Hiệu quả kinh tế vượt trội
Men theo con đường mòn quanh co đến trung tâm xã Chí Cà, ta có thể nhìn thấy hình ảnh những nương ý dĩ tươi tốt đang độ kết hạt, xen lẫn những cây hồng không hạt quả trĩu cành đang hứa hẹn những vụ mùa bội thu... Cây ý dĩ được người dân xã Chí Cà gieo trồng và canh tác từ khá sớm, vốn trước đây chỉ được coi là loại cây trồng cứu đói mùa giáp hạt.
Cây ý dĩ ở xã Chí Cà
Theo tìm hiểu, hạt ý dĩ có giá trị dinh dưỡng cao nên thường được sử dụng để bồi dưỡng sức khỏe cho người già, trẻ em bị suy nhược cơ thể và phụ nữ sau sinh nở. Trong Đông y, hạt ý dĩ còn là một vị thuốc quý dùng để chữa một số bệnh.
Theo anh Lý Ngọc Vinh, cán bộ khuyến nông xã Chí Cà thì địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp để cây ý dĩ phát triển và sinh trưởng thuận lợi. Trên địa bàn xã Chí Cà hiện nay, người dân đang gieo trồng chủ yếu các loại ý dĩ nếp và ý dĩ tẻ. Trong đó, ý dĩ nếp có giá trị cao hơn và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bán nguyên hạt trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg cho thương lái, sau khi chế biến, xay xát, ý dĩ có giá từ 50.000 đồng/kg trở lên.
Nông dân Ly Chẩn Pùa, thôn Hầu Sáo Chải, xã Chí Cà chia sẻ: "Gia đình tôi tận dụng các diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún để trồng cây ý dĩ; sau khi trồng, chỉ cần được làm cỏ 1 - 2 lần và hầu như không tốn kém về phân bón cũng như công chăm sóc, cùng trên diện tích đất nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn so với trồng lúa, ngô...".
Trồng hồng không hạt đang trở thành một lựa chọn ưu việt cho bà con nông dân, bởi cây phát triển tốt trên đất đồi, ít tốn công chăm sóc. Mỗi vụ mùa, nông dân có thể thu hoạch từ 3 đến 10 tấn quả/ha, với giá bán ổn định từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. bhiều hộ đã từ bỏ những cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng hồng, nhờ đó nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cây hồng được trồng ở xã Chí Cà, huyện Xín Mần (Hà Giang)
Quả hồng không hạt ở Chí Cà có vị ngọt dịu, giòn nên được nhiều người ưa chuộng và chọn mua. Hiện đang mùa hồng nên nhiều người chọn mua loại trái cây này vì giá không quá đắt, hơn nữa hồng là loại quả sạch trồng tại vườn nên khách hàng tin tưởng làm món tráng miệng sau mỗi bữa ăn của nhiều người.
Ông Vương Xuân Kinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chí Cà, huyện Xín Mần, chia sẻ: Năm 1995, ông là người đầu tiên đem giống cây hồng không hạt này từ một người quen bên Trung Quốc về trồng. Ban đầu trồng thấy quả rất to, sai trái nhìn rất thích mắt, tuy nhiên do không biết cách để ngâm quả hồng nên khi ăn có vị chát; lúc đó tôi đã định chặt bỏ. Sau khi tìm hiểu kỹ, quả hồng không hạt này khi bứt từ trên cây xuống phải ngâm nước (1 nóng/2 lạnh), mỗi ngày thay nước 1 lần và sau 2 – 3 ngày thì ăn rất giòn và ngọt. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 10 cây hồng không hạt, mỗi vụ cho thu hoạch hơn 3 tấn quả.
Theo người dân địa phương, năm 2024, thời tiết không mấy thuận lợi, tuy nhiên diện tích cây hồng trên địa bàn xã vẫn ra quả nhiều hơn năm trước, chín rộ đúng vụ. Đặc biệt, hồng không hạt tại đây có sự khác biệt so với hồng nơi khác đó chính là quả to, ruột có màu vàng ươm, giòn, thơm, giàu dinh dưỡng. Cây hồng được bà con nhân dân trồng, chăm sóc, thu hoạch không sử dụng hóa chất bảo quản, rất đảm bảo cho người tiêu dùng.
Anh Vương Văn Thưởng, Trưởng thôn Chí Cà Hạ nói, ngay từ đầu mùa một số thương lái đã đến đặt mua nên bà con trong thôn cũng đỡ vất hơn. Với giá bán tại vườn là khoảng 10.000 đồng/kg, hơn 10 gốc hồng của gia đình tôi cũng mang về hơn 30 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, so với trồng cây ăn quả khác.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, việc trồng hồng không hạt còn góp phần bảo vệ môi trường. Cây không chỉ tạo ra bóng mát mà còn giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất. Nhiều nông dân đã bắt đầu áp dụng công nghệ mới và kỹ thuật canh tác bền vững để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Xác định hướng đi dài hạn
Theo ông Lù Văn Tinh, Chủ tịch UBND xã Chí Cà, qua nhiều năm triển khai các cây trồng có giá trị kinh tế như ý dĩ, hồng không hạt đều tăng trưởng về cả diện tích, giá trị và năng suất. Nhiều hộ trong xã đã cải thiện được đời sống, xóa đói, giảm nghèo từ những cây trồng này.
"Đối với cây hồng không hạt, hiện nay toàn xã có trên 32 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 6 ha. Từ những hiệu quả và tiềm năng mà cây hồng không hạt đem lại cho bà con, những năm qua xã đã và đang triển khai nhiều biện pháp để tiếp tục nhân rộng. Còn với năng suất trung bình từ 22 - 24 tạ/ha, cây ý dĩ đang dần khẳng định được ưu thế của mình và được cấp ủy, chính quyền xã Chí Cà lựa chọn và đã được công nhận là sản phẩm (OCOP) 3 sao", ông Tinh cho hay.
Theo đồng chí Sùng Seo Lử, Bí thư Đảng ủy xã Chí Cà cho biết, năm nay, cây ý dĩ và cây hồng không hạt được người dân các thôn: Hậu Cấu, Hồ Sáo Chải, Hồ Mù Chải, Chí Cà Thượng, Chí Cà Hạ... xác định là cây "mũi nhọn" để xóa đói, giảm nghèo, đồng thời, thực hiện nhiều chủ trương như: Phát triển các cây trồng theo hướng hàng hóa; tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; quảng bá hình ảnh của sản phẩm trên thị trường; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...
"Nhằm hỗ trợ bà con, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nhờ đó, người nông dân trên địa bàn xã Chí Cà ngày càng tự tin hơn trong việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao", đồng chí Sùng Seo Lử chia sẻ thêm.
Với những thành công đang có, tương lai của việc trồng cây y dĩ và hồng không hạt ở xã Chí Cà hứa hẹn sẽ còn tươi sáng hơn nữa, khi ngày càng nhiều người nhận thấy giá trị của 2 loại cây trồng này. Những nỗ lực không ngừng, nông dân Chí Cà đang từng bước xây dựng được thương hiệu ý dĩ đạt OCOP 3 sao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.