Dân Việt

Ở nơi này của Ninh Thuận, dân trồng "rau hoàng đế", giàu protein, hễ bẻ đến đâu bán hết đến đó

Đức Cường 28/09/2024 05:34 GMT+7
Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (HTX) là đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận. HTX vừa thu mua măng tây xanh (ví như rau hoàng đế, giàu protein) cho thành viên, vừa liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Trong 85 thành viên HTX đều là hộ khá giả...

Một ngày cuối tháng 9, PV Dân Việt tìm về làng Chăm thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) cách trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm 6km. Đây là địa phương có cánh đồng măng tây xanh lớn nhất tỉnh Ninh Thuận.

Ở đây, vai trò điều hành, tổ chức sản xuất của HTX được thể hiện một cách rõ nét. Điển hình nhất là HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, đây là đầu mối và cũng là điểm tựa giúp nông dân trồng măng tây thoát nghèo bền vững. 

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, HTX Tuấn Tú là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, tiêu biểu nhất ở Ninh Thuận.

Điểm tựa cho nông dân trồng "rau hoàng đế"

Có Hợp tác xã này "đỡ đầu", nông dân vùng trồng măng tây xanh lớn nhất Ninh Thuận khá lên trông thấy - Ảnh 1.

Thành viên HTX Tuấn Tú, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đưa măng tây xanh đến bán cho HTX mỗi ngày. Ảnh: Đức Cường.

Tiếp chúng tôi ở "điểm tập kết" măng tây xanh của HTX, ông Hùng Kỳ (55 tuổi), Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, cây măng tây xanh không còn là cây thoát nghèo mà là cây làm giàu của người Chăm thôn Tuấn Tú.

Dẫn chúng tôi tham quan ruộng măng tây 5 sào (5.000 mét vuông) của gia đình, ông Hùng Ky cho biết, hơn chục năm về trước người dân nơi đây chỉ quen trồng rau màu, đậu phộng chứ chưa biết cây măng tây.

Khoảng năm 2010, nhờ sự quan tâm của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận thì cây măng tây bắt đầu bén rễ và nhân rộng ở làng Chăm Tuấn Tú.

"Thời điểm đó, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trồng cây măng tây xanh. Sau 8 tháng chăm sóc, 1 sào (1.000 mét vuông) măng tây cho thu hoạch từ 8 – 10kg/ngày. Giá bán lúc đó 60.000 – 70.000 đồng/kg nên ai nấy đều phấn khởi…", ông Hùng Ky cho hay.

Có Hợp tác xã này "đỡ đầu", nông dân vùng trồng măng tây xanh lớn nhất Ninh Thuận khá lên trông thấy - Ảnh 2.

Ông Hùng Kỳ (55 tuổi), Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú. Ảnh: Đức Cường

Tuy nhiên, dù giá cao nhưng đâu ra không ổn định, giá bán măng tây quá phụ thuộc thị trường và thương lái. Nhiều lúc được mùa mất giá, được giá nhưng mất mùa.

Có Hợp tác xã này "đỡ đầu", nông dân vùng trồng măng tây xanh lớn nhất Ninh Thuận khá lên trông thấy - Ảnh 3.

Ruộng măng tây xanh trồng trên đất cát của HTX Tuấn Tú, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Đức Cường.

"Đến năm 2016, được sự vận động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, tôi cùng nhiều hộ trồng măng tây ở thôn Tuấn Tú thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú. Thời điểm này, HTX chỉ có 13 thành viên, diện tích trồng măng được gần 5ha…", ông Hùng Ky nói.

Năm đầu tiên hoạt động, HTX vừa thu mua măng tây cho xã viên, vừa làm đầu mối liên kết với một số doanh nghiệp địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Sản phẩm măng tây xanh có đầu ra ổn định nên ai nấy rất phấn khởi.

"Dù giá thị trường có cao hay thấp thì HTX cũng thu mua măng tây của xã viên với giá ổn định 45.000 đồng/kg. 

Sau đó, HTX cung cấp lại cho doanh nghiệp liên kết với giá 50.000 đồng/kg. Số tiền chênh lệch thu về, HTX sẽ dùng cho hoạt động của HTX hoặc chia đều cho xã viên, dùng để hỗ trợ vốn sản xuất cho xã viên khó khăn…", ông Hùng Ky cho hay.

HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú trồng măng tây xanh là HTX tiêu biểu ở Ninh Thuận. T/h: Đức Cường

Giúp nông dân vươn lên làm giàu

Dẫn chúng tôi tham quan việc thu mua măng tây xanh ngay tại HTX, ông Từ Văn Hay, hiện là Phó giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, từ ngày đi vào hoạt động, HTX đã tạo điều kiện cho hàng chục thành viên thoát nghèo bền vững.

Có Hợp tác xã này "đỡ đầu", nông dân vùng trồng măng tây xanh lớn nhất Ninh Thuận khá lên trông thấy - Ảnh 4.

Ông Từ Văn Hay, Phó giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú trồng măng tây xanh ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường.

Tiêu biểu nhất phải kể đến trường hợp của thành viên Thị Số (người Chăm thôn Tuấn Tú). Chị Số cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình không có vốn sản xuất. 

Năm 2020, thông qua các kênh giảm nghèo từ HTX Tuấn Tú, chị được hỗ trợ giống và phân thuốc để trồng 1 sào măng tây xanh.

Sau hơn 3 năm trồng măng tây, đến nay gia đình chị Số đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ gia đình khá giả ở địa phương.

"Hiện Nay, gia đình đã mở rộng diện tích lên hơn 2 sào (2.000 mét vuông), mỗi ngày cắt bán 18 – 20kg măng tây xanh. Thu nhập đem về nguồn thu 750.000 – 900.000 đồng/ngày…", chị Số phấn khởi nói.

Cũng theo chị Số, măng tây xanh ở Tuấn Tú trồng trên cát nên nước thấm hút nhanh, măng tây phát triển rất tốt. Sản phẩm măng tây xanh ở Tuấn Tú cũng mềm và ngọt hơn nhiều nơi khác, giá trị dinh dưỡng cao nên thị trường rất ưa chuộng.

Có Hợp tác xã này "đỡ đầu", nông dân vùng trồng măng tây xanh lớn nhất Ninh Thuận khá lên trông thấy - Ảnh 5.

Chị Thị Số thành viên HTX Tuấn Tú thoát nghèo nhờ cây măng tây xanh. Ảnh: Đức Cường

Ông Từ Văn Hay, Phó giám đốc HTX Tuấn Tú, cho biết, trước đây thành viên HTX Tuấn Tú đa phần là hộ nghèo khó khăn, nhưng hiện nay HTX đã tăng lên 85 thành viên. Trong tất cả thành viên HTX không có thành viên nào thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua từ 150 – 200kg, thời điểm trúng mùa mỗi ngày thu mua hơn 300kg măng tây xanh của thành viên.

Góp phần xây dựng nông thôn mới Ninh Thuận

Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Tuấn Tú cho biết, nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất của tập thể cán bộ quản lý và các hộ thành viên là tập trung đầu tư sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa cây măng tây xanh phát triển nhanh, bền vững.

Có Hợp tác xã này "đỡ đầu", nông dân vùng trồng măng tây xanh lớn nhất Ninh Thuận khá lên trông thấy - Ảnh 6.

Măng tây xanh được tập kết ở HTX trước khi doanh nghiệp đến thu mua. Ảnh: Đức Cường

Hơn 8 năm qua, HTX Tuấn Tú phát triển diện tích canh tác từ 5 ha của 13 hộ thành viên từ ban đầu nâng lên hơn 55ha với 85 hộ thành viên đồng bào Chăm. 

Các Thành viên đều canh tác măng tây xanh theo hướng VietGap và hữu cơ và áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước.

"Sản lượng và doanh thu từ măng tây của HTX Tuấn Tú tăng dần qua từng năm, năm 2022 sản lượng đạt 62 tấn, doanh thu 3,1 tỷ đồng. Năm 2023, sản lượng 71 tấn, doanh thu 3,6 tỷ đồng. Riêng năm 2024 ước đạt 75 tấn, doanh thu khoảng hơn 4 tỷ đồng…", ông Hùng Ky cho hay.

Theo UBND xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), hiện nay trên địa bàn đã hình thành vùng trồng rau an toàn với diện tích 300 ha. 

Trong đó phát triển được 100 ha măng tây xanh. Riêng HTX Tuấn Tú có 40ha đã được cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất.

Có Hợp tác xã này "đỡ đầu", nông dân vùng trồng măng tây xanh lớn nhất Ninh Thuận khá lên trông thấy - Ảnh 7.

Cây măng tây xanh giờ là cây làm giàu của nông dân HTX Tuấn Tú, xã An Hải huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Đức Cường.

Ông Hồ Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã An Hải huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) cho biết, cây măng tây xanh là cây trồng chủ lực ở địa phương. Riêng ở thôn Tuấn Tú, có 539 hộ với 2.445 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Chăm trồng măng tây xanh trên cát. 

Cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân ở thôn Tuấn Tú khoảng 55 - 60 triệu/người/năm, góp phần xây dựng địa phương đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, HTX Tuấn Tú là HTX tiêu biểu do Hội Nông dân tỉnh vận động thành lập. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đã giúp nhiều hội viên, nông dân phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững.

"Riêng HTX Tuấn Tú, từ năm 2019 đến nay liên tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tuyên dương, khen thưởng vì thành tích xuất sắc…", ông Hùng cho hay.