Dân Việt

Giải pháp nào hạn chế tai nạn giao thông làm chết người trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận?

Bùi Phụ 30/09/2024 17:17 GMT+7
Thời gian gần đây, xảy ra những vụ tai nạn giao thông(TNGT) làm chết người trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết khiến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cảm thấy bất an, nhất là vào ban đêm. Trước tình hình này, Ban ATGT tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị "khẩn" lên các cơ quan chức năng.

Ngày 30/9, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở GTVT- Phó Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa ký văn bản kiến nghị lên Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an và các cơ quan chức năng liên quan sớm giải quyết, khắc phục những bất cập, bảo đảm ATGT trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Giải pháp nào để hạn chế tai nạn giao thông chết người trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết? - Ảnh 1.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận. Ảnh: DP

16 vụ TNGT làm chết 10 người

Theo Ban ATGT tỉnh Bình Thuận, qua thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, trên hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bản tỉnh Bình Thuận đã xảy 16 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10 người, bị thương 8 người.

Trong đó, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra 13 vụ, làm chết 9 người, làm bị thương 8 người. Còn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra 3 vụ, làm 1 người chết, không có người bị thương.

Riêng từ ngày 18 đến 24/9, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT rất nghiêm trọng liên quan đến xe khách đâm vào đuôi ô tô phía trước cùng chiều, làm chết 3 người và bị thương 13 người.

"Nhằm hỗ trợ, giúp tỉnh Bình Thuận khắc phục những tồn tại trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh, Ban An toàn giao thông Bình Thuận kính đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an chỉ đạo, kiến nghị giải quyết, khắc phục những bất cập và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây", văn bản nêu.

Giải pháp nào để hạn chế tai nạn giao thông chết người trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết? - Ảnh 2.

Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết làm 2 người chết, 10 người bị thương, ngày 19/9. Ảnh: DP

Ban ATGT tỉnh Bình Thuận đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo đơn vị bảo trì và cơ quan liên quan khẩn trương đưa vào hoạt động hệ thống đèn chiếu sáng tại các nút giao và hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Ba Bàu (đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cầu vượt).

Bên cạnh đó đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng cầu vượt trên đường Quốc lộ 1 tại nút giao đường dẫn vào cao tốc với Quốc lộ 1 (Km 1717+593).

Ban Quản lý dự án 7 khẩn trương kiểm tra, rà soát, sửa chữa khắc phục, hoàn thiện các công trình hạ tầng cao tốc, hàng rào bảo vệ đường bộ cao tốc bị ngã đổ và các hạng mục phát sinh trên địa bàn các huyện.

Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các Ban Quản lý dự án phối hợp với các địa phương di dời, hạ ngầm các đường điện Trung thế, hạ thế và viễn thông đang treo tạm trên đường cao tốc.

Đặc biệt là theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 7 phối hợp đẩy nhanh tiến độ GPMB và xây dựng các Trạm dừng nghỉ trên 2 tuyến cao tốc.

Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo sớm triển khai dự án xây dựng hệ thống Camera giám sát giao thông, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên 2 tuyến cao tốc theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 19/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính".

Song song đó, Bình Thuận cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn quản lý bắt buộc trang bị theo phương tiện biển báo hiệu nguy hiểm (biển số W.247 QCVN41:2019/BGTVT) để cảnh báo khi dừng, đỗ xe...

Thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe của đơn vị mình qua camera hành trình, thiết bị giám sát hành trình và các biện pháp khác; chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục, có biểu hiện mất tập trung, buồn ngủ,… trong quá trình lái xe.

Tỉnh Bình Thuận cũng đề Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng ô tô dừng, đỗ chiếm phần đường xe chạy nhưng không đặt biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm ở phía sau xe theo quy định (biển số W.247 QCVN41:2019/BGTVT).

CSGT kịp thời yêu cầu cẩu kéo, giải tỏa các ô tô hư hỏng, bị sự cố dừng, đỗ dọc đường đến vị trí an toàn trên cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Đặc biệt, phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời với Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận khi xảy ra các sự cố giao thông, các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ rất nghiêm trọng trở lên để phối hợp giải quyết, khắc phục nhanh chóng, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sau hơn một năm đưa vào khai thác, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) với chiều dài 101 km đã phát huy hiệu quả kinh tế nhưng lại bộc lộ những bất cập nên liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương, nhất là ban đêm.

Theo Bộ GTVT, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chính thức đưa vào khai thác, vận hành từ tháng 5/2023 với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 đưa vào vận hành với 4 làn lưu thông 2 chiều và không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ chạy xe tối đa trên tuyến là 90 km/h. Nhiều tài xế nhe tải cho biết, chính vì không có làn dừng khẩn cấp, đường hẹp nên thời gian qua, trên tuyến cao tốc này đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, nhất là vào ban đêm và hậu quả là nhiều người chết như trên.

Anh Phạm Phú Tài (TP.HCM), là tài xế xe tải thường chạy đường dài đêm trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, ban đêm điều khiển xe trên cao tốc này phải hết sức tập trung.

Theo anh Tài, do tuyến này thiếu đèn đường và không có làn dừng khẩn cấp nên nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Ban đêm và đường hẹp, nếu có đèn pha xe bên làn ngược chiều làm lóa mắt và chỉ cần tài xế lơ là trong chớp nhoáng là TNGT xảy ra.

"Chúng tôi đề nghị các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu lại và sớm xây dựng thêm những điểm dừng khẩn cấp cho các xe có sự cố đậu vào cho an toàn. Thực tế vừa qua, ở những làn dừng khẩn cấp hiện có trên cao tốc làn đường hẹp, nếu xe dưới 9 chỗ trở xuống nhỏ gọn thì không sao nhưng xe tải cỡ lớn, xe khách… nếu đỗ tại làn này rất nguy hiểm. Thực tế là xe lớn đậu vào những làn khẩn cấp này, một phần thân xe con nhô ra làn đường có xe khác đang lưu thông nên rất dễ xảy ra nguy cơ va chạm...", tài xế Phạm Phú Tài nói.

Còn anh Trần Quang Tịnh(Ninh Thuận), là tài xế chuyên chạy xe khách giường nằm tuyến TP. HCM – Khánh Hòa, thường lưu thông trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, đường cao tốc không có đèn đường nên trời tối, tầm quan sát của tài xế bị hạn chế nhiều nên nguy cơ dễ xảy ra TNGT...

Nhiều tài xế dẫn chứng, trong vụ TNGT nghiêm trọng giữa 2 xe khách trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ngày 19/9, xe khách đi trước bị hỏng máy, buộc tài xế phải dừng giữa làn đường đang lưu thông dù chỉ cách điểm dừng khẩn cấp khoảng 1km.

Tài xế và nhiều hành khách đã đặt các cành cây, vật dụng phía sau xe để báo hiệu nhưng do trời tối, thiếu ánh sáng nên tài xế xe khách chạy sau không phát hiện chướng ngại vật phía trước nên không xử lý kịp và TNGT xảy ra khiến 2 người tử vong rất đau lòng...

Giải pháp nào để hạn chế tai nạn giao thông chết người trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết? - Ảnh 3.

Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết làm 2 người chết, 10 người bị thương, ngày 19/9. Ảnh: DP

Bên cạnh đó, suốt đoạn tuyến cao tốc này chưa có trạm dừng nghỉ chính thức nên các xe đường dài, hành khách trên tuyến đường theo hướng Bắc - Nam phải chạy về điểm dừng nghỉ duy nhất cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để tạm nghỉ.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Bình Thuận, thống kê dữ liệu và kết quả điều tra các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc với lỗi chủ yếu do không giữ khoảng cách và thiếu chú ý quan sát, đặc biệt là vào ban đêm. Các vụ tai nạn đều gây thiệt hại về người và liên quan đến xe khách, xe đầu kéo. Thời gian xảy ra tai nạn vào các khung giờ khoảng 23 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau.

UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh triển khai các trạm dừng nghỉ, lắp hệ thống camera giám sát giao thông... Đồng thời, sớm đầu tư làn đường khẩn cấp liên tục hai bên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết góp phần kéo giảm TNGT.