Nông dân "biến" mai vàng thành con vật độc, lạ, phải đặt trước mới có hàng chơi Tết

Quang Dương Thứ bảy, ngày 07/09/2024 16:19 PM (GMT+7)
Không trồng mai theo cách thông thường, anh Phạm Thanh Hòa (quận 12, TP.HCM) tạo dáng cây mai thành con nai, con cóc... để thu hút người mua.
Bình luận 0

Ngành nghề trồng hoa cây kiểng tại TP.HCM có hơn 1.000 hộ tham gia với hơn 2.000 lao động tham gia thường xuyên. Nghề này đã tồn tại hơn 30 năm, phân bố chủ yếu ở quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Bình Chánh. Hiện nay, cây kiểng là một trong 6 cây con chủ lực được UBND TP.HCM ưu tiên phát triển.

Nửa đầu năm 2024, diện tích gieo trồng hoa - cây kiểng của TP.HCM đạt 2.068 ha (xấp xỉ so cùng kỳ). Trong đó, cây mai chiếm 810 ha (tăng 5,9% so cùng kỳ), hoa lan chiếm 305 ha (giảm 9% so cùng kỳ), hoa nền chiếm 376 ha (xấp xỉ so cùng kỳ), cây kiểng - bonsai chiếm 610 ha (tăng 3,4% so cùng kỳ).

Nông dân khéo léo "biến" cây mai vàng ra đủ loại hình thù, Tết đến bán đắt hàng - Ảnh 1.

Anh Phạm Thanh Hòa (áo xanh) nổi tiếng với tay nghề tạo dáng cho cây mai vàng. Ảnh: Quang Sung

Không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà ngành cây kiểng mang lại cho thành phố. Điển hình là lượng hoa, cây kiểng tiêu thụ trong đợt Tết Giáp Thìn đạt tổng giá trị khoảng 1.536 tỷ đồng.

Nhằm thích nghi với sự thay đổi của thị trường, nhiều nông dân tại TP.HCM đã thay đổi cách trồng cây kiểng. Thay vì làm như kiểu truyền thống, nhiều nông dân đã nghiên cứu, sáng tạo ra các hình thức trồng kiểng theo kiểu bonsai, phù hợp chơi trong không gian đô thị.

Loại kiểng bonsai này đòi hỏi công chăm sóc phức tạp, tay nghề cao, nhưng giá trị kinh tế đem lại rất hiệu quả.

Là một trong những nông dân tiêu biểu của quận 12 (TP.HCM), anh Phạm Thanh Hòa có khả năng khéo léo, tạo dáng nhiều cây mai vàng có hình thù độc lạ. Đến thăm vườn mai Thanh Hòa (phường Thạnh Lộc, quận 12), chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì những gốc mai được tạo dáng theo kiểu bonsai rất đẹp mắt và độc lạ.

Nông dân khéo léo "biến" cây mai vàng ra đủ loại hình thù, Tết đến bán đắt hàng - Ảnh 2.

Gốc mai hình con cóc độc lạ của anh Hòa. Ảnh: Quang Sung

Trong số đó, có những cây mai được anh Hòa tạo dáng vô cùng độc đáo, như dáng ba con nai, con cóc ngậm tiền vàng, hình lục bình, hình lò xo…

Theo anh Hòa, việc trồng mai tạo dáng độc lạ như anh tốn rất nhiều thời gian và công chăm sóc. Đổi lại, những chậu mai này mang lại giá trị kinh tế cao, có nét đặc trưng và nhờ thế anh được nhiều người trong giới biết đến.

"Trồng mai này cực, một năm phải tạo dáng 1 - 3 lần, còn trồng mai bình thường chỉ làm 1 lần. Nhiều khách hàng có kinh tế khá giả họ thích chơi mai này. Nhà họ đẹp, chưng những cây mai bình thường họ chưa thấy đã, nên họ thích những chậu mai có dáng độc lạ", anh Hòa nói.

Vườn mai của anh Hòa đã được 20 năm, nơi đây trở thành một trong những vườn mai nổi tiếng nhất quận 12 nói riêng và cả TP.HCM nói chung. Mỗi dịp gần Tết Âm lịch, vào giữa tháng 11 Âm lịch cho đến đầu tháng Chạp là khách hàng đã đến vườn anh Hòa để đặt cọc. Có cả người thuê mai và mua mai về nhà chơi trong dịp đầu Xuân năm mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem