Từ làm gạch ba vanh chuyển sang nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống, ông Vũ Văn Chiến ở thôn Kiểu Lương, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Với vai trò là Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, ông được các thành viên trong HTX đánh giá là "đầu tầu" năng nổ, dám nghĩ dám làm, mang lại nhiều lợi nhuận cho HTX.
Đồng thời, ông Chiến cũng là hội viên nông dân tích cực tham gia công tác Hội và phong trào nông dân và là Chủ tịch Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Vũ Văn Chiến ở thôn Kiều Lương, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước khi nuôi cá lồng trên sông Đuống, gia đình ông có xưởng sản xuất, kinh doanh gạch ba vanh, tạo công ăn việc làm cho gia đình và thu hút 7-8 lao động của địa phương.
Nhưng khi các cụm, khu công nghiệp đi vào hoạt động nhiều, số công nhân lao động trong xưởng giảm bớt, chuyển đi làm công ty, khiến việc sản xuất gạch ba vanh của gia đình gặp khó khăn.
Quyết chí làm giàu trên mảnh đất quê hương, với lợi thế có nhà nằm cạnh sông Đuống, ông đã nghĩ đến việc chuyển nghề từ sản xuất gạch ba vanh sang nuôi cá lồng trên sông.
Nghĩ là làm, ông cùng một số anh em trong thôn, trong xã đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở các tỉnh bạn.
Thực hiện: Khương Lực
Ông Vũ Văn Chiến ở thôn Kiều Lương, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh là một trong những nông dân tiên phong trong nghề nuôi cá đặc sản hình thức nuôi lồng trên sông Đuống và trở thành Giám đốc HTX nuôi cá lồng có quy mô lớn nhất tỉnh Bắc Ninh. Ông vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Ảnh: Khương Lực.
"Lúc đó, mô hình nuôi cá lồng ở các tỉnh này rất hiệu quả" - ông Chiến nói và cho biết vào thời điểm năm 2015 tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng/lồng, nên ông bàn với gia đình huy động vốn tích góp, rồi vay thêm của anh em người thân làm 6 lồng nuôi cá trên sông Đuống. Trong thôn cũng có khoảng 10 hộ đầu tư nuôi cá lồng, mỗi hộ có từ 3-5 lồng nuôi cá.
Trời không phụ lòng người, lứa cá lồng đầu tiên ông và các hộ dân trong thôn nuôi đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các nghề làm nông nghiệp khác.
Thấy vậy, ông tiếp tục bàn với gia đình, anh em đầu tư thêm lồng từ số lãi thu được và nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, tỉnh.
Từ 6 lồng cá lúc đầu vào năm 2015, đến nay gia đình ông đã đầu tư 43 lồng nuôi cá trên sông Đuống.
Cá được ông thả nuôi là những giống cá chất lượng, có giá trị kinh tế cao, chủ lực là cá lăng đen và cá chép giòn. Một lứa cá lồng từ lúc thả con giống tới khi thu hoạch kéo dài 2 năm, vì thế ông thả nuôi gối vụ - khoảng 50% là cá thịt, 50% là cá giống để có thu hoạch thường xuyên và giảm bớt chi phí đầu vào.
"Đàn cá lăng đen của gia đình chuẩn bị được thu hoạch, sản lượng khoảng 100 tấn, còn cá chép giòn thì khoảng 50 tấn. Doanh thu từ nuôi cá của gia đình khoảng 10 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, nhân công đi thì lợi nhuận thu về từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng" – ông Chiến vui vẻ chia sẻ.
Nhờ có dòng nước lưu thông, nuôi cá trên sông không lo lượng thức ăn thừa, phân cá gây ô nhiễm nguồn nước như trong ao nên hiệu quả nuôi cá lồng trên sông Đuống không chỉ vượt trội về năng suất, chất lượng mà còn mang lại thu nhập cao cho gia đình ông và các hộ dân trong thôn.
"Năm ngoái có lồng cá rộng 45m2 cho doanh thu tới 1,3 tỷ đồng" – ông Chiến nói và cho biết nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, nghề nuôi cá lồng trên sông, nhất là trên sông Đuống tiếp tục phát triển và đã thay đổi cơ cấu đàn cá thả nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế.
"Nuôi cá lồng trên sông nhà thấp nhất cũng vào 5 tỷ đồng, như nhà tôi doanh thu 10 tỷ đồng. Đối với nhà ông Nguyễn Văn Trách có hơn 80 lồng, mặt khác ông còn cung cấp cám cho một số thành viên HTX thì doanh thu lên tới 40 tỷ đồng" – ông Chiến chia sẻ thêm.
"Đầu tàu" năng nổ, dám nghĩ dám làm, mang lại lợi nhuận tốt cho HTX
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Vũ Văn Chiến luôn sẵn lòng chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm của bản thân mình với các hộ dân ở trong thôn để cùng nhau phát triển nghề nuôi cá lồng.
Tháng 9/2019, ông đã vận động, tập hợp các hộ dân nuôi cá lồng để thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng. Lúc đầu, HTX có 10 thành viên với khoảng 200 lồng nuôi cá do ông làm Giám đốc.
Đến nay, HTX có 16 thành viên, nuôi tổng số hơn 400 lồng cá trên sông. HTX đã áp dụng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 1.200 tấn cá các loại.
HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng là một trong những HTX có quy mô lớn nhất tỉnh Bắc Ninh, góp phần làm thay đổi diện mạo nghề nuôi cá lồng trên sông.
Nhờ lợi thế về quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cám, rồi cá giống biết đến đã tìm về cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt, theo yêu cầu của người nuôi cá. HTX cũng trở thành cầu nối hỗ trợ các thành viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt hơn đó là tinh thần đoàn kết, hợp tác của các thành viên trong HTX đã được phát huy, tạo ra hiệu quả rất lớn trong việc hỗ trợ ngày công và tạo việc làm ổn định cho 40-50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Với các thành viên trong HTX, Giám đốc Vũ Văn Chiến là người đầu tầu, năng nổ, dám nghĩ dám làm, đem lại nhiều lợi nhuận cho bản thân và các thành viên trong HTX.
Trong những lần hẹn gặp để làm việc, phóng viên Báo điện tử Dân Việt thấy ông lúc nào cũng tất bật, bận rộn với công việc. Lúc thì đến lồng hộ thành viên gạn cá để ép giòn, lúc thì tham gia siết tời để kéo lồng cá của thành viên HTX vào điểm an toàn, tránh thiệt hại do bão, lũ gây ra.
"Do khu nuôi cá lồng sát ven làng nên hầu hết các lồng nuôi đều an toàn trước bão, lũ" – ông Chiến nói và cho biết trước các trận mưa, lũ lớn ông đều họp và chỉ đạo các thành viên trong HTX đưa lồng vào sát bờ để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá, nông dân Vũ Văn Chiến được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề nghị với Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là hội nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Ông là một hội viên nông dân đi đầu trong việc phát triển nuôi cá lồng trên sông Đuống.
"Từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, ông đã tập hợp được nhiều hội viên nông dân tham gia thành lập HTX và việc thành lập HTX của ông Chiến đã đi đúng hướng trong việc tập hợp nông dân phát triển kinh tế tập thể. Mô hình HTX này đã tạo được công ăn việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 10-15 triệu đồng/tháng" bà Tuyết nói và cho biết ông cũng là một hội viên tích cực tham gia công tác Hội và phong trào nông dân và là Chủ tịch Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).