Hành trình đưa làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông từ suy đến thịnh

Quang Dương Thứ sáu, ngày 06/09/2024 07:40 AM (GMT+7)
Khởi nguồn từ thời kỳ chống thực dân Pháp, với các ưu điểm của mình, nghề tráng bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã lưu truyền và phát triển qua các thế hệ, góp phần giải quyết vấn đề lương thực tại địa phương.
Bình luận 0

Lúc cao điểm từ 1970 đến 1975, xã Phú Hòa Đông có khoảng 75% số hộ trong xã làm nghề tráng bánh. Làng nghề cũng có giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thiếu lương thực.

Thịnh - suy nghề tráng bánh

Đến năm 1980 làng nghề bánh tráng dần được phục hồi trở lại và năm 1989, bánh tráng được xuất qua Pháp qua công ty quốc doanh. Thịnh hành nhất là từ năm 1992 đến 1996, xã có 1.700 lò tráng bánh chiếm 39,40% số hộ của xã, giải quyết được 2.000 lao động tại chỗ gồm các nghề như: đan liếp, tráng bánh, xay bột, cung cấp gạo, chất đốt, điểm thu mua…

Hành trình đưa làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông từ suy đến thịnh - Ảnh 1.

Cách tráng bánh truyền thống tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông. Ảnh: Quang Dương

Hàng ngày tiêu thụ hơn 30 tấn gạo và sản xuất hơn 20 tấn bánh thành phẩm xuất khẩu qua các thị trường nước ngoài và tiêu thụ nội địa, lúc này chưa có máy tráng bánh.

Sau đó, do nhiều nguyên nhân như nghề tráng bánh có thu nhập thấp vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, lao động trẻ thích làm công nhân các công ty, xí nghiệp.

Sản phẩm bánh tráng thiếu thị trường tiêu thụ và cạnh tranh không lành mạnh giữa các điểm thu mua, dẫn đến chất lượng bánh bị thả nổi. Bánh tráng xuất đi bị trả lại khiến nhiều điểm thu mua phá sản, thị trường thu hẹp, nhiều hộ tráng bánh phải chuyển sang nghề khác.

“Hồi sinh” làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông

Với chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn của nhà nước và để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng nghề nông thôn. Đầu năm 2003, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở NNPTNT thôn xây dựng đề án khôi phục làng nghề truyền thống bánh tráng Phú Hòa Đông và đề án được phê duyệt theo Quyết định số 2988/QĐ-UBND ngày 4/8/2003 của UBND TP.HCM.

Trong đề án trên có nhiều dự án nhỏ như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh môi trường, vay vốn hỗ trợ lãi suất…

Kể từ khi đề án được duyệt, UBND xã Phú Hòa Đông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, nâng cao quy mô, chất lượng và sản lượng sản phẩm bánh tráng, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Hành trình đưa làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông từ suy đến thịnh - Ảnh 2.

Sản xuất tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông hiện nay. Ảnh: Q.D

Hiện nay bánh tráng Phú Hòa Đông - Củ Chi đã trở nên rất phổ biến trong nước, đồng thời còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, từ châu Á sang châu Âu, châu Mỹ, châu Phi...

Trên địa bàn hiện có 70 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã làng nghề bánh tráng (6 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 63 hộ kinh doanh) và 15 hộ tráng bánh thủ công (tráng tay). Số hộ dân tham gia vào hoạt động sản xuất bánh tráng khoảng 940/7260 (chiếm tỷ lệ 12,9%) trên tổng số hộ trên địa bàn.

Mỗi ngày làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông sản xuất khoảng 90 tấn bánh; giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/ lao động. Doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/ tháng, đóng góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế tại địa phương.

Ngành nghề bánh tráng trên địa bàn xã có rất nhiều người lớn tuổi đã và đang truyền dạy lại cho con cháu nghề tráng bánh tráng truyền thống thủ công, đây được xem là các nghệ nhân trong nghề bánh tráng. Tuy nhiên, hiện nay chưa được đề xuất công nhận theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem