Bí ẩn giếng cổ trăm năm tự phun trào không bao giờ cạn ở làng Chăm Thành Tín tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận: Bí ẩn giếng cổ trăm năm tự phun trào không bao giờ cạn nước ở làng Chăm Thành Tín
Đức Cường
Thứ tư, ngày 10/08/2022 13:15 PM (GMT+7)
Đến nay chưa ai lý giải được bí ẩn 2 giếng cổ không bao giờ cạn nước ở làng Chăm thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ở nơi sa mạc cát đầy nắng gió, hạn hán nhưng mạch nước ngầm từ 2 giếng cổ vẫn đều đặn phun trào, nguồn nước đã nuôi sống biết bao thế hệ bà con làng Chăm nơi đây.
Một ngày đầy nắng đầu tháng 8/2022, chúng tôi tìm về với làng Chăm ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) để được "mắt thấy tai nghe" về của sự huyền bí của 2 giếng nước cổ trong làng.
Dẫu trời nắng chan chan, nhưng đưa tay chạm vào dòng nước trong giếng cổ trào lên, chúng tôi cảm giác được dòng nước mát lạnh, dễ chịu tức thì...
Giếng cổ tự phun trào trong làng Chăm
Thấy khách phương xa ghé thăm,"già làng" Kiều Trận (77 tuổi) là người Chăm ở thôn Thành Tín cho biết, nhờ 2 giếng cổ này mà bà con làng Chăm Thành Tín bao đời nay luôn ấm no hạnh phúc.
"Nước nước từ lòng đất trào lên miệng giếng, không những là nguồn nước uống hàng ngày cho bà con, mà dòng nước còn tưới mát cho cả ruộng vườn, giúp người dân yên tâm sản xuất...", ông Kiều Trận nói.
Cũng theo "già làng" Kiều Trận, ngay từ lúc còn bé ông đã thấy 2 giếng này và đến nay vẫn thế. Vẫn không ai biết rõ nó có từ bao giờ nhưng đây là địa điểm sinh hoạt chung của cả làng vì nguồn nước ngọt trong sạch, mát lành nên tất cả người lớn đến trẻ em trong làng đều uống nguồn nước này. Thời điểm giữa năm 2018, khi Ninh Thuận đang lúc hạn hán dữ dội nhất, nhưng 2 giếng nước này vẫn không bị cạn...
Các vị lớn tuổi trong làng Chăm Thành Tín cho biết, nước từ giếng phun trào liên tục, tràn ra ngoài, sẽ theo dòng mương, chảy đều đặn ra đồng. Nguồn nước này đủ tưới cho gần 100 ha ruộng vườn của người dân Thành Tín.
Và hàng trăm năm qua, người dân trong làng chưa bao giờ thấy giếng cạn nước. Từ đó đến nay, nhiều người đến đây tìm hiểu nhưng chưa ai lý giải sự bí ẩn, gần sa mạc cát Nam Cương này lại có nguồn nước dâng trào không bao giờ cạn...
Clip: Giếng cổ không bao giờ cạn ở làng Chăm Thành Tín. Thực hiện: Đức Cường
Theo quan sát của chúng tôi, 2 giếng được đào cách nhau hơn khoảng 20m. Giếng phía mặt trời mọc gọi là giếng Cái (pingung Dố); giếng phía mặt trời lặn gọi là giếng Đực (pingung Ngo).
Nhìn 2 miệng giếng được quây hình vuông đã nhuốm màu thời gian, chúng tôi không khỏi giật mình bởi vừa nhìn đã thấy đáy nhưng nguồn nước vẫn tuôn trào thành dòng, soi bóng mát dịu giữa trưa hè.
Thành giếng cao hơn 1 mét, được lắp ghép bằng gỗ cóc đá (Gandak), mỗi bề rộng 1,5m và được ghép kín ba mặt theo các hướng Đông-Tây- Nam, mặt giếng phía Bắc chừa trống để tiện việc lấy nước của người dân.
Theo các vị lớn tuổi trong làng Chăm Thành Tín, giếng Đực chỉ phục vụ cho tắm giặt và giếng Cái được sử dụng vào việc ăn uống. Đến nay, quy định này vẫn được người dân địa phương tôn trọng và tuân thủ...
Đứng từ miệng giếng cổ chỉ tay về cánh đồng lúa đang độ đơm bông, anh Châu Thành Nông (50 tuổi) cho biết, nước từ miệng giếng cứ phun trào lên hằng trăm năm nay. Nguồn nước này như "đặc ân" của tạo hóa ban cho dân làng Chăm Thành Tín. Và để tận dụng "đặc ân" đó dân làng đã đào một con mương nhỏ dẫn nguồn nước chảy thẳng ra cánh đồng cách đó chừng trăm mét để tươi mát mùa màng.
"Khi nước giếng dâng đầy tự động chảy tràn ra mương nhỏ cho nhân dân tắm giặt, phục vụ sản xuất ở cánh đồng rộng lớn mà người dân quen gọi bằng tiếng chăm là Dja Pingung. Trong đó, người nhà tôi cũng bao đời hưởng lợi từ nguồn nước từ 2 giếng cổ này…", anh Nông cho hay.
Giếng cổ và nguồn nước liêng thiêng của làng Chăm Thành Tín
Hiện nay, khu vực 2 giếng cổ ở làng Chăm Thành Tín dẫu không còn nhộn nhịp như những năm trước đó vì giờ đây hệ thống nước sạch phủ kín đến đường làng ngõ xóm. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vị "khách quen" ngày ngày tắm giặt để tận hưởng dòng nước mát tự nhiên.
Chị Châu Thị Mộng Cầm, một trong những "khách quen" của giếng cổ vẫn đều đặn mỗi ngày đến giếng cổ để tắm giặt, những thanh niên trai tráng hay những cháu nhỏ người Chăm vẫn tắm mát sau buổi chiều hoàng hôn.
"Ở nhà vẫn có nước máy nhưng tôi lại thích ra giếng tắm giặt vì nước giếng rất trong lành, mát rượi hoàn toàn tự nhiên nên rất an toàn...", chị Cầm cười nói.
Theo lời các vị lớn tuổi ở làng Chăm Thành Tín, mạch nước của 2 giếng cổ vẫn được xem là trong lành, linh thiêng nhất. Cho nên, khi làng có lễ, cúng tế, người làng đều sử dụng nước từ giếng cổ này như một cách để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền bối lập làng, xây giếng.
Để bảo vệ và duy trì giếng cổ, bà con làng Chăm Thành Tín đã 2 lần tiến hành tu bổ lại 2 giếng cổ nói trên và lần gần nhất là vào năm 2005.
Hiện nay, trên thanh gỗ trên thành giếng vẫn còn dòng chữ tiếng Chăm "Bảo vệ di sản giếng cổ làng" nhằm nhắc nhở con cháu gìn giữ nguồn nước quý báu của cha ông và phục vụ du khách tham quan tìm hiểu văn hóa Chăm.
Vào dịp tháng tư Chăm lịch hằng năm, người dân làng Chăm Thành Tín lại tổ chức lễ cúng giếng cổ để tri ân tổ tiên, giúp dân làng có cuộc sống ấm no, sum vầy từ bao đời qua.
Làng Chăm Thành Tín là thôn đồng bào dân tộc Chăm sinh sống với dân số trên 6.000 nhân khẩu chủ yếu theo đạo Bà Ni.
Thành Tín nằm ở phía Nam của xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), toàn thôn có khoảng 270 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó ngoài cây lúa, người Chăm địa phương đã bắt chuyển đổi sang trồng các lại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: Nho, táo, các loại rau quả, đặc biệt là măng tây xanh…
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế. Thông qua HTX, đến nay Thành Tín có cánh đồng lớn trồng măng tây xanh hơn 20ha với hàng chục nông hộ tham gia.
Bên cạnh việc phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, đồng bào Chăm nơi đây còn tích cực tham gia các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, quy ước của thôn, đơn giản hóa việc tang lễ, lễ hội; bảo đảm an ninh, trật tự; làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp… Hiện nay, đa phần các tuyến đường nội thôn được bê-tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.