Ngay sau khi xảy ra vụ việc nam sinh Hà Nội bị bạn đánh dã man trong lớp, sáng 14/9, trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Nguyễn Thúy Lan, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hoàng Diệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết Ban giám hiệu nhà trường đã tạm đình chỉ học tập với 2 học sinh đánh bạn và quay clip trong 3 ngày (từ ngày 16-18/9) để ở nhà suy nghĩ về những việc làm không đúng của mình, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và gây những hình ảnh xấu cho học sinh Thủ đô. Những học sinh này chờ Hội đồng kỷ luật của nhà trường họp và có quyết định hình thức kỷ luật cụ thể cho những vi phạm.
Trước mỗi vụ bạo lực học đường, dư luận lại đặt ra câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai, học sinh ngày nay có phải manh động hơn, hình thức xử phạt đã đủ răn đe chưa...?
"Giáo dục một con người không chỉ từ gia đình, nhà trường"
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Trần Thị Hà Giang, giáo viên môn Kinh tế và Pháp luật, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: "Điều lo ngại nhất là hậu quả của bạo lực học đường. Bạo lực rất nhiều hình thức, không chỉ đánh, quay clip mà còn bạo lực tinh thần như ngôn ngữ, lời nói, bôi nhọ, chế nhạo bắt nạt theo đám đông. Về sức khỏe gây ra thương tích, nếu nhẹ thì học sinh sẽ có biểu hiện lo âu, sợ hãi, còn nặng thì vô cùng nguy hiểm. Các em bị một nhóm đánh đập sẽ ít tâm sự, nhiều em học tập sa sút.
Vì vậy, biện pháp giáo dục phải đến từ nhiều phía. Giáo dục một con người không chỉ từ gia đình, nhà trường mà còn từ toàn xã hội và bản thân học sinh.
Các em tích cực học kỹ năng sống, tham gia hoạt động đoàn hội để gắn kết tình cảm, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ, hiểu nhau hơn để tránh xảy ra điều đáng tiếc, xảy ra bạo lực học đường không mong muốn. Nhiều khi chỉ hiểu nhầm một chút thôi có thể dẫn đến bạo lực học đường. Tự bản thân rèn luyện không chỉ tri thức mà còn kỹ năng sống. Thậm chí học sinh phải kiềm chế cảm xúc bản thân.
Phía nhà trường và các cơ quan quản lý, nhà trường cần tổ chức nhiều sự kiện cho học sinh học yêu thương, trách nhiệm bằng các hình thức như mời diễn giả chia sẻ về đạo đức, sân khấu hóa văn học, đưa môn học trải nghiệm thực tế.
Có nhiều cách giáo dục khác nhau thông qua hình thức phù hợp cho học sinh. Nhà trường phối hợp với học sinh, phụ huynh để các con có môi trường học tập an toàn, tốt nhất. Giáo viên chủ nhiệm phải tinh ý. Nếu học sinh có biểu hiện khác phải thấy luôn, nói chuyện với các con và phối hợp với gia đình. Có trường hợp vượt qua mức kiểm soát của mình phải xin ý kiến của nhà trường, phụ huynh để thống nhất biện pháp kịp thời ngăn chặn bạo lực học đường".
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho rằng, thực tế những vụ hành hung, tấn công, bắt nạt học đường thì thời nào cũng có, xã hội nào cũng có, nước nào cũng có. Vấn đề là việc giáo dục và nhắc nhở học sinh các trường có làm đến nơi đến chốn hay không, có tác động đến học sinh một cách mạnh mẽ hay không thì tùy thuộc vào cách xử lý của mỗi nhà trường.
Giáo dục của ta hiện nay đang đi đúng hướng là bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh nhưng vẫn nặng về tuyên truyền mà chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, đo đếm xem việc giáo dục đó đến được từng học sinh hay chưa.
Từ quan điểm trên, TS Tùng Lâm kiến nghị: công tác giáo dục nói chung, phòng chống bạo lực học đường nói riêng cần bám vào "3 chữ lý" gồm: Tâm lý, quản lý và pháp lý.
Thứ nhất, giáo dục cần phù hợp tâm sinh lý học sinh thuộc từng lứa tuổi, từng cấp học và phù hợp với từng nhà trường, từng địa phương. Các nhà trường cần đưa nội dung giáo dục giá trị sống (giá trị yêu thương, tôn trọng, tha thứ, rút kinh nghiệm chịu trách nhiệm…), kỹ năng sống (kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, hòa giải…) vào chương trình chính khóa một cách nghiêm túc.
Các giờ dạy giá trị sống, kỹ năng sống có thể đặt ra nhiều tình huống để học sinh được trải nghiệm và biết cách giải quyết khi có vấn đề. Cùng với đó, học sinh cần được tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng sống, xây dựng văn hóa phát triển bản thân.
Thứ hai, công tác quản lý của nhà trường phải đề cao tính kỷ luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong vấn đề quản lý, cần đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, lực lượng hỗ trợ, giám sát để kịp thời phát hiện và đảm bảo an ninh an toàn trường học.
Thứ ba là pháp lý, đây là yếu tố rất quan trọng. Khi nhà trường xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, cùng với thầy cô, lực lượng chức năng cần có mặt ngay để phối hợp giải quyết trên cơ sở giám sát của phụ huynh. Song song với hình thức xử lý, các nhà trường cần tiếp tục có kế hoạch giáo dục học sinh để các em nhận thức được lỗi và phải tìm cách chuộc lỗi.
Theo TS Tùng Lâm, đối với những học sinh sai phạm, bạo lực học đường xuất phát từ tâm lý lứa tuổi mới lớn, muốn khẳng định cái tôi và thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Chính vì chỉ đang định hình tính cách nên nhà trường cần giúp trẻ thấy trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình, thấy được tác hại khi vừa làm mất an ninh, mất danh dự của nhà trường, vừa làm đau cả thân thể và tâm lý của bạn. Chúng ta dạy cho học sinh cách thương lượng chứ không phải dùng vũ lực để giải quyết.
Cần nhớ rằng, khi học sinh vi phạm kỷ luật, dù nhà trường đưa ra hình phạt nào thì mục đích cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình. Đó mới đúng nghĩa trường học là nơi để dạy dỗ, khai phóng.
Với những học sinh bị bạo lực học đường, phụ huynh khuyên con không được giấu giếm mà nên tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô để giải quyết vụ việc, tạo sự thân thiện sau này để trẻ không nuôi hận thù, biến xung đột thành tình bạn cao đẹp.
Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, gia đình nạn nhân có thể làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc. Bởi vì tổn hại đến sức khỏe học sinh thì không thể xuề xòa cho qua, không phải cho nghỉ học mấy hôm để cảm hóa học sinh hay giải quyết nội bộ vì sợ ảnh hưởng đến thành tích nhà trường.
Luật sư Huế phân tích: "Học sinh từ 14-16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng, trên 16 tuổi thì chịu mọi loại tội phạm.
Để biết được hành vi đánh bạn nghiêm trọng ra sao, cần đưa các em đi giám định sức khỏe. Nếu trên 11% tổn hại sức khỏe, công an sẽ khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Dưới 11% nhưng có dùng hung khí nguy hiểm vẫn có thể bị khởi tố".
Khi được hỏi về việc hành vi học sinh đứng quay clip là đúng hay sai, có bị xử phạt không, theo Luật sư Huế, đối tượng bạo lực học đường không chỉ là người đứng ra tổ chức chỉ đạo, người thực hiện mà những em không đánh bạn nhưng quay clip cũng là đồng phạm giúp sức cần bị xử lý. Chúng ta không thể chấp nhận được học sinh chỉ đứng quay clip mà không can ngăn, báo cáo giáo viên hoặc người có trách nhiệm.
Trước tranh cãi việc nếu không cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học thì sẽ không phát hiện ra các hành vi bạo lực, luật sư Huế khẳng định: "Giải quyết tình trạng bạo lực học đường không phải do có điện thoại hay không điện thoại. Hiện nay có nhiều trường lắp camera trong lớp học có thể giải quyết vấn đề này và điều quan trọng là do cách quản lý nhà trường, xã hội. Cá nhân tôi cũng ủng hộ không sử dụng điện thoại trong trường học vì xao nhãng học tập của các em.
"Ám ảnh nhất của tôi là hình ảnh bố mẹ tiễn con vào tù trong khi học hành dở dang, tương lai rộng mở. Chỉ vì ham chơi, tụ tập bạn xấu, đánh nhau nên các em mắc đến 2 tội gây rối trật tự, cố ý gây thương tích và bị tuyên mức tù, có em đến 7-8 năm rất xót xa. Ngược lại, những em đang khỏe mạnh bị bạn hành hung dã man cướp đi tương lai, sống thực vật rất khổ. Bạo lực học đường còn cổ vũ cho tình trạng bạo lực trong xã hội tương lai.
Do vậy, tôi cho rằng các trường cần tuyên truyền và giải quyết triệt để, tránh vì thành tích, giữ uy tín và nhiều lý do khác nên to cho làm bé, bé thì bỏ qua", luật sư Huế nói.