Dân Việt

Reuters: Lãnh đạo Việt Nam rất mong muốn thu hút đầu tư, đặc biệt từ khu vực công nghệ của Mỹ

V.N (Theo Reuters, SCMP) 21/09/2024 13:28 GMT+7
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ gặp gỡ đại diện từ một số tập đoàn Mỹ, bao gồm Google và Meta, trong chuyến thăm Mỹ sắp tới - chuyến đi đầu tiên tới quốc gia này trên cương vị mới - Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.
Reuters: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước  - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường dự Đại hội đồng LHQ khóa 79 và thăm cấp nhà nước tới Cuba. Ảnh: TTXVN.

Facebook có một trong những cơ sở người dùng lớn nhất thế giới ở Việt Nam, và Google sản xuất điện thoại thông minh tại đây thông qua các nhà cung cấp và đang lên kế hoạch cho một trung tâm dữ liệu lớn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ tham dự một diễn đàn doanh nghiệp vào ngày 23/9 với các đại diện doanh nghiệp Mỹ khác - Reuters cho biết.

Theo Reuters, các công ty Mỹ xem Việt Nam như một trung tâm sản xuất và là thị trường cho sản phẩm của họ. Các nhà cung cấp của Apple  hoàn thành nhiều sản phẩm của công ty tại đây, Intel  có một nhà máy lắp ráp chip lớn, và các công ty quốc phòng đã đàm phán lâu dài để bán thiết bị an ninh cho Hà Nội.

Trường Đại học Columbia đã thông báo một sự kiện với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 23/9 tại New York.

Tờ South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời Zachary Abuza, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á và là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, cho biết nhà lãnh đạo Việt Nam rất mong muốn thu hút đầu tư, đặc biệt từ khu vực công nghệ của Mỹ.

"Đất nước này có rất nhiều tham vọng về lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo và chế tạo chip silicon" - ông Abuza nói.

SCMP nhắc lại, đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghệ cao và đặt mục tiêu trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn và AI toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Abuza cho rằng, có những trở ngại về mặt cơ cấu mà Việt Nam phải giải quyết, bao gồm việc tăng cường lực lượng lao động của Việt Nam trở nên thành thạo về công nghệ, giải quyết tình trạng thiếu điện, chống tham nhũng và đẩy nhanh các chính sách của chính phủ.

Giáo sư Abuza cho biết: "Có một khoảng cách ngày càng tăng giữa cam kết và đầu tư nước ngoài  thành hiện thực, và ông Tô Lâm có rất nhiều điều cần đảm bảo nếu Việt Nam nhận ra tiềm năng của mình".

Chuyên gia về Việt nam Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia) dự đoán, trong cuộc gặp kinh doanh với các giám đốc điều hành doanh nghiệp, ông Tô Lâm có thể sẽ khẳng định rằng Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu dài hạn là trở thành một nước công nghiệp hiện đại với thu nhập cao vào năm 2045.