Cuối tuần vừa qua, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng và Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con ngư dân và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản tại 2 địa phương này.
Một số doanh nghiệp cho biết, nhiều nhà xưởng bị tốc mái, hệ thống điện bị hư hỏng, hàng đông lạnh bị ảnh hưởng vì mất điện... Có nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động 5-7 ngày, có nhà máy tổn thất nặng nề hơn, phải mất 20 ngày trở lên để sửa chữa, khắc phục cơ bản cho hệ thống sản xuất trở lại...
Ngoài ra, cơ sở nhà xưởng, thiết bị, máy móc, điện, nước bị hư hỏng, đình trệ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng lại làm ảnh hưởng đến đơn hàng và nguy cơ bị khách hàng phạt tiền là những tổn thất về cơ hội kinh doanh chưa thể tính được hết.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) cho biết, công ty có 3 nhà máy bị bão số 3 làm thiệt hại cả ba, trong đó 2 nhà máy bị tàn phá nặng nề. Tổng thiệt hại của cả công ty (gồm 3 nhà máy) khoảng 100 tỷ đồng và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và bị chậm thời hạn giao hàng đến khách hàng.
Theo bà Thanh, tại nhà máy số 2, có 5 xưởng sản xuất đã bị thiệt hại rất lớn: 2 kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị bị tốc mái và đổ hoàn toàn, bao bì bị ướt hỏng hết; hệ thống mái và tường của các xưởng khác đều bị bong tróc và bay mái nhiều chỗ. Đặc biệt, khu xưởng hệ thống máy điện của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ thống máy phát điện chính của nhà máy bị đánh hỏng hoàn toàn nên không có điện cho toàn bộ nhà máy.
Hệ thống ống hơi của lò hơi cũng bị bão đánh bẻ gãy. Nguyên liệu công ty nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng (và chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng) vì hiện tại điều kiện tại nhà máy không đảm bảo để công ty đưa nguyên liệu về.
Dự tính công ty phải ngưng sản xuất khoảng 20 ngày để thu dọn nhà máy để đảm bảo điều kiện ATTP nhà xưởng và phải chờ có đủ điện nước thì mới quay lại sản xuất được.
Nhà máy số 3 của công ty cũng bị thiệt hại lớn như nhà máy số 2, hệ thống máy phát điện chính cũng bị đánh hỏng hoàn toàn. Hệ thống mái tôn tại các nhà xưởng cũng bị bay, gãy nhiều.
Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh, ông Đỗ Quang Sáng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết, xưởng sản xuất của công ty bị bay một phần mái tôn, xưởng đá bị bay hoàn toàn mái tôn, bị lật 400-500m2. Trước mắt, ước tính công ty bị thiệt hại cơ sở vật chất khoảng gần 2 tỷ đồng, chưa kể đến thiệt hại do công ty phải tạm dừng sản xuất 4-5 ngày để dọn dẹp toàn nhà máy. Thiệt hại sau bão cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và giao hàng cho khách hàng.
Bão số 3 cũng làm ảnh hưởng đến kho và cảng Xí nghiệp giao nhận thủy sản xuất nhập khẩu Hải Phòng, thuộc Công ty CP xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (SEAPRODEX HA NOI) nhiều cây xanh to bị đổ gãy, đến nay, vẫn chưa cắt được và thu dọn cây bị đổ gãy đi nên hiện tại lối đường đi vào cảng đang bị tắc nên việc lưu thông ra vào cảng bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và giao thương của Xí nghiệp. Hiện chưa biết, tới ngày nào mới có thể thông suốt tuyến đường ra vào xí nghiệp và cảng vì thành phố có quá nhiều điểm tắc nghẽn phải xử lý.
Còn bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc STP Group cho biết, khu vùng nuôi của công ty tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Các thiết bị computer công ty gắn tại các lồng nuôi đều bị đánh chìm và không hoạt động được. Mặc dù tới giờ, công ty xác định được định vị của các thiết bị này nhưng vẫn chưa đi trục vớt được để kiểm tra xem còn hoạt động được không. Công ty bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40kg/con cũng bị trôi. Ước thiệt hại của công ty khoảng gần 10 tỷ đồng.
Trước sự tàn phá nặng nền của cơn bão số 3 đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản của ngư dân và các doanh nghiệp thì Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thủy sản trên cả nước, với tinh thần "tương thân, tương ái", kịp thời có những hành động cụ thể và thiết thực ủng hộ vật chất và tinh thần giúp người dân và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục lại sản xuất.