Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết: Ngay từ đầu năm, các cấp hội phát động phong trào tới toàn thể cán bộ, hội viên và tổ chức đăng ký các tiêu chí thi đua.
Kết quả đã có trên 31.900 hội viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 82,5% tổng số hội viên toàn huyện. Cùng với đó, Hội vận động, hướng dẫn hội viên khai thác tiềm năng về đất đai, nguồn vốn và lao động; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Nhiều hội viên mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu mùa vụ, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội nông dân trong huyện đã tín chấp với các ngân hàng giúp trên 14.500 hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 553 tỷ đồng; tín chấp hơn 200 tấn phân bón các loại giúp hội viên phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, tổ chức hội còn phối hợp với các công ty cung ứng 130 tấn phân bón, trị giá 10 tỷ đồng theo phương thức chậm trả giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất; phối hợp tổ chức 187 lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 18.560 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn vận động hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu bằng nhiều hình thức như cho nhau vay không lấy lãi, giúp nhau về giống, vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội đã vận động được 35 triệu đồng, 450 ngày công và vật tư trị giá 76 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tân cho biết: Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều nông dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm, hăng say lao động sản xuất; từ đó hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và đảm nhận giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Anh Hoàng Văn Ba, thôn Nguyệt Giám là một trong những hội viên tiêu biểu trong tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp của xã Minh Tân. Năm 2021, anh bắt đầu thuê, mua lại ruộng của các gia đình trong xã để quy vùng cấy lúa hữu cơ với diện tích 4ha.
Anh Ba chia sẻ: Tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc phục vụ sản xuất. Sau 2 năm cấy lúa theo hướng hữu cơ, tôi nhận thấy con rươi, cua, rạm tự nhiên sinh sống, phát triển tốt trong ruộng. Mỗi năm, gia đình cung cấp ra thị trường hơn 33 tấn thóc và lượng lớn rươi, cua, rạm, thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Với anh Phạm Văn Tính, xã Bình Định, sau 19 năm nuôi cá theo hình thức truyền thống kém hiệu quả anh đã mạnh dạn thay đổi để phát triển mô hình nuôi cá trên ao bán nổi. Nhờ được Hội Nông dân hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, anh đã đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng cải tạo ao, lót bạt và mua 5 máy cho cá ăn tự động.
“Với 5ha ao nuôi cá bán nổi, gia đình tôi thu hoạch từ 55 - 60 tấn cá/năm, thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng. Hiện tại, vốn đầu tư vào mô hình mỗi năm rất lớn, từ 3 - 3,5 tỷ đồng. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục được các cấp hội nông dân đồng hành, hỗ trợ để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn” - anh Tính chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Xương Nguyễn Văn Chuyên cho biết thêm: Để nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian tới, Hội sẽ đổi mới phương thức tuyên truyền, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Động viên nông dân tích tụ ruộng đất, hướng đến quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình chăn nuôi tập trung và xây dựng cánh đồng lớn. Từ đó giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.