Theo ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Thuận (TTKN), thời gian qua, Trung tâm thực hiện nhiều công tác tuyên truyền, quán triệt sâu các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận.
Nhằm nâng cao nhận thức của viên chức, người lao động trong toàn đơn vị về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Trung tâm đã ban hành kế hoạch số 15/KH-TTKN ngày 23/03/2023 của TTKN về triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Trung tâm đã thành lập Tổ chuyển đổi số của TTKN và trong quá trình triển khai, Cấp uỷ, Ban Giám đốc phối hợp cùng Công đoàn, Đoàn Thanh niên xem xét lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chuyển đổi số phù hợp để thực hiện, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ và sự tham gia của toàn viên chức, người lao động đơn vị bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số; chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị.
Hiện trạng trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, tỷ lệ 100% máy tính trang bị phần mềm diệt virus Kaspersky Internet Security và đã xây dựng 1 trang thông tin điện tử của đơn vị: http://khuyennong.binhthuan.gov.vn/ nhằm thực hiện nhiệm vụ khuyến nông khuyến ngư thường xuyên thông tin tuyên truyền những hoạt động tiêu biểu của công tác khuyến nông khuyến ngư trong và ngoài tỉnh.
Cũng theo ông Ngô Thái Sơn, đơn vị đang tham gia vận hành, sử dụng phần mềm "Chuẩn hoá, tạo lập cơ sở dữ liệu nông thôn tỉnh" do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, đăng tải tin tức chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật lên website có địa chỉ http://tintuc.nnbinhthuan.gbis.vn; nhập dữ liệu chứng nhận thanh long VietGAP, nhập dữ liệu phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên phần mềm (quy trình các loại cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất hiệu quả, thông tin thị trường dịch vụ, …) và phần mềm đang chuẩn bị quy trình nghiệm thu sản phẩm công nghệ thông tin trước khi đưa vào sử dụng.
Kể từ năm 2022 đến đầu năm nay, đơn vị triển khai thực hiện gói Chuyển đổi số cho lộ trình xanh hoá chuỗi cung ứng thanh long Bình Thuận thuộc chương trình Dự án UNDP và đạt được một số kết quả:
Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ 4 HTX/Doanh nghiệp và toàn bộ các thành viên của HTX và Doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị thanh long xanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (trong đó ưu tiên cho nữ lãnh đạo 50% số lượng), cụ thể:
HTX thanh long Thuận Tiến, HTX long sạch Hòa Lệ( cùng huyện Hàm Thuận Bắc) và HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam) và Công ty TNHH nước ép Phúc Hà, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận.
Theo ông Ngô Thái Sơn, thời gian qua đơn vị đã phát triển phần mềm nhật ký sản xuất có chức năng theo dõi dấu chân Carbon, chạy trên thiết bị di động (app) và máy tính với mục tiêu dễ dùng, dễ áp dụng cho nông dân.
Qua phần mềm này, người nông dân được đáp ứng nhu cầu của các tác nhân trong chuỗi giá trị thanh long bao gồm người cung cấp đầu vào, người sản xuất, người thu mua, chế biến, cơ quan hỗ trợ và quản lý Nhà nước… Phần mềm này đảm bảo vận hành tốt khi mở rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận.
Năm 2024, đơn vị đã chủ động, sáng tạo kế thừa kết quả từ Dự án UNDP để mở rộng phần mềm ghi nhật ký điện tử với tên gọi "Nông nghiệp số Bình Thuận", được tích hợp trên 2 hệ điều hành IOS và Android có chức năng ghi nhật ký sản xuất cho phân hệ sản xuất lĩnh vực trồng trọt.
Qua đó, đã tổ chức 4 cuộc hội thảo với quy mô 500 đại biểu, người dân – trong đó có Hội thảo khoa học phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Thuận về Chuyển đổi số; 10 lớp tập huấn trực tiếp về ứng dụng chuyển đổi số và sử dụng phần mềm Nông nghiệp số; mở rộng dưới nhiều hình thức (Trực tiếp và trực tuyến) cho các đối tượng sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, trên đối tượng cây ăn quả, rau màu…
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của ngành, Trung tâm Khuyến nông đã lấy Tổ Khuyến nông cộng đồng là hạt nhân, trung tâm trong tuyên truyền và đào tạo thực hiện chuyển đổi số.
Riêng phần mềm "Nông nghiệp số Bình Thuận", đơn vị đã cấp hơn 1000 tài khoản cho người dân/HTX; trên Sầu riêng và táo đã kích hoạt cấp hơn 10.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên thanh long phấn đấu 30% hồ sơ chứng nhận VietGAP trong năm 2024 được thực hiện số hoá, có ghi chép nhật ký điện tử bằng phần mềm "Nông nghiệp số Bình Thuận".
Cũng theo ông Ngô Thái Sơn, việc sử dụng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản qua APP "Nông nghiệp số Bình Thuận" cung cấp dịch vụ truy vết và chứng thực thông tin trong từng công đoạn, từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển và đến tay người tiêu dùng trong chuỗi giá trị nông nghiệp giúp minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Qua đó, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh làm đòn bẩy tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo kế hoạch, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo trực tiếp, trực tuyến, hướng dẫn nhiều clip kỹ thuật trên kênh youtobe… cho các tổ khuyến nông cộng đồng về chuyển đổi số và nâng cao việc sản xuất thanh long VietGAP…
Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, TTKN tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản.
Trong đó, phải kể đến các mô hình, như: Mô hình thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đa Mi, mô hình trồng thâm canh gừng tại xã Đông Tiến( huyện Hàm Thuận Bắc), mô hình trồng thâm canh cây đinh lăng theo liên kết chuỗi tại xã Hàm Hiệp, mô hình trồng thâm canh cây gừng theo liên kết chuỗi tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.
Đặc biệt là các mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP - Cánh đồng không dấu chân tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh. Các mô hình trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh.
Về chăn nuôi có các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản tại xã Mương Mán và xã Hàm Thạnh(huyện Hàm Thuận Nam)...
Mô hình trồng bắp sinh khối, cỏ nuôi bò tại xã Phan Lâm (huyện Bắc Bình), mô hình chăn nuôi dê thương phẩm, ủ thức ăn từ phụ phẩm cây táo tại xã Phong Phú(huyện Tuy Phong).
Ngoài ra, còn có mô hình nuôi cá lăng lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Tân Hà, huyện Đức Linh; mô hình nuôi vẹm xanh theo hình thức dây treo đáy tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam…
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp; thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ khuyến nông cộng đồng gắn với việc đẩy mạnh số hoá trong đào tạo, ghi chép nhật ký điện tử trong quá trình sản xuất thanh long VietGAP, lúa chất lượng cao… và bước đầu đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Nhờ việc triển khai thực hiện các mô hình trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi trên mà người dân các địa phương đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, do đó năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên.
Đồng thời, thông qua việc thực hiện các mô hình đã giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang vùng sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu này, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh...
Vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Tỉnh đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Khoá tập huấn có hơn 80 học viên là các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) cấp huyện; trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể.
Khoá tập huấn đề cập đến tình hình, kết quả thực hiện chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Vì vậy chuyên đề chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, các học viên sẻ được thông tin về thực trạng và những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, để triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột gồm phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Mô hình "Cà phê công dân số" tại xã Tân Đức
Theo Phòng VH&TT huyện Hàm Tân(Bình Thuận), UBND xã Tân Đức vừa ra mắt mô hình "Cà phê công dân số" trên địa bàn xã Tân Đức.
Tân Đức là xã được huyện chọn là xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024, chính vì vậy huyện Hàm Tân đã chọn xã Tân Đức thực hiện thí điểm mô hình "Cà phê công dân số".
Với mong muốn trong thời gian tới công tác tuyên truyền thực hiện mô hình "Cà phê công dân số" gắn với chuyển đổi số sẽ được người dân hưởng ứng, quan tâm và nhân rộng trên địa bàn toàn xã.
Qua thực hiện mô hình này sẽ tuyên truyền kịp thời cho người dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, hướng dẫn người dân thực hiện các ứng dụng hành chính công, góp phần nâng cao công tác chuyển đổi số tại địa phương.
Mô hình này không chỉ giúp người dân trong các thủ tục hành chính mà còn thực hiện dán các mã QR code tích hợp đường dẫn đến các tài liệu tuyên truyền, các văn bản luật hiện nay như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình...
Người dân có nhu cầu chỉ cần quét mã QR là có thể truy cập vào đọc các tài liệu tuyên truyền. Song song đó, cán bộ, đoàn viên có thể hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng CĐS như: kích hoạt VneID mức độ 2,... đưa công nghệ số, nền tảng số đến với từng người dân trên địa bàn xã.
Trong thời gian tới, UBND Tân Đức xã tiếp tục duy trì mô hình này và nhân rộng ra 6/6 thôn trên địa bàn toàn xã, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả hơn.