Nước mắt sau bão số 3 ở “vựa” nuôi trồng thủy sản từng trù phú nhất nhì của Quảng Ninh

Gia Tưởng - Bùi My Thứ năm, ngày 12/09/2024 05:47 AM (GMT+7)
Biển Vân Đồn rộng lớn, người dân Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã quá quen với nghề nuôi biển. Từ vùng biển trù phú, giàu tiềm năng này, rất nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống khá giả hơn. Vậy nhưng chỉ mấy tiếng siêu bão YAGI quần thảo, sinh kế của người Vân Đồn đã bị đánh tan tành.
Bình luận 0

Gia tài cuốn theo bão số 3

Sau cơn bão dữ, chúng tôi trở lại Vân Đồn – nơi được xem là "vựa" nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh. Đặc biệt, nơi đây cũng được được đánh giá là địa bàn lớn nhất cả nước về sản lượng và quy mô nuôi hàu. Cả một vùng biển Vân Đồn giờ đây ảm đạm hơn bao giờ hết, bởi hơn 3.000ha nuôi trồng thủy sản của bà con đã bị cuồng phong và sóng dữ đánh tan, chỉ còn lại mênh mông nước.

Nước mắt ở “vựa” nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh sau bão dữ - Ảnh 1.

Những quả phao nhựa HDPE trôi nổi khắp nơi sau bão số 3, được người dân Vân Đồn thu gom lại và đưa vào bờ. Ảnh: PV

Đã nhiều ngày kể từ khi cơn bão số 3 đổ bộ, gió đã ngừng thổi, biển đã ngừng sóng, thế nhưng những giọt mưa vẫn mỗi lúc một nặng hạt, như chính nỗi niềm của người dân Vân Đồn lúc này. Hơn 3.000ha nuôi trồng thủy sản ước tính trị giá nhiều nghìn tỷ đồng của bà con đã bị bão số 3 đánh tan tành. Mất trắng! Giờ đây, người nuôi biển Vân Đồn không chỉ mất toàn bộ diện tích nuôi hàu, nuôi cá lồng bè, có gia đình còn mất nhà, mà còn gánh trên vai khoản nợ chất chồng.

Lúc chúng tôi tìm đến thị trấn Cái Rồng, chẳng mấy hộ có người ở nhà. Họ đều đã lao ra biển, mong tìm được những quả phao nhựa, lồng bè... bị trôi dạt sau cơn bão dữ.

Toàn bộ hàu Thái Bình Dương, cá song, cá giò, cá vược, cá chim vàng… của bà con đều không còn. "Dưới biển giờ đây không nhìn thấy cái gì" - một người Vân Đồn không khỏi xót xa thốt lên.

Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng Bùi Văn Hường dẫn chúng tôi đi dọc khu 9, đến nhà ông Phạm Văn Dương, cũng chẳng ai có nhà. Ông Bùi Văn Hường bảo, họ ra bè khắc phục hậu quả hết rồi, nhưng mặt nước trắng trơn, đến lốt thả bè cũng không còn. Gia đình ông Phạm Văn Dương là một trong những hộ nuôi trồng thủy hải sản quy mô lớn nhất thị trấn với hơn 100 ô lồng. Chỉ tính với giá rẻ nhất, gia đình ông Dương đã mất trắng khoảng 45 tỷ đồng.

Nước mắt ở “vựa” nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh sau bão dữ - Ảnh 2.

Bà Dương Thị Gái (trú tại khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) không chỉ mất trắng sau bão số 3, mà còn gánh trên vai khoản nợ khổng lồ. Ảnh: PV

Chúng tôi lại tìm đến nơi ở tạm thời của bà Dương Thị Gái (hay còn gọi là Dương Thị Thìn) tại khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Đứng thẫn thờ bên cổng, đôi mắt ngóng trông ra mặt biển mênh mông, giọng bà Gái buồn: "Lồng bè tan nát rồi, nhà bè cũng vỡ rồi. Từ hôm bão đổ bộ đến giờ, tôi không ăn không ngủ. Gia đình tôi không có nhà để ở, tôi khổ quá rồi!".

Hơn 20 năm bám biển mưu sinh, có thăng trầm nào mà bà Gái chưa trải qua, nhưng đây là lần đầu tiên bà cùng người dân Vân Đồn lâm cảnh trắng tay do thiên tai. Đôi mắt đỏ ửng, ầng ậc nước mắt, bà Gái không nén được tiếng nấc nghẹn. Bàn tay chai sần cả đời gắn bó với sóng gió của bà không thể lau hết những giọt nước mắt.

"Từ 5 ô nuôi cá lồng ban đầu, gia đình tôi phát triển lên 10 ô, đến hiện tại là 60 ô lồng nuôi cá biển. Mỗi ô lồng phải có đế 1,8 - 2 tấn cá thương phẩm, những con cá song nặng phải từ 5-8kg/con, cá giò nặng từ 3-5kg/con, đều sắp xuất bán. Vậy mà mất trắng rồi, không còn dấu hiệu gì của bè nữa" – bà Gái nấc nghẹn.

Người phụ nữ 60 tuổi không giấu được nước mắt: "Có đồng nào tôi cũng chăm cho mấy lồng cá. Mỗi ngày tôi cho ăn 1,7 - 2 tấn mồi, giá cá mồi lúc lên cao là 13.000 đồng/kg, lúc rẻ nhất là 11.000 đồng/kg, tính ra tốn gần 30 triệu đồng tiền mồi/một lần cho ăn. Gia đình tôi không có sổ đỏ vì bè nuôi cá là nhà nên chỉ vay được ngân hàng 100 triệu đồng, còn lại toàn vay lãi cao ở ngoài, hiện nay đã lên đến 1,8 tỷ đồng. Chỉ chờ ngày thu hoạch để trả công, trả nợ, nhưng giờ mất hết rồi" - người phụ nữ dạn dày sóng gió không nén nổi nước mắt.

Giờ đây, 3 mẹ con bà Gái và 5 đứa cháu phải đi ở nhờ tại nhà một người em. Ước mơ về việc xây được một ngôi nhà khang trang trên bờ của bà Gái trong 1-2 năm nữa trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Cả đảo còn một nỗi buồn

Không chỉ gia đình bà Gái, nhiều gia đình cả đời mưu sinh từ biển cũng bỗng nhiên trắng tay chỉ sau vài tiếng bão số 3 quần thảo.

Nước mắt ở “vựa” nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh sau bão dữ - Ảnh 3.

Người Vân Đồn dầm mình trong mưa, tất bật làm lại giàn nuôi hàu mới. Ảnh: PV

Dù đã giằng neo trước khi bão đổ bộ, nhưng chỉ sau mấy tiếng bão quần thảo, mấy chục dây hàu của gia đình anh Nguyễn Tùng Lâm (trú tại thôn Đông Hà, xã Đông Xá) cũng bị bão số 3 đánh bay. Trời mỗi lúc một mưa lớn, nhưng anh Lâm và người nhà vẫn không ngơi tay, tranh thủ đóng xong giàn nuôi hàu mới.

"Những cơn bão trước vào Quảng Ninh, dù bị thiệt hại nhưng cũng thiệt hại không đáng kể. Còn bão số 3, dù gia đình đã gia cố giàn nuôi hàu nhưng vẫn bị đánh tan. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa thôi là gia đình có thể thu hoạch hàu. Nếu như mọi năm, gia đình lãi được khoảng 200 triệu đồng từ nuôi hàu. Gia đình còn mấy ô lồng nuôi cá cũng tan tác, thuyền cũng bị đánh toác. Vậy là năm nay gia đình vẫn chưa thể lấy sổ đỏ về" - anh Lâm cười, nhưng nụ cười chua chát.

Cơn mưa ở đảo

Nhưng còn người là còn may mắn. Bà con huyện đảo Vân Đồn mấy ngày hôm nay đều vừa làm vừa ngóng tin ông Kh (53 tuổi). Từ hôm bão đổ về, ông Kh cùng 5 công nhân của mình ở lại giữ bè, vì đàn cá trong lồng trị giá trên 50 tỷ.

Khi bão về, nơi ở của ông Kh bị lật úp, còn 5 công nhân trên bè cá trôi dạt theo hướng khác. Khi đội cứu hộ trên biển tìm tới nơi kéo được mảng có 5 công nhân, nhưng còn ông Kh thì tới ngày hôm nay vẫn chưa tìm thấy.

Nước mắt ở “vựa” nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh sau bão dữ - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Tùng Lâm (trú tại thôn Đông Hà, xã Đông Xá) mất trắng toàn bộ số hàu chuẩn bị đến vụ thu hoạch. Ảnh: PV

Bà con thị trấn Cái Rồng ai ra biển cũng mong có một phép màu, rằng ông Kh vẫn còn sống. Nhưng khi chúng tôi ngồi viết bài báo này, thì nhận được tin, bà con Vân Đồn đã tìm được một thi thể giống ông chủ bè cá trị giá 50 tỷ. Tuy nhiên thi thể không nhận dạng được, gia đình phải xét nghiệm ADN để tin vào sự thật.

Chưa bao giờ người nuôi biển Vân Đồn chịu thiệt hại nặng nề như vậy. Tổng thiệt hại bước đầu ước tính trong nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chưa biết đến bao giờ người nuôi biển Vân Đồn mới có thể khôi phục sản xuất như trước khi cơn bão số 3 ập về.

Chỉ mấy ngày trước ở Vân Đồn này, không ai kể hết được danh sách người dân có tài sản lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng bây giờ, không ai thống kê hết huyện đảo đang có bao nhiêu người dân mắc nợ cũng hàng tỷ đồng.

Với diện tích vùng biển rộng 1.620km2, hơn 600 đảo lớn nhỏ, các vùng bãi triều, rừng ngập mặn có nguồn lợi thủy hải sản phong phú, huyện Vân Đồn được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn những năm gần đây khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê, tiềm năng nuôi cá của huyện là 1.156ha, hiện nay toàn huyện mới nuôi gần 100ha; tiềm năng nuôi nuôi nhuyễn thể là 6.288ha, hiện huyện nuôi khoảng 3.300ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem