Nông thôn mới Hà Giang: Bình quân mỗi năm hoàn thành 285 km đường giao thông các loại

An Nhiên Thứ năm, ngày 19/09/2024 08:40 AM (GMT+7)
Là tỉnh biên cương của Tổ quốc, còn nhiều khó khăn, nhờ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, Chương trình xây dựng NTM Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã có 1 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 51/175 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Bình luận 0

Nhân dịp này, phóng viên NTNN có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Giang xung quanh kết quả xây dựng NTM

Xin ông cho biết kết qủa thực hiện chương trình xây dựng NTM mà Hà Giang đến nay đã đạt được?

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, Hà Giang xác định hoàn thành 2 huyện NTM và phấn đấu 35 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả thực hiện của các huyện, xã, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế, theo đó đến 2025 huyện Bắc Quang về đích NTM; huyện Quang Bình phấn đấu 100% các xã về đích NTM; 7 xã về đích NTM nâng cao và 113 thôn về đích thôn NTM (trong đó mỗi xã đặc biệt khó khăn có 1 thôn NTM).

img

Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Giang (ngoài cùng bên trái) kiếm tra công trình đường bê tông giao thông nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn các Chương trình MTQG tại thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang, Hà Giang)

Để hoàn thành mục tiêu trên, năm 2024 tỉnh Hà Giang đã tập trung nguồn lực hỗ trợ để 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình cũng như các xã về đích NTM.

Đặc biệt, với quan điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM phải dựa trên thực tế của từng địa phương, nên giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang chỉ giao tiêu chí NTM, còn các huyện, xã tự căn cứ vào nguồn lực, khả năng để thực hiện chứ không giao cụ thể thôn nào, xã nào phải đạt NTM. Đây là cách làm mới và cũng rất thuận lợi cho cơ sở triển khai, do vậy riêng năm 2023, tỉnh cũng có 3 xã đạt chuẩn NTM; 40 thôn đạt chuẩn thôn NTM. Kết quả này rất thực chất và đang từng bước tăng lên.

8 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã huy động nguồn lực thực hiện chương trình được trên 873 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 124 tỷ đồng, ngân sách địa phương 161 tỷ đồng, vốn lồng ghép 566 tỷ đồng còn lại là huy động từ người dân và cộng đồng trên 21 tỷ đồng. 

Các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã thực hiện được 214.449 m đường bê tông các loại; bó láng nền nhà 1.502 hộ; xây dựng 1.649 công trình nhà tắm; 1.885 nhà tiêu hợp vệ sinh; 1.482 bể nước, téc nước; cứng hóa, di dời 731 chuồng trại... Nhân dân hiến 262.702m2 đất để làm đường bê tông và các công trình; đóng góp 112.304 ngày công lao động; mở mới 90.224 m đường đất, đá; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa 140.702 m đường giao thông nông thôn

Kết quả thực hiện kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh tăng 31/207 tiêu chí xã NTM; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã NTM đã được công nhận đạt chuẩn NTM; về thực hiện tiêu chí thôn NTM toàn tỉnh tăng 154/960 tiêu chí, đạt 16% so với KH năm.

img

Trạm y tế xã Đồng Tiến (Bắc Quang, Hà Giang) được đầu tư xây dựng khang trang.

Đến nay, Chương trình xây dựng NTM của Hà Giang đã đạt được kết quả rất khả quan. Toàn tỉnh đã có 51/175 xã (29,14%) đạt chuẩn NTM, 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổng số tiêu chí đã hoàn thành là 2.223 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã. Có 126 thôn đã được công nhận thôn NTM, trong đó có 45 thôn đặc biệt khó khăn.

Đây là những kết quả nổi bật mà Hà Giang đã đạt được mang tính bền vững đối với đời sống của người dân trong 14 năm thực hiện chương trình MTQG Xây dựng NTM.

Theo ông những yếu tố nào đã giúp Hà Giang đạt được những kết quả đáng ghi nhận này?

Có thể nói, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình MTQG Xây dựng NTM, Hà Giang đã tập trung rất cao độ, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc và trên cơ sở kế hoạch của tỉnh giao cho xã, huyện. Và chủ thể vẫn là người dân nên Hà Giang rất chú trọng công khai hóa chính sách của tỉnh, huyện để các thôn, xã phấn đấu thực hiện các tiêu chí.

Với quan điểm chỉ tiêu dễ, ít nguồn lực và là trách nhiệm của người dân thì tỉnh sẽ để cơ sở và người dân chủ động triển khai. Còn 2 tiêu chí quan trọng nhất, quyết định hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM là thu nhập, nghèo đa chiều là cả một quá trình dài thì sẽ lồng ghép vào để các thôn, xã thực hiện trong suốt giai đoạn 2021-2025.

img

Nhân dân Hà Giang chung tay thực hiện các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Ngoài ra, xác định giao thông là nguồn lực, huyết mạch quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, nên bên cạnh ngân sách của Trung ương giao, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Giang cũng đã dành kinh phí khoảng 50 tỷ/năm hỗ trợ các huyện, xã mua xi măng, cùng với đóng góp của nhân dân để xây dựng đường giao thông với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng/năm. Nhờ chính sách thiết thực này, mỗi năm Hà Giang xây dựng được khoảng 275km đường giao thông các loại. Đây là kết quả rất đáng khích lệ để Hà Giang hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM.

Hà Giang cũng đã tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập thông qua các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi. Hàng năm các chương trình này tập trung nguồn lực để triển khai, phát triển mô hình, dự án hỗ trợ cộng đồng để thực hiện tiêu chí thu nhập với quan điểm lấy NTM là trọng tâm.

Thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Hà Giang đã gặp những khó khăn nào, thưa ông?

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM từ 2021 đến nay Hà Giang cũng gặp nhiều khó khăn đó là giai đoạn này hầu như thực hiện tại xã vùng 3, không có nguồn lực để hỗ trợ và phát triển vì các xã có điều kiện thì đã về đích NTM giai đoạn trước rồi.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025 nguồn lực của Trung ương phân bổ cho chương trình xây dựng NTM cũng rất ít, chiếm khoảng 6,7% nhu cầu thực tế. Vì vậy để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hà Giang đã phải lồng ghép với các chương trình khác. Tuy nhiên mỗi chương trình đều có nội dung riêng nên rất khó lồng ghép. Hiện tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các xã tận dụng lồng ghép tối đa nguồn lực để thực hiện mục tiêu NTM, nhưng đến nay cũng mới chỉ được khoảng 20-25% tổng các chương trình được giao để thực hiện NTM.

img

Làm đường NTM mới tại huyện Quang Bình (Hà Giang).

Cái khó khăn thứ 3 đối với Hà Giang đó là bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 rất cao so với điều kiện của các tỉnh miền núi, trong đó có Hà Giang. Trong đó có tiêu chí thu nhập là phải gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước. Nếu như kết thúc giai đoạn 2016-2020 thu nhập đạt 23 triệu/người/năm là đã đạt NTM, thì giai đoạn này phải là 48 triệu đồng/người/năm mới đạt. Chính vì vậy đây là tiêu chí khó khăn nhất của Hà Giang trong thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả xây dựng NTM đã tạo lên diện mạo mới cho nông thôn vùng biên?

Từ những kết quả đã đạt được diện mạo nông thôn Hà Giang đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt phải kể đến là hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, bình quân mỗi năm hoàn thành 285 km đường giao thông các loại. Đây là điểm khởi sắc được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ và là nguồn lực chính để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ngoài ra, vấn đề môi trường nông thôn cũng là kết quả đáng ghi nhận từ việc triển khai chương trình xây dựng NTM Hà Giang. Nhân dân tỉnh Hà Giang xác định ngoài diện mạo phát triển kinh tế văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng thì vấn đề môi trường trong giai đoạn này cũng được quan tâm và nâng cao. Các mô hình về camera an toàn, mô hình trồng hoa cây cảnh, tuyến đường tự quản, tuyến đường xanh – sạch – đẹp đã được hình thành và phát huy hiệu quả, từ đó tạo lên diện mạo nông thôn mới của Hà Giang.

img

Diện mạo nông thôn Hà Giang ngày càng khởi sắc.

Đời sống nhân dân tại các xã về đích NTM hàng năm đều có tốc độ phát triển tương đối ổn định, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển cây con, thế mạnh… tỉnh Hà Giang cũng đã có nhiều nghị quyết phục vụ cho phát triển kinh tế đó, chính vì vậy những sản phẩm OCOP, đặc sản của Hà Giang ngày càng được mở rộng, gắn với viêc phát triển du lịch nông thôn.

Đặc biệt là trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Giang đã thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn theo quyết định của Thủ tướng. Đến nay, hầu như các huyện đều có làng văn hóa du lịch gắn với nông thôn mới và sản phẩm địa phương đặc thù từ đó tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế cho các xã trong địa bàn tỉnh.

Là tỉnh biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế nhưng Hà Giang cũng đã thực hiện rất tốt chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt là người dân Hà Giang hiểu rất rõ mục tiêu xây dựng NTM là cho chính mình nên trong quá trình triển khai nhân dân rất hưởng ứng phong trào và tham gia nhiệt tình, đồng lòng hợp sức cùng chính quyền xây dựng NTM. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân Hà Giang sẽ tiếp tục phấn đấu, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng cao biên cương của Tổ quốc.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem