Những ngày này, vợ chồng chị Đặng Thị Mai, xóm Nam Sơn 2, xã Thu Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) tất bật vệ sinh vườn, chống dựng những cây cam bị nghiêng đổ, bật gốc và thu dọn những trái cam rụng để mang đổ bỏ.
Với hơn 500 gốc cam đang bước vào thời kỳ chắc quả, những ngày mưa bão vừa qua, gia đình chị Mai đã liên tục phải đào rãnh, tiêu nước để chống úng cho vườn cam.
Tuy nhiên, với những khu vực đất bằng, tiêu úng chậm, cây cam đã có hiện tượng rụng trái, nứt quả và vàng lá.
Chị Mai cho biết: Nếu không vệ sinh vườn ngay, trong điều kiện ẩm ướt, những trái cam thối có thể gây nấm bệnh cho cây và làm chua đất. Cùng với vệ sinh vườn, gia đình tôi chuẩn bị các chế phẩm vi sinh để bón cây nhằm phục hồi sau mưa lũ.
Niên vụ 2024, toàn huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) trồng hơn 900 ha cây ăn quả có múi, trong đó hơn 700 ha cam, chủ yếu là cam canh, quýt Ôn Châu, cam V2, cam lòng vàng và cam Xã Đoài.
Thời điểm này, ngoài quýt Ôn Châu đã cho thu hoạch, các loại cam khác hầu hết đều trong giai đoạn quả lớn và vào chắc quả.
Đây là thời kỳ cây cam cần nhiều dinh dưỡng để nuôi cây và nuôi quả. Do mưa lớn kéo dài, cam rụng nhiều và bị nứt quả khiến người trồng cam Cao Phong lo lắng có thể ảnh hưởng đến sản lượng năm nay.
Mưa lớn kéo dài, tại nhiều vườn cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra hiện tượng nứt quả, khả năng cao là những quả nứt sẽ bị rụng.
Chị Vũ Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3Tfarm Cao Phong cho biết: Hợp tác xã có 15 thành viên với 21 ha cam đang thời kỳ chuẩn bị thu hoạch.
Qua kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế các hộ thành viên, dù vườn cam không bị ngập úng kéo dài nhưng mưa nhiều, nắng lên cây cam bắt đầu có hiện tượng nứt quả, thối rụng và cây bị vàng lá.
Thời điểm này, được sự tư vấn của chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp, chúng tôi đang hướng dẫn các hộ thành viên ưu tiên kích thích phục hồi bộ rễ, tạo điều kiện cho cây phục hồi ổn định.
Cung cấp dinh dưỡng cho cây cam qua lá để bổ sung dưỡng chất nuôi quả, tránh rụng quả do cây tự rụng vì quá sức. Xử lý các cây bị vàng lá, thối rễ, kích thích cây tăng cường chống chịu với điều kiện bất thuận.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, huyện Cao Phong có khoảng 4,2 ha cam bị ngập úng khoảng 30 - 40 cm.
Thời gian ngập úng không quá dài do người dân đã chủ động phương án tiêu úng. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), mưa dứt, nắng lên mới là thời điểm đáng lo nhất, bởi đây là thời điểm cây dễ bị các loại nấm, sâu bệnh tấn công.
Đặc biệt là nấm, bởi đất đang rất ẩm là điều kiện lý tưởng để các loại nấm, sâu bệnh phát triển. Vì vậy, phòng đã cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn nông dân triển khai các phương án bảo vệ, chăm sóc phục hồi cây trồng nói chung, trong đó có cây cam.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, phòng NN&PTNT huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đang hướng dẫn các hộ dân khẩn trương đào rãnh tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây gây hiện tượng úng cục bộ, hạn chế đi lại trên vườn.
Dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, không để cây bị lay động, làm đứt rễ. Tỉa các cành, lá, quả bị xơ tước do cọ xát gió bão; với những cành lớn cần quét vôi lên vết cắt; phun rửa sạch bùn trên tán lá cây ngay khi nước rút.
Thu dọn tàn dư thực vật, quả rụng, quả thối ra khỏi vườn cây; đào hố dồn những quả thối xuống rồi lấy vôi bột rắc đều lên trên, lấp đất kín tránh nguồn nấm bệnh lây lan. Xới nhẹ lớp đất mặt để thông khí, chủ động phòng trừ bệnh thối rễ do nấm bằng các chế phẩm sinh học.