Bình Thuận: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ
Bình Thuận: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, dịch vụ bảo vệ
Bùi Phụ - Ngọc Thanh
Thứ tư, ngày 18/09/2024 09:42 AM (GMT+7)
Ngày 17/9, Công an tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ công bố, ra mắt mô hình ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ.
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, Tổ công tác thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) đã làm việc tích cực để chuẩn bị cho lễ công bố, ra mắt mô hình ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian vừa qua, lực lượng Công an các cấp và các ngành có liên quan đã tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ trên địa bàn. Tuy nhiên, qua thực tiễn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, sơ hở thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hoạt động phạm tội, hành vi vi phạm pháp luật.
Để giải quyết những bất cập, hạn chế, Bộ Công an đã triển khai kết nối chia sẻ thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu của 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, thông tin công dân luôn được bảo mật, được cập nhật liên tục, đồng bộ và xác thực đúng thông tin với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, mô hình ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Mô hình không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ và quyền lợi của người dân trong thực hiện các giao dịch. Mô hình được áp dụng đến tất cả các cơ sở cầm đồ, dịch vụ bảo vệ trên địa bàn toàn tỉnh thuộc thẩm quyền Công an tỉnh, Công an cấp huyện và Công an cấp xã quản lý. Thời gian bắt đầu thực hiện mô hình từ ngày 17/9/2024.
Tại buổi lễ, đại diện VNPT Bình Thuận đã giới thiệu quá trình ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, dịch vụ bảo vệ của phần mềm VNPT IDCheck.
Theo đó, VNPT IDCheck là dịch vụ nền tảng cho phép xác thực thông tin CCCD gắn chíp là thật giả dựa vào kết nối với hệ thống xác thực của Bộ công an và cho phép xác thực thông tin chính chủ giấy tờ bằng việc sử dụng công nghệ AI. VNPT IDCheck giúp xác thực thông tin thật giả căn cước công dân gắn chip đảm bảo độ chính xác 100%; xác thực thông tin thật giả giấy tờ và công nghệ AI để so khớp khuôn mặt chủ giấy tờ nhằm xác minh giấy tờ là chính chủ.
Tại buổi lễ, Đại tá Đinh Kim Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện mô hình chỉ là bước đầu, vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm đáp ứng mục đích cuối cùng là phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, xã hội.
Phó Giám đốc Công an tỉnh giao phòng PC06, Công an các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với VNPT hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ bảo vệ trên địa bàn các tiện ích của ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động kinh doanh.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở sử dụng phần mềm đạt hiệu quả. Cùng với đó, phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ bảo vệ kịp thời hỗ trợ xử lý thông tin, xác minh những trường hợp nghi vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện...
Triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận
Trên cơ sở các nội dung được hướng dẫn tại buổi lễ công bố, ra mắt mô hình, chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả mô hình tại các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ trên địa bàn trong năm 2024… Công an Bình Thuận yêu cầu Công an cấp huyện phối hợp các đơn vị liên quan và các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ bố trí hạ tầng, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị và hướng dẫn quy trình nghiệp vụ theo đúng quy định khi triển khai mô hình tại địa phương.
Bên cạnh đó, Công an cấp huyện phối hợp các đơn vị liên quan và các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ thực hiện nghiêm túc nội dung của Kế hoạch này; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, đánh giá, tập hợp tiến độ triển khai, kết quả thực hiện mô hình tại địa phương.
Phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ đóng trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ xử lý 5 thông tin, xác minh thông tin những trường hợp nghi vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện mô hình.
Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về Cơ quan thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tỉnh (qua phòng CSQLHC về TTXH Công an tỉnh) để phối hợp các đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời; đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chức năng của phần mềm cho phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện.
Bố trí kinh phí theo quy định để đảm bảo việc triển khai mô hình tại các các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ trên địa bàn. 2. Công an tỉnh, VNPT tỉnh - Phân công cán bộ tham gia theo dõi, đánh giá, đôn đốc kết quả thực hiện của các địa phương, các các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ, đối chiếu, đánh giá hiệu quả triển khai mô hình.
Báo cáo Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ kết quả thực hiện, đề nghị hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình tại địa phương.
Tham gia cùng các thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, cấp huyện để kiểm tra kết quả thực hiện của các cơ sở trên địa bàn tỉnh. 3. Các cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ - Niêm yết các quy định thủ tục dịch vụ cầm đồ, dịch vụ bảo vệ và các thông tin hướng dẫn, tuyên truyền do cơ quan Công an cung cấp.
Bố trí nhân sự thực hiện triển khai sử dụng phần mềm tại cơ sở do mình quản lý. Chọn cử cán bộ, nhân viên là đầu mối liên hệ trực tiếp lực lượng Công an trong việc hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thao tác thực hiện phần mềm, kết nối đường truyền hoặc kiến nghị, đề xuất những vấn đề phát sinh qua thực tế thực hiện (trao đổi về Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, qua ông Nguyễn Khắc Nguyên, cán bộ phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an tỉnh Bình Thuận, SĐT: 0938487214) hoặc VNPT Bình Thuận (ông Võ Duy Cường, SĐT: 0914742086).
Công an cấp huyện chủ động bố trí trang thiết bị trong quá trình triển khai thuộc phạm vi, trách nhiệm được giao theo kế hoạch này. Phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở đóng chân kịp thời cung cấp thông tin, đặc biệt đối với các trường hợp nghi vấn liên quan an ninh trật tự.
Tổ chức thực hiện căn cứ nội dung Kế hoạch này, các sở, ngành có liên quan, Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công.
Định kỳ trước ngày 10 hàng tháng, các sở, ngành có liên quan, Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện mô hình lồng ghép trong báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 về Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh (qua phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh) trước ngày 10 hàng tháng để tập hợp, theo dõi, báo cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.