Chi hàng chục tỷ đồng chăm lo, hỗ trợ trẻ em mồ côi sau dịch Covid-19

Diệu Bình Thứ bảy, ngày 07/09/2024 17:13 PM (GMT+7)
Sau dịch Covid-19, TP.HCM đã chi hàng chục tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi trên địa bàn TP nhằm xoa dịu nỗi đau của trẻ và người nuôi dưỡng.
Bình luận 0

Ngày 7/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM cùng Quỹ Khởi Sự Từ Tâm tổ chức tọa đàm "Cùng làm cha mẹ: Tiếp cận chăm sóc trẻ mồ côi dựa vào gia đình, cộng đồng và mạng lưới thân tộc".

TS. Lê Hoàng Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM cho biết, từ những dữ liệu ban đầu trong phạm vi Dự án Cùng Làm Cha Mẹ qua các năm đã cho thấy, trẻ và người nuôi dưỡng đang chịu nhiều tổn thương và áp lực trong đời sống. Trong khi đó, các phúc lợi hỗ trợ cho gia đình từ các nguồn chính thức cho đến phi chính thức vẫn còn rất đơn giản.

"Thay vì dựa vào cơ sở nuôi dưỡng tập trung, việc chăm sóc, gắn kết với gia đình, cộng đồng và mạng lưới thân tộc giúp trẻ mồ côi không còn đơn độc và có nhiều động lực hơn trên hành trình trưởng thành", ônh Dũng nhận định.

img

Tọa đàm "Cùng làm cha mẹ: Tiếp cận chăm sóc trẻ mồ côi dựa vào gia đình, cộng đồng và mạng lưới thân tộc". Ảnh: D.B

Tham gia tham luận, bà Tống Thị Hương, nghiên cứu sinh ngành Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM cho hay, những mất mát sau dịch Covid-19 đã khiến trẻ em và người chăm sóc trẻ chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Đặc biệt, những áp lực mà người nuôi dưỡng đã phải trải qua là rất lớn.

"Họ tìm cách xoa dịu nỗi đau bằng những cách thức khác nhau như động viên bản thân mình, bước đầu chấp nhận cuộc sống hiện tại; đưa con đi chùa và tụng kinh hàng ngày; hoài niệm về người quá cố thông qua những vật dụng và niềm tự hào khi kể về người thân của họ", bà Hương nói.

Theo bà Hương, gia đình là chỗ dựa vững chắc trong nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em mồ côi. Để vượt qua những thách thức trên, người nuôi dưỡng cần được tiếp thêm động lực từ chính các thành viên trong gia đình, họ hàng thân tộc và cả sự chung tay của các cấp, ban ngành đoàn thể, tổ chức và cá nhân từ cộng đồng.

img

TP.HCM đã chi 23,2 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi từ ngày 1/5/2022 đến 31/10/2023. Ảnh: D.B

Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TP.HCM cho biết, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn TP có trên 550.000 người nhiễm, trên 20.000 người tử vong, 2.200 trẻ em mồ côi cha, mẹ lâm vào hoàn cảnh khó khăn hiện đang sinh sống tại cộng đồng.

Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 nhưng TP vẫn dành một nguồn lực lớn để hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ mồ côi.

Từ ngày 1/5/2022 đến 31/10/2023, TP đã chi 23,2 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi trên địa bàn TP.

"Đối với các nhóm trẻ em mồ côi sự hỗ trợ từ chính sách có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đối với trẻ em mà bao gồm cả người thân của trẻ. Việc trẻ em mồ côi được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học phí và trợ cấp hàng tháng đã tạo động lực cho các trẻ tiếp tục đến trường học tập, trao cho các trẻ cơ hội kiến tạo tương lai bền vững, hạnh phúc; đồng thời, người thân của các em cũng được tiếp thêm sự an tâm để làm việc và ổn định cuộc sống", ông Nhựt nói.

Cũng theo Phó trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TP.HCM, có sự chênh lệch giữa số lượng trẻ được hưởng chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng và số lượng trẻ được hưởng chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng trẻ được hưởng chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội là 852 trẻ với 1,6 tỷ đồng, cao hơn gần 1,6 lần so với số lượng trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là 545 trẻ với hơn 392 triệu đồng.

"Nhiều quốc gia đã không cho phép đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng tập trung mà thay vào đó đã phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em đảm bảo có thể tìm kiếm và giám sát chặt chẽ các gia đình thay thế, đảm bảo trợ cấp Chính phủ để trẻ có thể được ở trong môi trường, cộng đồng của chính mình, học ở mái trường quen thuộc, với những người bạn đã quen và nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng", ông Nhựt chia sẻ và cho rằng điều này cần được nghiên cứu, xem xét và đánh giá một cách khoa học để có những kiến nghị chính sách cho phù hợp với thực tiễn xã hội.

Tháng 3/2023, Quỹ Khởi Sự Từ Tâm đã triển khai Dự án Cùng Làm Cha Mẹ, để hỗ trợ trẻ em mồ côi tại cộng đồng trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Quỹ Khởi Sự Từ Tâm hướng đến tăng cường các can thiệp từ phía gia đình khi còn có thể nhằm đảm bảo trẻ em mồ côi phải được nuôi dưỡng trên nền tảng của gia đình và cộng đồng một cách an toàn.

Trong khuôn khổ Dự án Cùng Làm Cha Mẹ, ngoài việc tiếp tục cùng duy trì các hỗ trợ kinh phí cho hộ gia đình và trẻ, dự án đã triển khai các chương trình tập huấn, sinh hoạt thường niên cho cả trẻ em mồ côi và ba/mẹ hoặc người nuôi dưỡng, kết nối họ trong mạng lưới, nơi giá trị thấu cảm được đề cao để nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực giữa trẻ và gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem