Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hòa Bình-một ngày gặp lại, thêm thông tin mới, thành công mới
Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hòa Bình-một ngày gặp lại, thêm thông tin mới, thành công mới
Phạm Hoài - Thu Hằng
Thứ hai, ngày 02/09/2024 05:30 AM (GMT+7)
Thời gian qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng phát triển sâu rộng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình mới..., đặc biệt là những Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Đến xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang và mô hình kinh tế cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm của ông Đỗ Văn Chiến (SN 1974), là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Từ tinh thần dám nghĩ, dám làm và quyết tâm vươn lên làm giàu, ông Chiến đã nỗ lực vượt khó vươn lên, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ, truyền cảm hứng cho nhiều hộ hội viên nông dân có ý chí cố gắng thoát nghèo, làm giàu.
Nói về "cơ duyên" trong những ngày đầu khởi nghiệp, ông Chiến cho hay: Là hội viên nông dân của xóm, xã, ông luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho cây sắn, cây dong riềng trồng tại địa phương. Sau thời gian cất công đi học hỏi, tìm tòi, ông về bàn bạc với gia đình, mạnh dạn đầu tư máy chế biến tinh bột sắn, dong riềng và sản xuất miến.
Nắm chắc kỹ thuật, lại được các cấp Hội Nông dân đồng hành, hỗ trợ, mô hình triển khai khá thuận lợi. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ và hệ thống máy móc hiện đại, cơ sở của ông chế biến được 2.000 tấn củ dong tươi, đưa ra thị trường 110 tấn miến dong mỗi năm, sản phẩm được tiêu thụ ở cả trong và ngoài tỉnh.
Đến năm 2019, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của đơn vị chuyên môn của thành phố, của xã, sản phẩm miến dong Chiến Thọ đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Đỗ Văn Chiến - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021, giới thiệu sản phẩm miến dong Chiến Thọ được sản xuất tại xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Hằng Hoài.
Chưa dừng lại ở đó, ông Chiến còn là hội viên tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Trên diện tích đất sản xuất 11ha của gia đình, các loại cây trồng kém hiệu quả đã được ông thay thế bằng các loại cây ăn quả có giá trị cao như mít Thái, bưởi diễn, bưởi đỏ và cả những loại cây dược liệu như cà gai leo, nghệ đỏ...
Cơ sở sản xuất miến dong và vườn cây trồng phát triển ổn định đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Chiến. Nếu như ở năm 2017, doanh thu của cơ sở đạt 1,6 tỷ đồng thì đến năm 2023, con số ấy đã tăng lên trên 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất của ông Chiến đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập ổn định 6,5-8 triệu đồng/người/tháng; giúp đỡ 40 hộ dân khó khăn trong xóm bằng hình thức bán phân bón trả chậm với số lượng 120 tấn phân NPK.
Ngoài ra, gia đình ông còn chia sẻ kinh nghiệm trồng dược liệu cho 30 hộ trong xóm, nhân rộng mô hình trồng cây cà gai leo tạo thành vùng nguyên liệu 12ha.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, trên cương vị là Bí thư chi bộ xóm, ông gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Khởi nghiệp khó khăn - thành công rực rỡ
Gặp lại bà Đỗ Thị Thướng ở xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, chúng tôi thấy rõ niềm vui, sự tự hào vẫn còn hiển hiện trên gương mặt của nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Bà Thướng chia sẻ: "Đến tận bây giờ, bà vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp, xúc động xen lẫn tự hào khi nhận được danh hiệu cao quý này".
Với tính cần cù, chịu khó, bà Thướng bắt đầu khởi nghiệp làm kinh tế từ năm 2016. Trên tổng diện tích đất sản xuất 12ha, để mô hình kinh tế gia đình có hiệu quả bền vững, bản thân bà cùng gia đình đã bỏ ra nhiều thời gian mày mò, nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi bò sinh sản theo hướng trang trại.
Hiện mô hình của gia đình bà đã ổn định với gần 4.000 gốc cam các loại và 2ha vườn ươm giống cây giống ăn quả và đàn bò mẹ 15 con, mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Đến xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, chúng tôi được gặp bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1969, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là 1 trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Hợp tác xã của bà Bảy thành lập vào năm 2013, lúc này có 13 hộ gia đình tham gia với ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ. Khi Hợp tác xã bắt đầu đi vào hoạt động cũng gặp ít khó khăn nhất là về đầu ra sản phẩm. "Lấy công bù lỗ" bà Bảy và các thành viên đưa Hợp tác xã đi vào hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con trong vùng.
Đến năm 2020, Hợp tác xã liên kết với một công ty ở Hà Nội chuyên về làm các sản phẩm cỏ gianh, bà Bảy có trách nhiệm đào tạo nghề và thu mua toàn bộ sản phẩm mà chị em nơi đây làm ra, để cung ứng cho đối tác ở Hà Nội. Từ khi chuyển sang làm các sản phẩm cỏ gianh, thu nhập của chị em nâng lên rõ rệt và ổn định hơn trước do chủ động được nguyên liệu và đầu ra.
Cũng trong năm này, biến cố bỗng đổ ập tới gia đình bà. Người chồng bao năm kề vai sát cánh với bà bệnh nặng qua đời. Nỗi đau mất người thân chưa kịp nguôi, khoảng 2 tháng sau, bà Bảy phát hiện mình bị ung thư vú… Sau đợt phẫu thuật, bà phải trị xạ nhiều lần, cơ thể suy kiệt. Khi đó, cánh cửa cuộc đời như đóng sập trước mắt bà.
Nhưng với nghị lực phi thường, thay vì suy sụp, bà Bảy tự động viên mình phải sống và sống khỏe bởi ngoài mình còn có hàng trăm chị em phụ nữ đang trông chờ vào mình. Nếu bà từ bỏ, chị em sẽ như thế nào. Bất chấp cơn đau hành hạ, bà tìm đến công việc đan lát. Bà vẫn lo liên hệ với các mối hàng nhằm duy trì công việc cho chị em phụ nữ nơi đây.
Suốt mấy năm qua, mặc dù phải đương đầu với căn bệnh hiểm nghèo, nhưng bà Bảy đã giúp hàng trăm hộ gia đình ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn… của tỉnh Hòa Bình có việc làm và thu nhập ổn định từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay, HTX đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng từ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Ngoài sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bà Bảy đang liên kết với hàng trăm hộ dân để trồng cây nha đam và khoai lang, giúp các hộ dân có thu nhập ổn định từ những cây trồng này.
Không chỉ tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng trăm nông dân trên địa bàn tỉnh, giúp người dân phát triển mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà Bảy còn hỗ trợ về vốn cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn.
Những điển hình tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi những năm qua đã tạo động lực để hội viên, nông dân các cấp Hội trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Người nông dân ở tỉnh Hoà Bình ngày càng thay đổi tư duy sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhạy bén trong tiếp cận, nắm bắt cơ hội, thị trường...
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn như: mô hình nuôi cá lồng (thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc), trồng cam (huyện Kim Bôi, huyện Cao Phong), dệt thổ cẩm (huyện Tân Lạc, huyện Mai Châu), trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh (huyện Yên Thủy, huyện Tân Lạc, huyện Lạc Thuỷ)... Đặc biệt, một số sản phẩm nông sản chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã được xuất khẩu.
Hàng năm, số hộ đăng ký và đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đều đạt và vượt kế hoạch. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 40.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cơ sở Hội đã vận động giúp đỡ hội viên nghèo với việc hỗ trợ hàng tỷ đồng tiền vốn, hàng chục nghìn ngày công.
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đang quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền trên 63,5 tỷ đồng, với hàng trăm dự án được thực hiện, hàng nghìn hộ hội viên, nông dân được vay vốn.
"Chất lượng và hiệu quả Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh cao, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng năm lên đến hàng tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội.
Để phong trào phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, Hội tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân; đồng thời, tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy liên kết giữa các mô hình, giữa các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa..." - bà Đinh Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.