Dân Việt

Thái Nguyên: Sau lũ lịch sử, huyện Phú Lương làm gì để phòng bệnh cho vật nuôi thuộc các dự án giảm nghèo?

Hà Thanh - Kiều Hải 21/09/2024 10:03 GMT+7
Sau trận lũ lụt lịch sử, ngành nông nghiệp huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn vật nuôi thuộc các dự án giảm nghèo.

Chú trọng phòng bệnh cho vật nuôi thuộc các dự án giảm nghèo

Trong thời gian vừa qua, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ vật nuôi cho bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho hộ nghèo. Hầu hết các dự án sau khi triển khai đều mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nhiều hộ có cơ hội thoát nghèo.

Thái Nguyên: Sau bão lũ, ngành nông nghiệp Phú Lương làm gì để phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi? - Ảnh 1.

Trong trận mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bị chết. Ảnh: Ngọc Trà.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Huy Hà – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương cho biết: Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã triển khai dự án giảm nghèo tại các xã Hợp Thành, Yên Ninh, Yên Trạch, Phủ Lý, Yên Lạc, Yên Ninh và Động Đạt.

Theo đó, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ trâu cái sinh sản cho 17 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại xã Hợp Thành theo dự án "Hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2023"; hỗ trợ trâu và bò cái sinh sản cho 17 hộ tại xã Phủ Lý, 20 hộ tại xã Yên Trạch theo dự án "Hỗ trợ trâu cái, bò cái nuôi sinh sản thuộc Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương"; 21 hộ tại xã Yên Ninh, 20 hộ tại xã Yên Lạc theo dự án "Hỗ trợ trâu cái, bò cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững".

Trong năm 2024, Trung tâm tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho 24 hộ tại các xã Động Đạt, Yên Ninh, Yên Đổ theo dự án "Hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2024".

Thái Nguyên: Sau bão lũ, ngành nông nghiệp Phú Lương làm gì để phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi? - Ảnh 2.

Dự án hỗ trợ trâu cái sinh sản cho bà con trên địa bàn huyện Phú Lương theo chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại những hiệu quả tích cực. Ảnh: Hà Thanh.

Theo ông Hà, trước năm 2024, mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ 1 con trâu hoặc 1 con bò cái sinh sản. Nhận thấy hiệu quả tích cực do các dự án mang lại, trong năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã tham mưu hỗ trợ thêm cho mỗi hộ tham gia dự án giảm nghèo 1 con trâu để tăng năng suất lao động cho bà con, nhằm mục đích giảm nghèo nhanh và bền vững. Đến nay, đã thực hiện xong việc cấp con giống cho bà con.

Thái Nguyên: Sau bão lũ, ngành nông nghiệp Phú Lương làm gì để phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi? - Ảnh 3.

Sau khi hỗ trợ con giống cho người dân, ngành nông nghiệp huyện Phú Lương đã thường xuyên cử cán bộ phối hợp với bà con theo dõi, quản lý, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Hà Thanh

Trong trận lũ lụt lịch sử từ ngày 8/9-12/9 vừa qua trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Lương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự huyện, tính đến ngày 18/9, trận mưa lũ trên địa bàn đã khiến 299 con gia súc, 123.701 con gia cầm bị chết; 30 chuồng trại hư hỏng.

Ngay sau khi lũ lụt kết thúc, bên cạnh việc tập trung khôi phục và phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp huyện Phú Lương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng nhằm tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Sau khi cơn bão số 3 đi qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương đã trực tiếp đến kiểm tra đối với các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ tham gia dự án thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo để hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh. 

Trên cơ sở đó, Trung tâm đã có văn bản hướng dẫn về các quy trình về chăm sóc, bảo vệ, khắc phục với vật nuôi và cây trồng. Cùng với đó, Trung tâm đã xây dựng lịch phân công các cán bộ có chuyên môn về chăn nuôi kiểm tra hướng dẫn tại các hộ có vật nuôi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, cơ bản trong tháng 9 sẽ xong tại các địa bàn. 

"Đến thời điểm này, qua kiểm tra, đánh giá, các con giống tham gia dự án đều sinh trưởng, phát triển tốt và không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Về nguồn thức ăn cho vật nuôi, đối với các hộ tham gia dự án cũng không bị ảnh hưởng vì trước khi bão số 3 đổ bộ vào, công tác tuyên truyền cho các hộ dân trong việc di dời vật nuôi đến nơi an toàn đã được triển khai đồng bộ", ông Hà nhấn mạnh.

Triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi

Cũng theo đại diện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương, để phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, Trung tâm đã ra nhiều văn bản yêu cầu: Vệ sinh, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; thu gom và xử lý xác động vật chết bằng hình thức chôn hoặc đốt; vệ sinh khử trùng, tiêu độc nguồn nước phục vụ chăn nuôi; vệ sinh, khử trùng đồng cỏ, bãi chăn...

Thái Nguyên: Sau bão lũ, ngành nông nghiệp Phú Lương làm gì để phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi? - Ảnh 4.

Sau bão lũ, ngành nông nghiệp huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã xuống các địa phương kiểm tra công tác phòng dịch bệnh cũng như hướng dẫn bà con khử trùng nguồn thức ăn cho vật nuôi để đảm bảo an toàn. Ảnh: Hà Thanh

Ngành nông nghiệp huyện Phú Lương cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không chăn thả gia súc ở những khu vực bị ô nhiễm hoặc đồng cỏ chưa được xử lý vệ sinh. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu nghi bệnh truyền nhiễm, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần giữ ấm cho gia súc, tách riêng gia súc ốm, già yếu, gia súc non để có chế độ chăm sóc đặc biệt và điều trị bệnh kịp thời tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường; tiêm phòng định kỳ hoặc tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh trên gia súc theo khuyến cáo của cơ quan thú y địa phương.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp huyện Phú Lương lưu ý, các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ tái đàn khi đảm bảo các điều kiện như tu sửa, xây mới chuồng trại, thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng đảm bảo vệ sinh, an toàn trước khi thực hiện tái đàn. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn theo yêu cầu của từng loại vật nuôi cũng như chuẩn bị con giống đầy đủ trên cơ sở lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định.