Dân Việt

Phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam

Hồng Nhân 17/09/2024 10:44 GMT+7
Trong những năm qua kinh tế trang trại tỉnh Hà Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần giúp người nông dân phát huy được lợi thế so sánh, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Vai trò quan trọng của kinh tế trang trại tại Hà Nam

Việc phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, điều hành, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó còn tạo việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo, phân bố lại lao động, dân cư và tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.

Việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lao động nông thôn. Từ đó dần từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Hà Nam.

Phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam - Ảnh 1.

Nhiều mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Hà Nam đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh là mô hình trang trại của nông dân tại Kim Bảng Hà Nam.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã hình thành và phát triển đa dạng các loại hình trang trại như trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi (gia súc, gia cầm), trang trại nuôi trồng thuỷ sản và trang trại tổng hợp.

Việc này cho thấy, các trang trại đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ xuất hàng hóa tương đối cao. Đồng thời, việc hình thành nhiều trang trại đã góp phần nâng cao hiệu quả mô hình trang trại áp dụng KHKT, có tính thâm canh cao gắn với chế biến, tiêu thụ, làm ra hàng hoá nông sản có giá trị kinh tế cao.

Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, đến hết năm 2023, trên địa bàn có 262 trang trại (theo quy định Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp & PTNT) và khoảng 500 gia trại hoạt động theo mô hình trang trại.

Phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam - Ảnh 2.

Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 262 trang trại và khoảng 500 gia trại hoạt động theo mô hình trang trại.

Cụ thể, 4 trang trại trồng trọt; 148 trang trại chăn nuôi; 21 trang trại nuôi trồng thủy sản; 89 trang trại tổng hợp với tổng diện tích đất của các trang trại là 1.001,26 ha; giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân một trang trại là 2.545 triệu đồng; tổng số lao động thường xuyên của các trang trại là 1.021 người; tổng giá trị sản xuất của các trang trại là 1.119.200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hải Đăng - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam khẳng định, sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, xoá đói, giảm nghèo.

“Nhiều trang trại đã làm tốt sản xuất và cung ứng giống, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở sản xuất, chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu”, ông Đăng nói.

Phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam - Ảnh 3.

Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, xoá đói, giảm nghèo tại Hà Nam.

Loạt Nghị quyết đi vào thực tiễn

Để có được kết quả trên, theo tìm hiểu, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam và các phòng, đơn vị có liên quan đã làm tốt công tác tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT, trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp (bao gồm cả kinh tế trang trại).

Hàng loạt Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch ra đời, đi vào cuộc sống. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 05/NQ-TU và UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng Kế hoạch số 1281/KH-UBND về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng 2035; Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh quy định về chế độ chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 của HĐND tỉnh Hà Nam

Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2017 của UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Kế hoạch số 1876/2019/KH-UBND về việc Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 và các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án liên quan đến hình thành, phát triển kinh tế trang trại để phát triển trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa.

Phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn nhằm góp phần xây dựng nông thôn Hà Nam, ổn định về an ninh lương thực, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần vào đẩy nhanh thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều giải pháp thiết thực ra đời, góp phần vào những thành công của kinh tế trang trại.

Phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam - Ảnh 4.

Hà Nam đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu phát triển trang trại từ các gia trại.

Hai là tiếp tục chỉ đạo triển khai cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế trang trại: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính Phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về chế độ chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2019 của UBND tỉnh; Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam …

Phát triển kinh tế trang trại gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nam - Ảnh 5.

Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần giúp người nông dân phát huy được lợi thế so sánh, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Ba là chỉ đạo xây dựng và phát triển các mô hình trang trại điển hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình trang trại liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nhằm kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm làm cơ sở chỉ đạo nhân rộng. Hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm trang trại an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn (có thông tin, địa chỉ trang trại cung ứng rõ ràng) tạo niềm tin cho người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của trang trại trên thị trường. Hỗ trợ các trang trại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ thương mại và kết nối cung cầu.

Bốn là, hỗ trợ, khuyến khích các trang trại quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã vạch sản phẩm hàng hóa, sản xuất theo quy trình VIETGAP, hữu cơ gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Năm là, tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế trang trại nhất là cấp huyện, xã theo Thông tư số 02/2020/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp & PTNT thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, chủ trang trại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Thông tin về trang trại điển hình tại Hà Nam

Trang trại chăn nuôi bò sữa xã Chuyên Ngoại (xã Mộc Bắc, Trác Văn Thị xã Duy Tiên): Hiện tại tổng số đầu con >100 con/trang trại; các trang trại nuôi bò sữa đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sữa với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa với giá ổn định từ 12.000 – 14.000 đ/kg để người dân yên tâm sản xuất;

Trang trại nuôi Bò thịt, Bò sinh sản của ông Lại văn Soàn (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục) bà Nguyễn Thị Ngọc (xã An Đổ, huyện Bình Lục) với quy mô đàn hàng trăm con.

Mô hình trang trại chăn nuôi lợn theo hình thức an toàn sinh học, công nghiệp, bán công nghiệp (Tiên Ngoại, Chuyên Ngoại,…), trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Bắc, Trác Văn, Chuyên Ngoại, Yên Nam.

Trang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Minh Đông (xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm) và ông Vũ Văn Huy (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm).

Trang trại nuôi thủy sản, nuôi cá theo mô hình sông trong ao tại xã Châu Giang, Chuyên Ngoại, Trác Văn, Mộc Bắc - TX.Duy Tiên, Kim Bình, Thanh Sơn - TP. Phủ Lý, Mỹ Thọ, Tiêu Động - huyện Bình Lục…

Trang tại tổng hợp (chăn nuôi bò sữa, trồng húng quế lấy tinh dầu, trồng chuối, bưởi) tại xã Nguyên Lý huyện Lý Nhân; Trang trại tổng hợp (lợn, gà, cá, lúa) tại xã Kim Bình ,Tp. Phủ Lý, xã Tiêu Động huyện Bình Lục.

Trang trại trồng trọt tại các xã Nguyên Lý, Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân Trác Văn, Chuyên Ngoại, TX. Duy Tiên; trang trại trồng Vải lai U trứng xã Nguyễn Uý, huyện Kim Bảng; trang trại trồng nho CNC xã Đồng Du, huyện Bình Lục…