Hội nghị được tổ chức bởi tổ chức HelpAge International phối hợp với Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia (BAPPENAS) của Indonesia và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Chương trình bao gồm 6 chủ đề chính: Thích ứng với già hoá dân số; Biến đổi khí hậu về già hóa dân số; Ứng dụng công nghệ trong vấn đề già hoá dân số; Cộng đồng và già hoá dân số; Hoà nhập xã hội trong bối cảnh già hoá và công tác xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc điều hành HelpAge International Cherian Mathews cho biết, thay đổi nhân chủng học, giảm tỷ lệ sinh, biến đổi khí hậu... là một loạt thách thức đặt ra đối với già hoá dân số. Cũng theo số liệu của HelpAge International, vào năm 2030 sẽ có 1,4 tỷ người ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên, 2,1 tỷ người già sẽ chiếm 1/4 dân số thế giới vào năm 2050, trong đó 80% người già sẽ sống ở các quốc gia thu nhập thấp vào năm 2050 và có 426 triệu người già trên 80 tuổi vào năm 2050.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, già hóa dân số nhanh chóng đang thay đổi các xã hội và nền kinh tế, tạo ra cả thách thức và cơ hội, đòi hỏi phải có kế hoạch hành động một cách toàn diện về vấn đề già hóa. Ông Pio Smith, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, UNFPA cho rằng, hỗ trợ người cao tuổi là một quá trình và cần có sự phối kết hợp của chính phủ, tư nhân và cộng đồng. "Tỷ lệ nữ giới chiếm phần lớn trong già hoá dân số, bởi vậy quan tâm, bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ và những bé gái là việc làm cần thiết và cơ bản để hướng đến việc hỗ trợ già hoá dân số".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người cao tuồi của Việt Nam năm 2011, đạt 10%, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi có hơn 22 triệu người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân.
Với thời gian tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi, dự kiến chỉ là 27 năm (2011 - 2038), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới (Trung Quốc 26 năm; Thái Lan 22 năm; Brazil 21 năm…). Quá trình già hóa dân số ở các nước như Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm … Điều này cho thấy, thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, tâm lý xã hội cho dân số già của Việt Nam ngắn hơn rất nhiều so với các nước đã phát triển.
Phát biểu tại phiên thảo luận song song, bà Trần Bích Thuỷ, Giám đốc Quốc gia HelpAge International, Việt Nam dẫn số liệu cho biết, tính đến cuối năm 2023, có 6.521 Câu lạc bộ tự lực liên thế hệ (ISHC) ở 63 tỉnh thành trên khắp cả nước, với hơn 456.470 thành viên. Theo bà Thuỷ, 8 lĩnh vực chính của hoạt động của mô hình câu lạc bộ này gồm: Xã hội/ văn hoá; Lương thực/ thu nhập; Sức khoẻ tuổi già; Chăm sóc cộng đồng cơ bản; Tự phát triển; Học tập suốt đời; Trách nhiệm và quyền lợi; Tập trung nguồn nhân lực.
Trong 2 ngày, các đại biểu tham gia hội nghị bao gồm đại diện các chính phủ, xã hội dân sự, học viện và các tổ chức của Liên Hợp Quốc sẽ chia sẻ các bằng chứng và nhiệm vụ mới nhất về già hoá dân số ở châu Á Thái Bình Dương và cùng nhau đưa ra những giải pháp để giải quyết những thách thức hiện nay để hướng đến một tương lai ổn định cho thế hệ người cao tuổi.
Chủ đề "Tái định hình về già hoá" thể hiện một sự chuyển đổi quan trọng trong cách nhìn nhận về già hóa như một cơ hội cho sự phát triển của xã hội. Nó thách thức những định kiến tiêu cực về tuổi tác bằng cách nhấn mạnh giá trị và sự đóng góp của người cao tuổi. Cách tiếp cận này thúc đẩy quá trình già hóa chủ động, lành mạnh và tăng cường tình đoàn kết giữa các thế hệ, đồng thời kêu gọi các chính sách bao trùm và môi trường thân thiện với người cao tuổi. Thông qua việc định hình lại vấn đề già hóa, Hội nghị Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2024 hướng tới việc truyền cảm hứng cho những chiến lược đổi mới, ưu tiên sự công bằng và hạnh phúc cho mọi thế hệ. Hội nghị cũng nhằm huy động các bên liên quan để tái hình dung xã hội già hóa và kêu gọi cho cuộc sống có phẩm giá và đầy ý nghĩa cho người cao tuổi.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình dung ra các xã hội già hoá công bằng, bình đẳng và tìm các tácoj điều kiện thuận lợi cho xã hội và Chính phủ các nước thích ứng thức đẩy đối thoại về các chiến lược ưu tiên sự công bằng và bình đẳng cho người cao tuổi.
Ngoài việc giải quyết sự phức tạp của quá trình lão hoá, sự kiện bày sẽ khám phá mối liên hệ với các quá trình khác như biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ, nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận tích hợp để giải quyết các thách thức toàn cầu .