Nông dân Việt Nam xuất sắc Tạ Thị Năm (SN 1979), Chi Hội trưởng nông dân thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ nghề nuôi bò sữa.
Nữ chi hội trưởng nông dân nuôi bò sữa lớn nhất xã Vân Hoà
Đến xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, hỏi thăm nhà chị "Năm bò sữa", không ai là không biết. Nổi tiếng như vậy bởi chị Năm là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa và hiện tại chị Năm đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con bò sữa.
Chúng tôi đến khi vợ chồng chị Năm đang tất bật dọn chuồng, tắm rửa cho đàn bò sữa sạch sẽ, mát mẻ. Trang trại bò sữa của chị Năm rộng hơn 1.200m2, chia làm 3 dãy chuồng, nền lát xi măng sạch sẽ, xung quanh thông thoáng, rộng rãi.
Trong chuồng những con bò sữa béo mẫm có đôi mắt hiền như mắt nai, tai con nào cũng gắn biển số màu vàng đánh số thứ tự để tiện theo dõi thường xuyên. Đặc biệt, với bộ vú căng hồng dưới bụng tròn trắng trẻo và bộ mông nở nang, trông các "nàng" bò sữa thật bệ vệ và duyên dáng.
Trước cửa mỗi dãy chuồng bò, chị Năm đều cho rất nhiều thức ăn ủ chua trộn cám, ngô, đường đỏ, muối, rỉ mật dậy mùi lên thơm phức. Khi chúng tôi đến dãy chuồng hậu bị, các "nàng" bò sữa đang thò đầu ra ngoài chắn song nhai thức ăn một cách ngon lành.
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trang trại nuôi bò sữa của gia đình, chị Năm chia sẻ: "Nghề nuôi bò sữa bận rộn còn hơn chăm con mọn. Như người mình có thể bữa đói bữa no, nay bữa cơm rau, mai bữa cơm thịt, còn nuôi bò sữa phải cho ăn đúng tiêu chuẩn đúng mức và chất lượng. Nói nghề vắt sữa bò ra tiền triệu hằng ngày, nhưng không đơn giản tí nào. Nếu không chăm tốt, bò sẽ gầy, bệnh tật và sản phẩm sữa giảm sút thì phá đàn, vỡ nợ không biết lúc nào".
Đều đặn mỗi ngày, từ mờ sáng, vợ chồng chị Năm đã thức dậy để dọn dẹp chuồng trại khởi động máy móc, chuẩn bị tiến hành công việc vắt sữa.
Chị Năm chia sẻ: Do tính chất công việc nên đồng hồ sinh học của vợ chồng chị như được lập trình sẵn, thức dậy từ lúc 4h sáng, không cần đến đồng hồ báo thức. Chỉ cần nghe âm điệu của những "nàng" bò sữa kêu, là vợ chồng chị lại lật đật trở dậy, khoác bộ đồ lao động rồi bắt đầu một ngày làm việc mới.
Theo chị Tạ Thị Năm, trong một ngày sẽ có 2 khung giờ quan trọng để tiến hành vắt sữa, đó là khoảng 4h30 sáng và 16h chiều. Công đoạn đầu tiên và cũng là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình thu hoạch sữa đó là vệ sinh chuồng trại. Đàn bò sữa sẽ được tắm rửa sạch sẽ, lau khô bầu vú. Sau đó gắn máy vào bầu vú vắt sữa.
Dường như đã quen với công việc của mình, những con bò sữa mông nở, cùng bốn vú tròn căng ngoan ngoãn đứng im cho vợ chồng chị Năm đưa máy vắt sữa cắm vào. Lúc này, cả trại bò chỉ nghe tiếng máy vắt sữa chạy ì ì và thoảng mùi thơm ngậy của sữa bò.
Chỉ tay vào con bò sữa có sản lượng sữa cao nhất, chị Năm phấn khởi khoe: "Bình quân mỗi con bò sữa cho sản lượng từ 25-35kg/ngày nhưng "nàng" này khéo lắm, cho vắt được 42kg sữa mỗi ngày".
Ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa
Gắn bó với nghề nuôi bò sữa từ năm 2003 đến nay, chị Năm có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi bò sữa. Cả đàn có đến hơn 60 con bò sữa, nhưng chị Năm hiểu rõ tính tình từng "nàng" bò sữa một. Gọi bò sữa là "em" và xưng "chị", chị Năm cười hiền chỉ tay vào từng con bò sữa và chia sẻ: "Em" bò sữa này tính tình ưa nhẹ nhàng, ưa nịnh lắm. Còn "em" bò sữa này khảnh ăn lắm, phải cỏ tươi xanh non rồi nén ủ chua thơm phức mới thích ăn...
Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế gia đình, chị Năm cho biết: Chị vốn quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, lấy chồng xã Vân Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Khi mới lấy nhau, anh chị cũng gặp nhiều khó khăn khi cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.
Không cam chịu nghèo khó, anh chị đầu tư mạnh vào các mô hình chăn nuôi, từ nuôi bò sinh sản, nuôi lợn, nuôi gà đến nuôi tằm lấy kén. Thấy quê ngoại Vĩnh Tường phát triển nghề nuôi bò sữa, chị Năm bàn với chồng tìm hiểu, đầu tư mô hình nuôi bò sữa.
Để có vốn đầu tư chăn nuôi bò sữa, anh chị đã thế chấp sổ đỏ nhà đi vay ngân hàng được 20 triệu đồng. Chị Năm bộc bạch: "Thời điểm năm 2003, số tiền vay 20 triệu khá lớn so với nông dân. Thấy tôi vay mượn nhiều, bố đẻ cứ bảo tôi liều quá, vì thời đó chẳng có ai dám đầu tư lớn như thế. Thú thật, bản thân tôi cũng lo chứ, nhưng đã quyết tâm thì phải làm đến cùng".
Với quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương từ mô hình bò sữa, trong quá trình sản xuất gia đình chị Năm tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng.
Đến nay, gia đình chị Năm đã đầu tư dàn phun nước chống nóng cho đàn bò và các thiết bị tự động trị giá hơn 3 tỷ đồng để phục vụ chăn nuôi bò sữa như: máy vắt sữa, máy cắt phay cỏ công suất lớn, máy phát điện, hệ thống chống sét. Bên cạnh đó, gia đình chị Năm còn xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đàn bò sữa của chị Năm phát triển tốt, cho sản lượng sữa cao, chất lượng sữa bò tốt. Đến nay, mô hình của gia đình chị Năm có tổng đàn bò sữa 62 con, trong đó có 50 con đang khai thác sữa, năng suất trung bình đạt 1 tấn sữa/ngày.
Nói về đầu ra sản phẩm sữa bò, chị Năm phấn khởi cho biết: "Người nuôi bò sữa ở xã Vân Hoà như chị rất yên tâm đầu ra của sữa bò vì đã có Công ty Vinamik đặt trạm thu mua với giá sữa bò loại 1 là 16.000 đồng/kg; sữa bò loại 2 là 15.200 đồng/kg và sữa bò loại 3 là 14.200 đồng/kg, 13.000 đồng/kg, 12.500/kg. Sữa đàn bò nhà tôi thường được đánh giá là loại một nên giá thu mua cao hơn".
Chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi bò sữa, Chị Tạ Thị Năm cho biết: Muốn nuôi bò sữa thành công, trước hết cần chọn con giống tốt. Trong quá trình nuôi bò sữa, người nuôi phải chú trọng chăm sóc, bảo đảm tỷ lệ thức ăn thô và tinh, cho uống đủ nước. Đặc biệt, phải bảo đảm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, nhất là trước khi vắt sữa vào buổi sáng và buổi chiều. Bên cạnh đó, người nuôi cần tiêm phòng bệnh định kỳ cho đàn bò sữa.
"Các bệnh dịch đàn bò sữa hay gặp phải là bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trong đó tụ huyết trùng nguy hiểm nhất"-chị Năm nói thêm.
Nhờ mô hình nuôi bò sữa, gia đình chị Tạ Thị Năm có tổng doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí đạt 5 tỷ đồng/năm. Tiền lãi thu được từ đàn bò sữa, chị Năm lại đầu tư mở rộng quy mô nuôi và mua thêm đất. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, chị Năm đã trồng 3,5 ha cỏ.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, mô hình nuôi bò sữa của chị Năm còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động thời vụ. Mỗi lao động có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Với cương vị là Chi Hội trưởng Chi Hội nông dân thôn Mồ Đồi, từ mô hình nuôi bò sữa hiệu quả của mình, chị Tạ Thị Năm đã lan toả khát vọng làm giàu đến hội viên nông dân trong chi hội. Chị Năm đã giúp đỡ 4 hộ nghèo về tiền mặt, hỗ trợ con giống chăn nuôi bò sữa đến khi xuất chuồng mới phải trả vốn và tạo việc làm cho những hộ nghèo.
"Khi thấy mình nuôi bò sữa hiệu quả, hội viên trong chi hội đã đua nhau phát triển. Hiện 90% hội viên trong chi hội nông dân thôn Mồ Đồi đều đầu tư mô hình nuôi bò sữa hiệu quả. Chi Hội nông dân thôn Mồ Đồi có 87 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 27 hộ cấp thành phố, 2 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương"- chị Năm phấn khởi chia sẻ.
Nhận xét về chị Tạ Thị Năm, anh Lê Trung Kiên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hoà cho biết: "Hiện nay xã Vân Hoà có hơn 1.000 hộ dân nuôi bò sữa với tổng đàn bò sữa gần 5.000 con. Trong đó, mô hình nuôi bò sữa có chị Tạ Thị Năm có quy mô lớn nhất xã. Chị Tạ Thị Năm cũng nhiều năm liền đạt danh hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.
Bản thân là một cán bộ Chi Hội trưởng nông dân, chị Tạ Thị Năm luôn tích cực tham gia các phong trào văn hoá, xã hôi; tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt Hội; các hội nghị tập huấn, tuyên truyền do Hội Nông dân xã, huyện, thành phố tổ chức. Chị Năm còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tham gia ủng hộ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đặc biệt, với kinh nghiệm của mình, chị Năm đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nhân dân xung quanh; vận động hội viên nông dân hăng hái tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã".
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).