Trí thức kiều bào hiến kế để Việt Nam sớm có trường đại học hàng đầu thế giới
Trí thức kiều bào hiến kế để Việt Nam sớm có trường đại học hàng đầu thế giới
M.H.
Thứ bảy, ngày 24/08/2024 19:27 PM (GMT+7)
Tại Diễn đàn Tri thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài vừa diễn ra tại Hà Nội, nơi tập trung 400 kiều bào từ 40 nước và vùng lãnh thổ, đã có nhiều ý kiến đưa ra để Việt Nam bắt kịp các xu hướng thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tiến sĩ Lê Viết Quốc - chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) của Google, cho rằng Việt Nam cần nhìn nhận cuộc cách mạng AI “như cơn sóng ngầm, một ngày bùng nổ thành sóng thần và cuốn đi tất cả”.
Tiến sĩ Quốc nhìn nhận đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội vô cùng to lớn cho Việt Nam. Anh đưa ra 4 khuyến nghị để nắm bắt cơ hội: Việt Nam nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nhất là AI. Nên xây dựng trường đại học tầm cỡ Châu Á và thế giới về AI, đào tạo các chương trình chuyên sâu ngay từ những năm đầu.
Việt Nam cũng có thể tận dụng nguồn lực con người và giữ họ ở Việt Nam. Cách tốt nhất là tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và môi trường khởi nghiệp mạnh mẽ đa dạng.
Thứ ba cần đặt ra tham vọng ứng dụng AI trong các lĩnh vực như y tế cộng đồng, giao thông và nhiều lĩnh vực khác. Thứ tư, thành lập hội đồng cố vấn cấp cao về chip và AI để đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác
Giáo sư Nghiêm Đức Long – Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam – Australia, khẳng định, có nhiều thay đổi khi sinh sống ở nước ngoài, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi là quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Anh cho biết, ở Australia hiện có hơn 21 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập và tu nghiệp, có hơn 500 nhà khoa học, giảng viên, giáo sư đang nghiên cứu và giảng dạy tại Australia và họ luôn hướng về Việt Nam, đó là lý do Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA) ra đời.
Giáo sư Nghiêm Đức Long cho biết, VASEA sẽ dùng nguồn lực trí thức và mạng lưới chuyên gia của mình để đồng hành cùng các đồng nghiệp Việt Nam nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các vấn đề mới phát sinh, từ chuyển đổi số, thị trường carbon, môi trường và kinh tế xanh. VASEA cũng sẵn sàng làm cầu nối để nghiên cứu sinh tiến sỹ từ Việt Nam tìm được giáo sư hướng dẫn phù hợp, đưa các khóa học ngắn hạn và bài giảng về Việt Nam.
Để làm điều này, Giáo sư đề nghị Thủ tướng cho phép trí thức Việt Nam trở về có thể nhận lại quốc tịch Việt Nam, cho phép thành lập các chương trình thỉnh giảng, hợp tác nghiên cứu ngắn hạn, có cơ chế chấp nhận rủi ro khi nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, Giáo sư Nghiêm Đức Long đề nghị Thủ tướng đầu tư cho dự án thí điểm, mở trường đại học trực tuyến tại Việt Nam, dùng công nghệ đưa giáo án, các bài giảng từ các giáo sư đầu ngành người Việt Nam trên thế giới về Việt Nam. “Đây là bước đi đột phá và chỉ một thời gian ngắn chúng ta sẽ có trường đại học hàng đầu thế giới”.
Nơi quy tụ của giới khoa học
Nói về thúc đẩy hội nhập quốc tế trong khoa học của Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện sỹ Viện Hàn lâm Châu Âu, Phó trưởng khoa, Khoa Khoa học Tự nhiên, Đại học University College London (UCL) của Vương quốc Anh kiến nghị Chính phủ thúc đẩy tự do học thuật, tăng cường kinh phí để thu hút hợp tác nước ngoài, tăng chất lượng nghiên cứu và kinh phí cho khoa học từ các nguồn nước ngoài.
Giáo sư Kim Thanh đặc biệt kiến nghị Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Khoa học Thế giới (WSF) lần thứ 6 vào năm 2026. Diễn đàn thường có khoảng 15.00 - 2.000 người tham gia từ hơn 100 quốc gia và diễn giả từ hơn 50 quốc gia, đại diện cho nhiều lĩnh vực khoa học, đứng đầu các tổ chức khoa học quốc tế, những người ủng hộ ngoại giao khoa học, người đứng đầu tổ chức tài trợ nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách khoa học…
Theo giáo sư, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và tất cả kiều bào đều có thể có vai trò giúp Việt Nam đăng cai Diễn đàn này. Giáo sư Kim Thanh rất tha thiết: “Đây sẽ là cơ hội hiếm có để Việt Nam nâng cao vị thế, uy tín quốc tế, hình ảnh quốc gia, thu hút các khoản đầu tư mới từ bên ngoài. Tổ chức Diễn đàn cũng phù hộp với chính sách của Đảng và nhà nước ta”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt kêu gọi sự tham gia nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, trí thức Việt kiều.
“Ngày nay yếu tố quyết dính thành công của một quốc gia trong cuộc đua phát triển không phải là công nghệ mà chính là trí tuệ và nguồn lực con người” - Bộ trưởng nói.
Ông lấy ví dụ Trung Quốc đã thành công trong thu hút và trọng dụng chất xám Hoa kiều để phát triển khoa học công nghệ bằng nhiều giải pháp, như chưuong trình 100 nhân tài, đơn giản hóa thủ tục hồi hương, chương trình đưa chuyên gia về phục vụ đất nước trong ngắn hạn…
Hàn Quốc từ thập kỷ 1970 đã có chính sách thu hút chất xám Hàn kiều, thành lập các hiệp hội nhà khoa học và kỹ sư Hàn Quốc tại mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… Qua đó kết nối một lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia người Hàn ở nước ngoài làm việc trong những ngành mà Hàn Quốc có nhu cầu phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.