Clip: Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng- chị Hoàng Thị Gái chia sẻ về "Cánh đồng công nghệ" của HTX. Thực hiện: Thu Thuỷ
Từng là Nông dân Việt Nam xuất sắc
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa - chị Hoàng Thị Gái, đã từng được Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam trao tặng Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Chị cũng được công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi…
Trải qua những cố gắng không ngừng, từ một đại lý thu mua, xay xát lúa gạo phân phối khắp các miền Nam, Bắc (những năm 1992).
Giám đốc HTX - Hoàng Thị Gái xắn tay vào trồng lúa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ngay tại quê hương, đưa sản phẩm lúa gạo làng Mân chưng cất thành rượu mang thương hiệu rượu Hoàng Quân. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được phân phối tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Từ 1 tổ dịch vụ sản xuất còn nhẻ lẻ, năm 2017 chị Gái đã vận động thành lập lên HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (HTX An Hòa) gồm 9 thành viên, với số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng do các thành viên trong HTX tự đóng góp.
Để giải quyết bài toán nông dân bỏ ruộng để không mọc cỏ, HTX đã mạnh dạn, tiên phong đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, triển khai xây dựng sản xuất trên cánh đồng tập trung, cánh đồng mẫu lớn.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô trên 100ha, sản xuất thành công lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, năng suất 8 tấn/ha, sản lượng đạt 800 tấn/vụ.
Hiệu quả sản xuất 70 triệu/ha/năm gấp 3-5 lần so với trồng lúa thông thường. Tổng doanh thu của HTX đạt 7,6 tỷ/ năm, trừ mọi chi phí thu lãi trên 700 triệu/ năm.
Chia sẻ cùng PV báo Dân Việt chị Hoàng Thị Gái cho biết, năm 2014, chị đã vân động thành lập tổ dịch vụ liên kết thực hiện cơ giới hóa đồng bộ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 364 thành viên.
Tiến hành đầu tư 6 loại máy cơ giới liên hoàn máy cày, máy cấy, máy gặt… với tổng số tiền đầu tư trên 1,8 tỷ đồng, toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch.
Gần đây, HTX đã tiến đến sử dụng một số thiết bị máy nông nghiệp tự động như, máy cấy, máy gặt, máy làm đất tự lái, máy bón phân, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái….tiết kiệm được thời gian, nhân công và nhiều chi phí khác.
Trên những diện tích trồng lúa chân ruộng cao, HTX áp dụng biện pháp luân canh tăng vụ trồng cây đậu tương rau có liên kết tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.
"Cây đậu tương rau thích nghi khá tốt với vùng đất tại địa phương, không tốn chi phí phân bón nhiều. Rễ của cây đậu tương rau có tác dụng cải tạo đất rất tốt, làm cho đất được tơi xốp hơn, hạn chế sâu bệnh khi chuyển sang trồng lúa.
Riêng quả của cây đậu tương rau thu hoạch luôn có đầu ra ổn định. Cứ trung bình 1kg đậu tương rau có giá 10 -15 nghìn đồng, trừ mọi chi phí, thu lãi từ 25 – 35 triệu đồng/ ha/vụ, hiệu quả cao hơn 2 - 3 lần cấy lúa" – chị Hoàng Thị Gái phấn khởi nói.
Đến nay, HTX đã tích tụ được 70ha – 100ha, giá trị thu được 65-85 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí lãi thuần đạt 25 – 35 triệu đồng/ha/vụ. Cây đậu tương rau canh tác theo quy trình an toàn thân thiện với môi trường.
Tinh túy rượu nếp mân Hoàng Quân OCOP 3 sao
Từ nguyên liệu chính là hạt gạo nếp được trồng trên cánh đồng làng Mân ở thôn Kênh Hữu, xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo,TP Hải Phòng) - vùng này nổi tiếng nhất của huyện Vĩnh Bảo từ thời xa xưa. Người dân chuyên cấy giống lúa nếp cái hoa vàng cho chất lượng hạt gạo mẩy, dẻo, thơm ngon.
Clip: Cận cảnh quy trình sản xuất rượu mang thương hiệu Hoàng Quân của HTX An Hoà, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Thực hiện: Thu Thuỷ
Hình ảnh gạo nếp Mân được nấu chín đem trộn với men thuốc bắc, ủ lên men rồi đem chưng cất thành rượu. Ảnh: Thu Thuỷ.
Gạo nếp Mân được nấu thành cơm đem ủ với men thuốc bắc, chưng cất 2 lần. Rượu sau khi được chưng cất được đem đi hạ thổ theo phương thức truyền thống. Sau 8 tháng -1 năm sẽ được xử lý qua máy khử độc tố để đóng chai.
Một năm, HTX sản xuất với sản lượng đạt 30.000 lít, sản phẩm rượu nếp mân Hoàng Quân được phân phối tại Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, TP HCM, trên các hệ thống siêu thị, nhà hàng và các sàn giao dịch như postmart, tiki, lazada…mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho HTX.
Hiện có 3 sản phẩm, nếp cái hoa vàng hạ thổ, nếp cái ngâm củ đinh lăng và nếp cái ngâm củ ba kích công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lần 1 năm 2019, lần 2 năm 2022.
Sản phẩm rượu nếp Hoàng Quân là sản phẩm rượu đầu tiên được được thành phố Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cấp chứng nhận tiêu chuẩn, đăng ký thương hiệu độc quyền.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 09 lao động và trên 50 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 6,5 - 7,5 triệu đồng /người/tháng, có đóng bảo hiểm xã hội. Hàng năm, HTX tổng hợp kết quả hoạt động kinh doanh, chia lợi tức cho các thành viên dựa trên phần trăm vốn vào HTX.
Trao đổi cùng PV báo Dân Việt, ông Trần Quang Tường - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hải Phòng cho biết, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa là một trong những HTX vừa có sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp tiêu biểu của thành phố Hải Phòng.
Rượu chưng cất được đem ngâm với củ ba kích và củ đinh lăng. Ảnh: Thu Thuỷ.
HTX An Hòa sản xuất đưa ra thị trường 30.000 lít/ năm. Ảnh: Thu Thuỷ.
Việc sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng ruộng bằng máy móc hiện đại của HTX An Hòa - người đứng đầu là bà Hoàng Thị Gái đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp trên toàn thành phố.
Mô hình trồng lúa công nghệ cao, sản xuất rượu đặc sản truyền thống của HTX An Hòa đã thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tốt, an toàn chất lượng cao theo hướng hiện đại.
Được biết, HTX An Hòa, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) là đơn vị nhiều năm liền được được các cấp, ngành trung ương và địa phương tặng Bằng khen có thành tích đặc biệt xuất sắc về phát triển hợp tác xã, luôn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên. Hằng năm ủng hộ kinh phí cho các hoạt động nhân đạo từ thiện tại địa phương 10 – 20 triệu đồng.