Vụ nam sinh Hà Nội bị bạn đánh trong lớp học: "Tôi rất buồn khi xem clip này"
Vụ nam sinh Hà Nội bị bạn đánh trong lớp học: "Tôi rất buồn khi xem clip này"
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 06:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV báo Dân Việt, giáo viên và chuyên gia tâm lý đã có những nhận xét về vụ nam sinh Hà Nội bị bạn đánh trong lớp học và đưa ra các giải pháp để giảm tình trạng bạo lực học đường.
Trao đổi với PV báo Dân Việt về tình trạng bạo lực học đường hiện nay sau khi xảy ra sự việc nam sinh Trường THCS-THPT Hoàng Diệu, Hà Nội, bị đánh trong lớp học, cô Đoàn Thị Vành Khuyên, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Những sự việc như thế này là điều rất buồn trong môi trường giáo dục. Hành vi này cần được xử lý nghiêm khắc để chấm dứt nạn bạo lực học đường và giáo dục học sinh".
Cũng theo cô Khuyên, trong clip còn cho thấy thái độ vô cảm thờ ơ thậm chí tham gia cổ vũ của các học sinh khác, điều này cho thấy giá trị đạo đức đang bị các em xem nhẹ. Nhà trường cần giáo dục đạo đức cho học sinh làm sao có sức lan toả mạnh và hiệu quả hơn. Gia đình cần quan tâm tới tâm lý, tình cảm của con em để giáo dục các con tôn trọng giá trị con người. Đặc biệt, trong xã hội hiện nay nhiều phụ huynh yêu thương con sai cách như quá nuông chiều mà không nghiêm khắc với các con thì cũng sẽ dễ dẫn tới nhận thức sai lệch".
Thầy Nguyễn Phú Sơn, giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT IVS, huyện Thanh Oai, Hà Nội nêu quan điểm: "Đây là một trong rất nhiều clip mà tôi xem được về hành vi bạo lực của học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung. Tôi rất buồn vì những hành động này sẽ để lại hậu quả rất lớn về mặt tâm lý và sức khỏe của nạn nhân.
Với tâm lý chung của những học sinh khi rơi vào hoàn cảnh bị bạo lực học đường các em sẽ bị tổn thương sâu sắc. Các em có thể coi việc đến trường sẽ là áp lực rất lớn. Và điều này có thể sẽ theo các em đến khi trưởng thành".
Nói thêm về tình trạng bạo lực học đường hiện nay, theo thầy Sơn: "Rõ ràng chúng ta đều biết học sinh ngày nay có xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng. Không khó để có thể tìm được một hành vi bạo lực học đường và bạo lực học đường cũng chỉ là một góc nhỏ trong vấn đề này. Nhìn rộng ra ngoài cổng trường đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm trong khi lứa tuổi của các em còn rất nhỏ.
Xử phạt, răn đe là rất cần thiết nhưng theo tôi trước khi bàn đến vấn đề xử phạt chúng ta hãy nói về việc làm sao để trang bị kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường. Giáo dục phải phát huy vai trò làm thế nào để học sinh nhận thức được hệ lụy nguy hiểm của vấn đề này. Tính cách của học sinh ngày nay bị ảnh hưởng rất nhiều bởi trào lưu, thần tượng, nội dung bẩn trên mạng xã hội và khiến một bộ phận các em trở nên "vô cảm". Vì vậy ngay từ ban đầu chúng ta nên có những biện pháp quản lý, giáo dục để học sinh có nhận thức đúng đắn.
Là một giáo viên tôi cũng nhiều lần làm việc với học sinh và tôi nhận thấy rằng trong vấn đề xử lý học sinh cần làm một số biện pháp sau:
Đối với học sinh đánh bạn và quay clip cổ vũ, ngoài việc áp dụng những quy định của Bộ GDĐT thì giáo viên, gia đình, nhà trường cần bám sát tìm hiểu nguyên nhân vì sao em lại có tính cách như vậy, luôn gần gũi động viên và chia sẻ uốn nắn. Điều quan trọng nhất trong xử phạt không nằm ở 1 bản kiểm điểm, một lời xin lỗi nay đình chỉ học 1 thời gian. Quan trọng hơn cả chính là gia đình và thầy cô phải kiên trì nắm rõ tình trạng của học sinh và đồng hành giải quyết trong thời gian dài. Có như vậy học sinh mới thay đổi được tính cách và mới giải quyết được dứt điểm vấn đề.
Đối với học sinh bị đánh, chúng ta thấy rõ được sự thụ động, không có kỹ năng bảo vệ bản thân. Đơn giản nhất có thể làm khi thấy tình hình căng thẳng là em vẫn ngồi im tại chỗ. Theo tôi ngay từ khi nảy sinh mâu thuẫn nhỏ, học sinh cần báo cho bố mẹ hoặc thầy cô để được giúp đỡ. Hoặc khi rơi vào tình huống này cần chạy ra ngoài hay đơn giản nhất có thể cầm cặp sách lên che chắn cho bản thân mình.
Rộng hơn một số trường học, ngay cả bậc học mầm non đã và đang thực hiện rất tốt việc dạy kỹ năng cho trẻ như khi gặp người lạ, khi người lạ cho kẹo bánh… nhưng khi học THCS và THPT thì không có hoặc rất ít những giờ học kỹ năng cho học sinh".
Cần đẩy mạnh hoạt động tâm lý học đường
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chuyên gia tâm lý trẻ vị thành niên, Hội tâm lý học Giáo dục Hà Nội đánh ra: "Vào các trang chủ của trường học, chúng ta khó tìm thấy hoạt động dành cho sinh viên hay những văn bản quy ước về nếp sống của trường. Ở các trường đại học có thể bên ngoài có học nhưng thực tế sinh viên cũng chỉ có một vài hoạt động mang tính nghề nghiệp. Ở các trường phổ thông có rất ít trường có phòng tâm lý học đường và những hoạt động định hướng giúp học sinh vui chơi lành mạnh. Phải chăng ở đây giáo dục có 3 mảng sức khỏe trí tuệ, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất, ta mới đang tập trung vào sức khỏe trí tuệ mà thôi.
Cách xử lý của các trường mang tính sự vụ, khi có sự việc xảy ra nhà trường mới mời cơ quan công an và các cơ quan hữu quan. Nếu chúng ta chú trọng đến đúng với những sức khỏe tinh thần qua các hoạt động đa dạng để giúp các em sống nhân ái hay có những hoạt động thể chất giúp học sinh giải phóng năng lượng và gắn kết thì kết quả sẽ khác nhiều.
Trước câu hỏi làm thế nào giúp học sinh phổ thông giảm bớt bạo lực, ông Sơn cho hay: "Đầu tiên cần trang bị cho các em được trách nhiệm hành vi dân sự từ những bộ quy ước cho hành vi chuẩn đạo đức, hành vi vi phạm luật. Nếu các trường đã có thì không phải đăng trên trang mạng mà cần biến nó thành những giờ học trải nghiệm giúp học sinh hóa thân qua hoạt động câu lạc bộ, hoạt động xã hội và hoạt động sự kiện của nhà trường.
Tiếp theo là tổ chức các hoạt động trong trường. Có lẽ chăng các trường thiếu các hoạt động thể thao, hoạt động câu lạc bộ theo các chuyên đề mà các nước phát triển họ tập trung giải tỏa giúp sinh viên và học sinh sau những giờ học căng thẳng. Đây là những hoạt động gắn kết học sinh sinh viên với nhau.
Những hoạt động xã hội mang tính cộng đồng xã hội sẽ tạo ra những nét nhân văn, tương ái cần tổ chức thường xuyên cho học sinh, sinh viên. Điều này chắc phụ thuộc vào đường hướng phát triển của mỗi trường. Vì mâu thuẫn của các em có thể qua việc xung đột ngay trong mối quan hệ và mạng xã hội và các diễn đàn dẫn đến những hành vi ngoài ý muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.