Dân Việt

TP.HCM chi hơn 3,5 ngàn tỷ đồng "phủ sóng" xe buýt điện

Diệu Bình 09/09/2024 10:11 GMT+7
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị để lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND TP ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn.

Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường vào năm 2030

Theo Sở GTVT TP.HCM, ngành giao thông vận tải ở Việt Nam đang là nguồn phát thải khí nhà kính lớn và có xu hướng gia tăng. Lĩnh vực này chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Dự báo, nếu tiếp tục theo kịch bản phát thải thông thường, lượng CO2 phát thải từ giao thông sẽ tăng từ 33,2 triệu tấn năm 2014 lên 89,1 triệu tấn năm 2030. Trong đó, mức phát thải CO2 từ hoạt động giao thông đường bộ là lớn nhất, ước tính khoảng 26,4 triệu tấn trong năm 2014 và sẽ tăng lên khoảng 71,7 triệu tấn vào năm 2030.

Việt Nam đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây ra khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang phải hứng chịu ô nhiễm bụi PM2.5 cao, với thiệt hại kinh tế ước tính 10,8 - 13,2 tỷ USD, tương đương 5% GDP cả nước.

Tại TP.HCM, hệ thống xe buýt hiện có khoảng 2.209 phương tiện. Trong đó có 546 xe điện, xe CNG; 1.663 xe sử dụng nhiên liệu diesel. Tổng lượng phát thải hiện tại là CO2 là 553.299 tấn/năm 2024.

Dự kiến số lượng xe trên các tuyến mở mới giai đoạn năm 2025 - 2030 là 1.108 xe, nâng tổng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2030 là 3.317 xe.

"Nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt công cộng sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, ô nhiễm môi trường từ giao thông ở thành phố sẽ trầm trọng hơn vào năm 2030 do số lượng xe buýt tăng trên 50%, gây hại sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế", Sở GTVT nhận định.

img

TP.HCM sẽ có 3.317 xe buýt điện vào năm 2030. Ảnh: M.Q

Sở GTVT cho hay, hiện hệ thống trạm cung cấp năng lượng chưa đủ để thực hiện chuyển đổi hoàn toàn phương tiện giao thông công cộng sang điện và năng lượng xanh trong giai đoạn 2025 - 2030.

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thực hiện các chỉ đạo chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh, cần xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ phù hợp.

 Dự kiến có 3.317 xe buýt điện

Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, Sở GTVT đề xuất, hỗ trợ lãi suất vay đầu tư chuyển đổi phương tiện. Mục tiêu đặt ra là cung cấp cơ sở pháp lý về lãi suất vay và hỗ trợ ngân sách cho chuyển đổi phương tiện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện, năng lượng xanh.

Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất vay cho Hợp tác xã, doanh nghiệp tại Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM để thực hiện dự án chuyển đổi phương tiện công cộng. Mức vốn vay tối đa 85% tổng đầu tư, lãi suất cố định 3,0%/năm, mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỷ đồng/dự án; thời gian hỗ trợ tối đa 7 năm. Thủ tục theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND.

Về đơn giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện, có chính sách đảm bảo phương tiện chuyển đổi có thể tham gia cung ứng dịch vụ trong khi chưa có định mức đơn giá cụ thể.

Nội dung chính sách là sử dụng đơn giá xe buýt điện từ các địa phương khác hoặc đơn giá xe buýt diesel/khí CNG thấp nhất để dự toán dịch vụ. Áp dụng trong tối đa 3 năm, đến khi thành phố ban hành định mức đơn giá.

Về chính sách đầu tư trạm cung cấp năng lượng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp đầu tư trạm, mức vay tối đa 70% tổng đầu tư, mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỷ đồng/dự án; lãi suất hỗ trợ 50% lãi suất công bố, thời gian hỗ trợ tối đa 7 năm.

Đặc biệt, chấp thuận lắp đặt trạm cung cấp năng lượng, xây dựng trạm năng lượng trên đất thuộc hành lang an toàn đường bộ và các vị trí phù hợp. Sử dụng vốn đầu tư công hoặc khuyến khích đầu tư tư nhân. 

Về trạm cung cấp điện, toàn thành phố chỉ có một trạm sạc tại TP Thủ Đức do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus đầu tư, phục vụ riêng cho phương tiện của công ty.

Để đáp ứng kế hoạch chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, cần xây dựng ít nhất 25 trạm với 269 trụ sạc đến năm 2030, trong bối cảnh thành phố dự kiến có 3.317 xe buýt, trong đó 528 xe sử dụng CNG.

Về trạm cung cấp khí CNG, TP hiện có 3 trạm (An Sương, Đại học Quốc gia, Phổ Quang) phục vụ cho 516 xe buýt CNG. Số lượng trạm hiện tại không đủ, dẫn đến chi phí cao và thời gian chờ đợi lâu. Để đáp ứng nhu cầu 528 xe CNG vào năm 2030, cần bổ sung ít nhất 3 trạm mới tại các bến xe Ngã 4 Ga, bến xe Miền Đông mới và quận 8.

TP.HCM đã thống nhất triển khai đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh theo hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tập trung vào việc nghiên cứu và xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích việc chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng.

Giai đoạn 2: Xây dựng và hoàn thành đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Trong giai đoạn này, huyện Cần Giờ sẽ được xem xét như một đơn vị ưu tiên để thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng điện.

Dự kiến nguồn kinh phí giai đoạn 2025 - 2030 trên 3.521 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện giai đoạn 2025 - 2030 trên 2.094 tỷ đồng; Kinh phí hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm cung cấp năng lượng điện 79,4 tỷ đồng; Đầu tư công xây dựng trạm cung cấp năng lượng điện trên 1.347 tỷ đồng.