Thái Nguyên: Huyện Phú Lương "rót" hơn 14,5 tỷ đồng triển khai nhiều dự án giúp dân thoát nghèo

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 23/08/2024 09:26 AM (GMT+7)
Trong 4 năm từ 2021 – 2024, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã phân bổ nguồn vốn hơn 14,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án giảm nghèo, đa dạng hoá sinh kế trên địa bàn huyện, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bình luận 0

Nhiều dự án tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo

Thái Nguyên: Huyện Phú Lương "rót" hơn 14,5 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo, tạo sinh kế cho bà con khó khăn

Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn từ 2021 – 2025, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã phân bổ nguồn vốn hơn 14,5 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án giảm nghèo. 

Với nguồn vốn đó, huyện Phú Lương đã thực hiện nhiều dự án giảm nghèo hiệu quả như: Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững) với tổng ngân sách thực hiện từ năm 2021 – 2024 hơn 5.6 tỷ đồng.

Trong đó, địa phương đã triển khai 9 dự án chăn nuôi bò, dê và trâu tại các xã Yên Trạch, Động Đạt, Phủ Lý, Ôn Lương và Hợp Thành; năm 2022 thực hiện 1 dự án chăn nuôi bò Lai sind tại xã Yên Trạch, nuôi Trâu sinh sản tại xã Phủ Lý; năm 2023 thực hiện 5 dự án gồm: Nuôi dê tại xã Yên Đổ, nuôi bò Lai sind tại xã Động Đạt và xã Yên Trạch, nuôi trâu tại xã Phủ Lý và xã Ôn Lương.

Đặc biệt, năm 2024 huyện Phú Lương thực hiện 3 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành (hiện nay đang triển khai thực hiện). Tổng số hộ được thụ hưởng là 111 hộ (trong đó có 81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng).

Đa dạng nhiều dự án giảm nghèo ở Phú Lương, tạo sinh kế giúp bà con thoát nghèo- Ảnh 1.

Dự án hỗ trợ trâu sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình. Ảnh: Hà Thanh

Đối với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, có tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2024 hơn 2,5 tỷ đồng. Số mô hình được thực hiện là 3 dự án, trong đó 3/3 dự án được UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện. 

Đến nay, 2/3 dự án đã triển khai thực hiện, trong đó có mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Hợp Thành với 17 hộ và chăn nuôi trâu, bò tại xã Yên Ninh, Yên Lạc với 41 hộ tham gia. Năm 2024, tiếp tục thực hiện dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Yên Ninh, Yên Đổ và Động Đạt dự kiến có 24 hộ tham gia.

Các dự án này được thực hiện tại 6 xã với 102 hộ được hỗ trợ thụ hưởng dự án, trong đó có 53 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo, 8 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng. Dự ước đến hết năm 2024 có 68/102 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Tại xã Hợp Thành, với nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2023 địa phương đã triển khai có hiệu quả dự án "Hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu Dự án 1 của Dự án 3". Tham gia dự án có 17 hộ nghèo, cận nghèo nhận được hỗ trợ trâu cái giống với tổng kinh phí thực hiện hơn 460 triệu đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ 402 triệu đồng, còn lại các hộ tham gia đối ứng hơn 58 triệu đồng.

Là hộ nghèo được tham gia dự án hỗ trợ trâu sinh sản, anh Ma Đình Thông (xóm Bo Chè, xã Hợp Thành) cho biết, năm 2023 gia đình anh thuộc diện hộ nghèo với 3 nhân khẩu, kinh tế của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào ruộng lúa và đồi rừng. "Từ khi được hỗ trợ con trâu gia đình tôi rất phấn khởi. Hi vọng trong thời gian tới trâu sẽ sinh sản ra nghé giúp gia đình tôi phát triển kinh tế hơn", anh Thông chia sẻ.

Đa dạng nhiều dự án giảm nghèo ở Phú Lương, tạo sinh kế giúp bà con thoát nghèo- Ảnh 2.

Năm 2023 gia đình anh Ma Đình Thông thuộc diện hộ nghèo ở xóm Bo Chè, xã Hợp Thành được hỗ trợ một con trâu sinh sản. Ảnh: Hà Thanh

Kết quả giảm nghèo góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế

Ông Lương Hải Long – Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành nhấn mạnh, thực hiện theo Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND xã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế hằng năm tăng từ 5 – 7%. Trong lĩnh vực hỗ trợ hộ nghèo, từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 1,3%, theo Nghị quyết của HĐND huyện, công tác giảm nghèo của xã cơ bản đạt.

Theo báo cáo rà soát của UBND xã Hợp Thành, đến cuối năm 2023 trên địa bàn xã còn 45 hộ nghèo và 47 hộ cận nghèo.

Đối với chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã đã căn cứ vào các văn bản, kế hoạch của cấp trên, năm 2023 được Trung Dịch vụ Nông nghiệp huyện giao nhiệm vụ lựa chọn các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thực hiện dự án hỗ trợ 17 con trâu giống sinh sản. Qua triển khai các bước theo đúng quy trình, đến cuối năm 2023 đã bàn giao trâu cho các hộ.

Hàng tháng xã cũng giao cho Trung tâm dịch vụ trực tiếp về cơ sở phối hợp với cán bộ nông nghiệp trên địa bàn xã thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra, theo dõi trâu của các hộ để thực hiện tiêm phòng và xử lý kịp thời khi có vấn đề xảy ra. Đến thời điểm này, cả 17 con trâu giống cấp cho bà con trên địa bàn đều đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt.

"Năm 2024, địa phương tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ trâu cho hộ nghèo với mục tiêu hỗ trợ đến đâu giảm nghèo bền vững đến đấy, tránh tình trạng tái nghèo", Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho hay.

Đa dạng nhiều dự án giảm nghèo ở Phú Lương, tạo sinh kế giúp bà con thoát nghèo- Ảnh 3.

Trâu cấp cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Hợp Thành, huyện Phú Lương đều sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Hà Thanh

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thuý Hằng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương đánh giá, qua triển khai thực hiện, bước đầu các dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. 

"Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm từ 5,39% cuối năm 2021 xuống còn 2,68% cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo. Hằng năm, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện luôn vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra", bà Hằng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, các chính sách triển khai trên địa bàn huyện về công tác giảm nghèo đã bước đầu tạo ra những chuyển biến căn bản để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo đa chiều tại địa phương. 

"Qua triển khai thực tế tại địa phương, mô hình chăn nuôi trâu cho thấy tính hiệu quả cao hơn, ít rủi ro hơn mô hình nuôi dê, bò và phù hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu, kinh tế và kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi của các đối tượng là hộ nghèo trên địa bàn huyện", bà Hằng đánh giá và khẳng định: "Kết quả thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem