Từ đầu năm đến nay, mô hình liên kết sản xuất, chế biến nông - lâm sản của ông Phạm Ngọc Sự ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã thu hoạch và xuất khẩu được 1.450 tấn sầu riêng và mít Thái sang thị trường Trung Quốc, doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng.
Bén duyên với "cây vua"
Có được nguồn thu lớn như trên, là do ông Sự cùng các thành viên đã trồng được 220ha sầu riêng xen canh với mít Thái và sản xuất theo hướng GlobalGAP.
Trong đó cây sầu riêng mới cho trái kinh doanh vụ đầu (2024), sản lượng quả đã đạt 450 tấn, trị giá 36 tỷ đồng, cây mít Tthái cho quả năm 2021, sản lượng trung bình đạt 1.000 tấn mỗi năm, xuất khẩu được bình quân 15.000 đồng/kg, giá trị sản lượng đạt hơn 15 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, mô hình còn liên kết trồng được 45ha cây dổi, trước mắt để làm vành đai chắn gió cho các vườn cây ăn trái nêu trên, sau sẽ lấy hạt và thu hồi gỗ kinh doanh.
Ông Phạm Anh Tuấn (thành viên trong mô hình) cho biết, mục đích của nhóm ông khi cho xen canh cây mít Thái với sầu riêng là để lấy ngắn nuôi dài, vì cây giống đưa vào sản xuất là mít Thái siêu sớm, sau trồng 18 tháng, chăm sóc tốt sẽ được khai thác kinh doanh.
Việc thực hành nông nghiệp tốt trên cây ăn trái theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP) là nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu các loại trái cây làm ra. Bên cạnh trồng giống mít Thái siêu sớm, mô hình còn đưa vào cơ cấu giống sầu riêng Musang King, giống cho chất lượng ngon nhất và có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay.
Ông Tuấn cho biết thêm, trước đây mô hình này đã trồng 400ha cao su, sau thấy cây cao su không phù hợp thổ nhưỡng, sinh thái của địa phương, năng suất mủ đạt thấp, hiệu quả sản xuất cũng không cao bằng một số cây ăn trái trên địa bàn, nên phải đổi sang trồng sầu riêng và mít Thái.
Ngoài có được nguồn thu đã nêu, mô hình liên kết này còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 60-70 bà con các dân tộc trong khu vực, với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng, chưa gồm tiền ăn, uống, nghỉ ngơi tại chỗ và đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho các lao động.
Dự kiến, sau khi các vườn sầu riêng và mít trong mô hình bước vào thời kỳ cho thu cao sản, doanh thu sẽ đạt hàng trăm tỷ đồng, vì sầu riêng được coi là "vua" của các loại quả nhiệt đới, không những cho chất lượng ngon nhất, còn luôn bán được giá cao gấp bội so các loại trái cây khác.
Mặt khác, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, cũng mới chỉ sản xuất thử nghiệm được cây trồng này ở quy khoảng 500 cây.
Ông Tuấn còn chia sẻ, quê ông ở huyện Yên Lạc (Vĩnh Phú), thông qua người thân, ông đã tham gia mô hình từ năm 2019. Để có vốn tham gia góp vào mô hình sản xuất này, ông Tuấn đã phải bán phần lớn đất thổ cư, cho thuê lại quyền sử dụng ruộng 3 của gia đình ngoài quê, rồi đưa vợ, con vào sống, lập nghiệp lâu dài ở Kon tum. Hiện cuộc sống của gia đình ông đã ổn định, đang từng bước tích luỹ.
Bí kíp thâm canh sầu riêng xuất khẩu
Theo ông Phạm Thanh Luận (cán bộ kỹ thuật của mô hình) để canh tác sầu riêng theo hướng GlobalGAP, các ông phải chọn các vùng đồi, đất giàu dinh dưỡng, độ dốc dưới 300, pH đất từ 5,5-6,0 và không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây mất vệ sinh an toàn trái cây, đặc biệt phải gần các sông, suối chảy qua địa bàn, nhằm thuận tiện cho việc tưới tiêu cho các loại cây trồng, thực tế là gần sông Đăk Pxi.
Tuy nhiên để chủ động tưới nước cho các cây ăn trái, các hộ liên kết trong mô hình vẫn phải xây dựng một số bể chứa trên các đỉnh đồi, sau bơm nước dưới sông lên cho lắng, lọc, mới đưa vào các cột béc lắp đặt tới từng gốc cây, phun tưới cho sầu riêng và mít theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Trước đó, các hộ còn phải đưa máy móc vào phát dọn sạch cỏ dại, làm các hàng băng trồng cây ăn quả và giao thông đi lại theo đường đồng mức quanh đồi, đảm bảo thuận lợi cho đi lại chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng.
Về giống trồng, các hộ chỉ lựa chọn những cây giống khoẻ, sạch bệnh, được nhân ra từ các vườn cây ăn trái đầu dòng. Đối với bón, cũng chỉ sử dụng các loại phân được nhà nước cho phép sản xuất, lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Ngoài ra còn phải tuyệt đối không dùng hoá chất trừ cỏ và thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Theo đó, để cây sầu riêng cho năng suất, chất lượng quả đạt cao, các hộ thường chọn mua các loại phân gia cầm nhập khẩu từ Bỉ hoặc Na Uy, chia bón cho vườn cây 4 lần, mỗi lần 5-6kg/gốc, lần đầu bón ngay sau thu hoạch kết hợp với cắt tỉa và làm vệ sinh vườn cây, các lần còn lại, bón cách lần 1 lần lượt, 60 ngày, 120 ngày và 180 ngày.
Về giải pháp sử dụng phân hoá học cho sầu riêng, các hộ chỉ bón 2 lần NPK 13-13-13+TE cách nhau 10 ngày, liều lượng 0,5-0,7kg/gốc/lần (lần đầu bón ngay sau cây lộ quả non khoảng 50 ngày).
Ngoài ra còn bón thúc mầm hoa, mỗi cây 3-4kg phân lân Văn Điển; bón cho cơm quả chín vàng đẹp, ngon ngọt (trước thu hoạch 20 ngày), liều lượng 0,3-0,5kg Kaliclorua/gốc. Lưu ý, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao gói.
Trong phương án phòng trừ dịch bệnh trên cây sầu riêng, các hộ luôn chú ý phòng ngừa hơn chữa trị và ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc; phun phòng khi các điều kiện ánh sáng, ẩm độ và nhiệt độ không khí thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát sinh gây hại, phun trừ khi vết bệnh đầu vừa xuất hiện hoặc sâu non còn đang trong tuổi 1.
Được biết để chủ động làm tốt công tác này, bên cạnh việc đầu tư máy bay không người lái cho phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho sâu riêng những khi trời tương đối lặng gió, các hộ còn phải sắm thêm máy phun thuốc bảo vệ thực vật từ mặt đất vào những ngày thời tiết có gió to.
Để có thể xuất khẩu được mít Thái và sầu riêng ra thế giới, trước mỗi vụ thu hoạch hàng năm, các hộ đều phải lấy mẫu các loại trái cây, đưa xuống thành phố Hồ Chí Minh, thuê các cơ quan chuyên môn phân tích, đạt yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phấm theo quy định, mới tiến hành thu hái, xuất vườn, vì các thương lái đến thu mua xuất khẩu, bao giờ cũng yêu cầu nhà vườn cho coi giấy chứng nhận đạt vệ an toàn thực phẩm, mớii xúc tiến hợp đồng bao tiêu.
"Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp 03 Mã số vùng trồng, tổng diện tích 103 ha cho Mít Thái siêu sớm và sầu riêng Musang King của mô hình để phục vụ xuất khẩu.
Kế hoạch thời gian tới, mô hình sẽ mở rộng liên kết, liên doanh với các nông dân trong khu vực, nângg quy mô sản xuất các loại trái cây trên lên 1.000ha, nhằm góp phần cùng các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kon tum, về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng tới năm 2030", ông Phạm Ngọc Sự, thông tin thêm.