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi...
Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là cơ sở do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.
Như vậy, cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập sẽ do cá nhân, tổ chức không phải cơ quan nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động của cơ sở.
Mái ấm Hoa Hồng thuộc loại hình trợ giúp xã hội này.
Điều 3, Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định: Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam. Cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, thì nguồn kinh phí để hoạt động bao gồm: Nguồn tự có của chủ cơ sở trợ giúp xã hội; Nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn thu phí dịch vụ từ đối tượng tự nguyện; Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.
Điều 10, Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về quản lý tài chính, tài sản của các cơ sở bảo trợ xã hội như sau: Cơ sở thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của pháp luật; Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí phải thực hiện công khai, minh bạch và theo Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu của cơ sở; Cơ sở có trách nhiệm báo cáo kết quả tài chính định kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp những người có chức vụ quyền hạn ở cơ sở bảo trợ này mà lợi dụng danh nghĩa cơ sở bảo trợ để đưa ra những thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Đối với những người có chức vụ quyền hạn trong các cơ sở bảo trợ xã hội mà lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô tài sản theo các quy định của bộ luật hình sự.
Đối với những người thực hiện hoạt động thiện nguyện, lấy danh nghĩa là bảo trợ xã hội, hỗ trợ trẻ em lang thang cơ nhỡ nhưng lại có những hành vi bạo hành đối với trẻ em thì đó là những người không có đạo đức, họ chỉ coi trẻ em là công cụ kiếm tiền, có thể họ sẽ không từ thủ đoạn nào để có được lợi ích từ hoạt động này.
"Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề thu chi tài chính, quản lý các khoản tiền, hàng cứu trợ ở các cơ sở bảo trợ xã hội này để kịp thời phát hiện ra những vi phạm, xử lý theo quy định của phát hiện.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi lợi dụng danh nghĩa kêu gọi thiện nguyện để bớt xén, chiếm đoạt tiền, hàng từ thiện thì sẽ xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi đó về các tội danh tương ứng", TS-LS Đặng Văn Cường nhận định.
Nếu lợi dụng hoạt động thiện nguyện để trục lợi thì không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi sẽ bị xem xét xử lý hình sự với những chế tài nghiêm khắc về các tội danh như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản…
Theo TS-LS Đặng Văn Cường, thời gian qua, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, lợi dụng các hoàn cảnh khó khăn của nhiều người mà đã xuất hiện những trường hợp trục lợi từ hoạt động từ thiện như vụ án "Năm chú tiểu" ở Tịnh Thất Bồng Lai với bị cáo Lê Tùng Vân và nhiều đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động từ thiện khác.
Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý hình sự nhiều trường hợp, tuy nhiên bất chấp pháp luật, nhiều đối tượng vẫn mang danh từ thiện, lợi dụng hoạt động từ thiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lợi dụng danh nghĩa từ thiện dễ làm giàu bất chính, đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội thời gian qua.
Lợi dụng thiện nguyện để trục lợi là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ nên cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp cơ sở Mái ấm Hoa Hồng cũng có những hành vi vi phạm này.
"Ngoài việc làm rõ hành vi hành hạ người khác thì cơ quan chức năng cũng cần làm rõ hoạt động thu chi tài chính, quản lý tiền, tài sản của cơ sở bảo trợ này, nếu có vi phạm thì cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", TS-LS Đặng Văn Cường nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.