Dân Việt

Làng nghề trẻ tuổi nhất TP.HCM mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng nhờ bán cây kiểng

An Hải 09/09/2024 06:00 GMT+7
Làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi hai năm gần đây mỗi năm đều thu hàng chục tỷ đồng từ việc trồng và bán cây mai vàng.

Theo UBND xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM), làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi hình thành từ năm 2000. Trước đây, khu vực trồng mai tại xã Bình Lợi là khu vực đất nhiễm phèn nặng, trên vùng đất này chuyên trồng dứa, mía, riềng…

Sản phẩm đầu ra của những cây trồng này không ổn định và hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, người dân trên địa bàn thực hiện chuyển đổi trồng từ cây mía sang trồng cây mai vàng, từ 3ha phát triển đến hiện nay là 580ha.

Làng nghề trẻ tuổi nhất TP.HCM mỗi năm thu hàng chục tỷ nhờ bán cây kiểng - Ảnh 1.

Làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi là làng nghề trẻ tuổi nhất TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Hàng năm, diện tích cung cấp mai Tết từ 30ha đến 50ha với khoảng 300.000 cây; thu nhập bình quân của người trồng mai là 350.000.000 đồng/ha/năm. Lực lượng lao động tham gia hoạt động trồng và mua bán cây mai vàng có việc làm và thu nhập ổn định. UBND xã Bình Lợi đang đề xuất Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh hỗ trợ thực hiện và đề xuất Thành phố công nhận làng nghề mai vàng Bình Lợi.

Tổng số hộ tham gia làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi là 658 hộ, chiếm 30,4% số hộ của xã Bình Lợi. Năm 2022 ngành trồng mai vàng tại đây mang lại thu nhập 22 tỷ đồng, chiếm 21% tổng thu nhập của khu vực. Đến năm 2023, giá trị thu nhập đạt 25 tỷ đồng, chiếm 22% tổng thu nhập của khu vực.

Làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi chuyên bán các loại sản phẩm mai giống, cây mai nguyên liệu, cây mai thành phẩm. Giá bán bình quân mai giống từ 4.000 đến 5.000 đồng/cây; mai nguyên liệu từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/cây; mai thành phẩm từ 350.000 đồng đến 1.000.000 đồng/cây.

Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh, hiện chưa xuất khẩu. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 120.000.000 đồng/lao động/1 năm.

Chất thải rắn sinh hoạt như các loại thức ăn thừa, chất thải từ rau, củ quả... tại làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi được sử dụng để ủ phân. Đối với các loại chất thải rắn sinh hoạt không ủ được, sẽ đưa vào thùng lưu chứa rác và chuyển giao cho đơn vị thu gom rác.

Chất thải rắn nông nghiệp như bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, túi ươm bầu... được các nhà vườn bỏ vào bao bì lưu chứa riêng, tập kết tại điểm thu gom tại văn phòng các ấp. Sau đó UBND xã sẽ liên hệ đơn vị thu gom. Chất thải nguy hại như bóng đèn cũng được thu gom và tập kết tại điểm thu gom chất thải nguy hại.

UBND xã Bình Lợi bố trí 12 điểm tiếp nhận chất thải rắn, chất thải nguy hại, trải dài từ kênh số 8 đến kênh Bà Bửu do 4 tổ tự quản về bảo vệ môi trường phụ trách. Sau đó, chất thải được vận chuyển về khu vực văn phòng ấp, chờ xe đến thu gom, xử lý theo quy định.

Theo UBND xã Bình Lợi, nguồn vốn trong hoạt động của làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi gồm nguồn vốn tự có của người trồng mai, nguồn vốn từ Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của khuyến nông của Thành phố.