"Mỏ vàng sầu riêng" loại trái cây vua của Việt Nam: Thương hiệu quốc gia mang tên sầu riêng (Bài cuối)

Minh Huệ (thực hiện) Chủ nhật, ngày 08/09/2024 05:30 AM (GMT+7)
Ngay sau khi Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được ký kết, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã khẩn trương xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn; sẽ tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong thời gian tới. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia về sầu riêng là việc nên làm.
Bình luận 0

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NNPTNT) cho biết như vậy khi trao đổi với PV Dân Việt về các thủ tục cần chuẩn bị để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. 

Việt Nam sẽ có thêm nhiều tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xây dựng thương hiệu quốc gia- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT). Ảnh: Minh Huệ

Khẩn trương xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về sầu riêng đông lạnh

-Vừa qua, cơ quan chức năng Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành sầu riêng nước ta, thưa ông?

- Trong những năm qua, Cục BVTV đã tích cực phối hợp, trao đổi thông tin và nỗ lực đàm phán về mặt kỹ thuật với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đối với một số loại trái cây có tiềm năng, trong đó có quả sầu riêng tươi và gần đây là sầu riêng đông lạnh. Chúng ta phải khẳng định, ngành hàng sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đồng thời, thu nhập của bà con nông dân trong sản xuất sầu riêng được nâng cao, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Do đó, việc ký Nghị định thư đối với sản phẩm sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị xuất khẩu: Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng quả tươi. Nghị định thư này cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, giúp đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Việc này cũng giúp gia tăng giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam nhờ vào khả năng bảo quản lâu hơn và vận chuyển dễ dàng hơn.

Thúc đẩy sản xuất và đầu tư trong nước: Với thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc, ngành sầu riêng Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư vào công nghệ bảo quản, chế biến và logistics. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế cho các vùng sản xuất sầu riêng.

Tăng khả năng cạnh tranh với các nước khác: Các quốc gia như Thái Lan đã có lợi thế lớn trong xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Tuy nhiên, với Nghị định thư ký kết lần này, Việt Nam có cơ hội cải thiện năng lực cạnh tranh bằng cách cung cấp sầu riêng chất lượng cao với giá cả hợp lý, đồng thời tận dụng sự linh hoạt trong hình thức xuất khẩu đông lạnh để chiếm lĩnh thị phần.

Giải quyết vấn đề tiêu thụ nội địa: Việt Nam có sản lượng sầu riêng lớn, việc mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc giúp giảm tải áp lực tiêu thụ trong nước và tránh tình trạng dư cung, từ đó ổn định giá cả trong nước.

Tăng cường mối quan hệ thương mại Việt - Trung: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Việc ký kết Nghị định thư này không chỉ giúp củng cố quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông sản khác của Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn trong tương lai, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định chuỗi cung ứng giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động.

Việt Nam sẽ có thêm nhiều tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xây dựng thương hiệu quốc gia- Ảnh 2.

Sản phẩm sầu riêng tách múi cấp đông tại HTX cây ăn trái Bàu Nghé. Ảnh: Ba Đảo

-Ông có thể cho biết một số yêu cầu chính của phía Trung Quốc đối với mặt hàng sầu riêng đông lạnh? Khi nào thì chúng ta sẽ có hướng dẫn chính thức?

- Theo nội dung của Nghị định thư, sầu riêng đông lạnh (Durio zibethinus) bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam.

Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Sản phẩm phải được cấp đông ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 01 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ này trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển.

Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.

Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.

Vật liệu đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.

Trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - "Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC / RCP 8-1976).

Ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, Cục BVTV đã khẩn trương xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và sẽ tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan trong một vài ngày tới. Đồng thời, Cục BVTV phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai các công tác kiểm tra, đánh giá và đăng ký các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu với phía Trung Quốc.

Việt Nam sẽ có thêm nhiều tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xây dựng thương hiệu quốc gia- Ảnh 3.

Những quả sầu riêng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dạng tươi thường được các doanh nghiệp tách múi, lấy cơm sầu để chế biến thành nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Ảnh: M.H

-Đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu, người dân trồng sầu riêng đã có sự chuẩn bị như thế nào để tận dụng cơ hội tốt từ thị trường Trung Quốc? Ông đánh giá như thế nào về năng lực của các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói hiện nay?

- Để tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu và vùng trồng sầu riêng tại Việt Nam đã có những bước chuẩn bị đáng kể như cải thiện chất lượng sản phẩm; nâng cấp cơ sở hạ tầng; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho nhân lực ngành sầu riêng. 

Theo đó, các vùng trồng đã nỗ lực cải thiện nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng, tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm do Trung Quốc đặt ra. Điều này bao gồm từ việc quản lý, kiểm soát sinh vật gây hại, quy trình canh tác, thu hoạch và sử dụng phân bón, thuốc BVTV tại các vùng trồng để đảm bảo tính đồng nhất và uy tín của sản phẩm, cũng như ghi chép và lưu giữ hồ sơ phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Nhiều cơ sở đóng gói đã đầu tư vào công nghệ tiên tiến để đảm bảo quy trình đóng gói và bảo quản sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này giúp gia tăng hiệu suất và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm đến công tác đào tạo tập huấn và quản lý để đảm bảo nhân lực đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu về quy trình sản xuất và đóng gói.

Việt Nam sẽ có thêm nhiều tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xây dựng thương hiệu quốc gia- Ảnh 4.

Sản phẩm sầu riêng Ri6 của HTX cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đạt chuẩn 4 sao OCOP.

Xây dựng mặt hàng sầu riêng thành thương hiệu quốc gia

-Thực tế là bất cứ mặt hàng sản xuất nào cũng cần nghe ngóng, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, phía Cục BVTV có những lưu ý nào đối với doanh nghiệp cũng như người trồng sầu riêng để sản xuất bền vững, hạn chế rủi ro?

- Cục BVTV khuyến nghị người trồng và doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động nghiên cứu và hiểu rõ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu như Trung Quốc. Để sản xuất bền vững, hạn chế rủi ro, tôi cho rằng việc đầu tiên là cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt. Việc này giúp định hướng sản xuất và xuất khẩu sầu riêng phù hợp, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận. 

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000ha năm 2015 lên hơn 150.000ha năm 2023, tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn. Dự báo, năm nay sản lượng sầu riêng sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,602 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu; thông báo cho Cục BVTV và cơ quan chuyên môn của địa phương thông tin về các chuỗi liên kết này khi tham gia các hoạt động xuất khẩu và để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Thực hiện nghiêm việc giám sát nội bộ; phối hợp với các cơ quan quản lý để thực hiện giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người lao động để nắm được các quy định về mã số xuất khẩu.

Tăng cường tuyên truyền, tập huấn phổ biến cho hội viên về mã số, quy định của nước nhập khẩu để nâng cao nhận thức cho hội viên.

Xây dựng và kiểm soát chuỗi từ vùng trồng (sản xuất), cơ sở đóng gói (sơ chế, chế biến), xuất khẩu (tiêu thụ sản phẩm) để truy xuất được tận gốc sản phẩm; các lô hàng xuất khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. 

Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất và công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

-Để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu, theo ông chúng ta cần những điều kiện gì? Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ ngành sầu riêng của Thái Lan?

- Theo tôi, để sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trước tiên chúng ta cần quản lý vùng trồng hiệu quả, các vùng trồng cần được cấp mã số và quản lý chặt chẽ. Điều này bao gồm việc tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý sinh vật gây hại và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Các vùng trồng đạt chuẩn sẽ giúp tăng niềm tin của thị trường quốc tế vào chất lượng sản phẩm từ Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng. Sự phối hợp này không chỉ giúp kiểm soát chất lượng mà còn hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến.

Thứ ba, chúng ta cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển các giống sầu riêng mới có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế. Các giống này cần có ưu điểm vượt trội về hương vị, kích thước và khả năng chống chịu sâu bệnh. Đồng thời đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân về canh tác và chăm sóc cây trồng. Điều này giúp đảm bảo rằng các giống mới được trồng và chăm sóc đúng cách, từ đó tăng năng suất và chất lượng.

Bên cạnh đó, cũng cần tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới, nơi có nhu cầu lớn về trái cây nhiệt đới. Việc mở rộng thị trường sẽ giúp giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Và cuối cùng, cần xác định xây dựng mặt hàng sầu riêng như một thương hiệu quốc gia, xây dựng một chính sách toàn diện bao gồm từ người nông dân, doanh nghiệp đến khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng. Việc quảng bá thương hiệu mạnh mẽ sẽ giúp sản phẩm được nhận diện tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Chúng ta đều biết rằng, Thái Lan có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu sầu riêng trước chúng ta nhiều năm. Họ đã thiết lập một mô hình sản xuất sầu riêng rất chuyên nghiệp, từ khâu chọn giống đến thu hoạch và chế biến. Họ có hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và cơ sở hạ tầng hậu cần tốt, giúp sản phẩm sầu riêng của Thái Lan giữ được chất lượng cao khi xuất khẩu.

Thái Lan cũng đã thành công trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sầu riêng. Việt Nam cần học hỏi chiến lược tiếp thị quốc tế này, từ việc tham gia các hội chợ quốc tế đến sử dụng các kênh tiếp thị số để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng toàn cầu.

"Để đảm bảo sầu riêng giữ được chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng quốc tế, Thái Lan đã đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh từ khâu thu hoạch, vận chuyển đến phân phối. Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, các cơ sở đóng gói, bảo quản được đầu tư hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này vừa giúp Thái Lan gia tăng giá trị sản phẩm sầu riêng và giảm thiểu hao hụt trong quá trình vận chuyển".

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem