Chuyển đổi số ở Bình Thuận: Phát triển 3 trụ cột kinh tế đảm bảo người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả

Bùi Phụ - Ngọc Thanh Thứ ba, ngày 10/09/2024 10:47 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã ký Nghị quyết (Số 16-NQ/TU ngày 8/7/2024) về thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Bình Thuận phát triển 3 trụ cột kinh tế, đảm bảo người dân được thụ hưởng những thành quả đạt được...
Bình luận 0

Phát triển 3 trụ cột kinh tế gắn với ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, bền vững

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xác định phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đảm bảo người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Để phát triển 3 trụ cột này, tỉnh Bình Thuận quyết tâm thực hiện công tác chuyển đổi từ thành thị đến vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Chuyển đổi số ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Thuận quyết tâm chuyển đổi số và phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị phát triển bền vững... Ảnh: TTXTDL Bình Thuận

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển.

Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững.

Bình Thuận phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột:

Thứ nhất là công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành.

Thứ hai là dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics.

Thư ba là nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.

Theo phương án của tỉnh Bình Thuận, địa phương xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Qua đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả ngành nghề liên quan đến đời sống người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đời sống

Để thực hiện việc chuyển đổi số thành công, ngày 25/3/2024 ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký ban hành kế hoạch (số 1051 /KH-UBND) triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành trung ương.

Chuyển đổi số ở Bình Thuận - Ảnh 2.

Tỉnh Bình Thuận quyết tâm chuyển đổi số để phát triển kinh tế- văn hoá trong đời sống người dân... Một lễ hội văn hoá ở TP.Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTXTDL Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc tập trung phát triển hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện các nhiệm vụ như: Thực hiện rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đảm bảo tốc độ mạng viễn thông di động, tiếp tục đẩy mạnh phát triển internet cáp quang băng rộng đến mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xã hội, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có ít nhất 1 thiết bị thông minh đến năm 2025.

Nhằm triển khai công nghệ số đến người dân một cách hiệu quả nhất, ngày 3/5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành kế hoạch(số 586/KH-UBND) triển khai hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng trong năm 2024.

Theo đó, với mục đích phát huy vai trò nòng cốt của Tổ Công nghệ số cộng đồng làm cầu nối, lan tỏa đến mọi người dân và hưởng ứng, tích cực sử dụng nền tảng số, công nghệ số góp phần quan trọng vào kết quả triển khai chuyển đổi số của tỉnh Bình Thuận.

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng phải đi vào thực chất, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, cơ sở và hướng dẫn cho người dân tiếp cận các công nghệ số theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu của người dân. Đặc biệt là tạo ra giá trị, lợi ích thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người dân thông qua việc sử dụng công nghệ số.

Chú trọng đúng mức công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, giao tiếp với chính quyền qua môi trường số.

Chuyển đổi số ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Du khách tham quan tháp Pô Sah Inư ở TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTXTDL Bình Thuận

Bên cạnh đó, hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng phải lấy phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng công nghệ số phục vụ tiện ích cuộc sống hằng ngày…

Theo đó, các hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng trong năm 2024 sẽ phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán phí/lệ phí không dùng tiền mặt đến 50% hộ gia đình; tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID) đạt trên 50.000 lượt cài đặt.

Cùng với đó là tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Công dân số Bình Thuận đạt trên 40.000 lượt cài đặt, tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 30.000 lượt cài đặt; thông tin, tuyên truyền các chương trình, nội dung về chuyển đổi số của tỉnh đến 90% dân số (bằng nhiều hình thức).

Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp

Một trong những trọng tâm mà tỉnh Bình Thuận quyết tâm là chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các vùng chuyên canh gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Song song đó là xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực, địa bàn có tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu, thị trường và kết cấu hạ tầng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Chuyển đổi số ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Thanh long là cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTXTDL Bình Thuận

Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 4/5/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-SNN ngày 12/7/2022 về chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 để thực hiện.

Tỉnh Bình Thuận xác định thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh. Vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất thanh long như ứng dụng chuyển đổi số vào trong sản xuất là hết sức quan trọng. Việc này là cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, cần rõ ràng và minh bạch trong các khâu sản xuất và sơ chế, chế biến…

Từ năm 2022 và 2023 thông qua Dự án thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Sở Nông nghiệp & PTNT giao Trung tâm Khuyến nông triển khai thí điểm ghi chép nhật ký điện tử trong sản xuất thanh long cho 4 doanh nghiệp/HTX trên địa bàn. Kết quả, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân đã dần tiếp cận với cách làm mới, từng bước ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất...

Sở cũng xác định, công nghệ số là mũi nhọn của ngành nông nghiệp nên suốt thời gia qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã tổ chức tập huấn ứng dụng phần mềm "Nông nghiệp số Bình Thuận" Việc này nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Bình Thuận.

Đồng thời để đẩy mạnh chủ trương ứng dụng chuyển đổi số, năm 2023 đã mở rộng từ ứng dụng trên cây thanh long sang ứng dụng trên một số đối tượng cây trồng chủ lực khác như: thanh long, sầu riêng, lúa, cây ăn quả…

Chuyển đổi số ở Bình Thuận - Ảnh 5.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận phát biểu trong một hội thảo chuyển đổi số trong quản lý và xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Cũng theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, thông qua ứng dụng chuyển đổi số, người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp đã minh chứng được sản phẩm và quy trình sản xuất của mình, tiếp cận được thêm nhiều kênh thông tin về thị trường, có thể bán trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch điện tử như thanh long, sầu riêng...

Phần mềm "Nông nghiệp số Bình Thuận" như ghi chép nhật ký điện tử, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Những người tham gia những khoá tập huấn được các chuyên gia, giảng viên hướng dẫn sử dụng phần mềm nông nghiệp số Bình Thuận trên điện thoại di động, bao gồm các bước đăng ký tài khoản và cài đặt phần mềm.

"Thông qua phần mềm, người dân, HTX có thể khai báo thông tin lô sản xuất, sản phẩm, ghi chép nhật ký, biến động sản lượng; sử dụng chức năng truy xuất nguồn gốc và được hướng dẫn kết thúc vụ sản xuất, tiếp tục ghi chép nhật ký…", ông Phan Văn Tấn chia sẻ.

Hướng đi mới cho thanh long Bình Thuận

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn hiện có trên 24.000 ha thanh long, trong đó có gần 8.600 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và Global Gap.

Được biết, hiện nay thi trường xuất khẩu thanh long Bình Thuận ngày càng chuyển hướng. Nếu trước đây phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (80%) thì nay đang dần chuyển hướng sang Ấn Độ, Thái Lan, Hong Kong(Trung Quốc) và đặc biệt là thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ...

Trước đó, vào tháng 3/2023, trái thanh long Bình Thuận đã được xác lập kỷ lục châu Á (theo Tiêu chí kỷ lục châu Á về ẩm thực và đặc sản).

Chuyển đổi số ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Ông Đinh Xuân Đào, chủ trang trại trồng thanh long, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ông Đào là 1 trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023. Ảnh: Bùi Phụ

Nhiều chuyên gia ẩm thực nhận định, thanh long Bình Thuận có hương vị thơm ngon đặc trưng và nhiều giá trị lợi ích cho sức khỏe. Nổi tiếng với nhiều giống thanh long đa đạng như thanh long ruột trắng, đỏ, tím có giá trị tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cao.

Bên cạnh dùng để ăn hàng ngày, trái thanh long còn được chế biến thành các sản phẩm khác như thanh long sấy khô, rượu, giấm, mứt, nước ép trái cây.

Ngoài ra, hiện nay chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận" đã được Liên minh Châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu "Bình Thuận DRAGON FRUIT" đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ, như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Singapore và Thái Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem