Theo báo cáo ngành hàng lúa gạo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ngày 28/9/2024, Ấn Độ chính thức bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Việc này sẽ thúc đẩy nguồn cung gạo thế giới thêm dồi dào.
Theo một văn bản do SSRicenews cung cấp, ông Santosh Kumar Sarangi, Tổng Giám đốc Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, ngày 28/9/2024, ký quyết định bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basamati. Tuy nhiên, kèm theo điều kiện áp giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Đáng chú ý, một ngày trước đó, chính phủ Ấn độ cũng giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống còn 10% với gạo basmati.
"Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basamati của Ấn Độ được đưa ra từ tháng 7/2023. Từ thời điểm đó, giá gạo thế giới lên cơn sốt kéo dài đến hiện nay, do đó, việc Ấn Độ xuất khẩu trở lại sẽ giúp nguồn cung dồi dào và thị trường hạ nhiệt trong thời gian tới", bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định.
Tính tới ngày 1/9/2024, lượng gạo dự trữ tại Tổng công ty Lương thực Ấn Độ đạt 32,3 triệu tấn, cao hơn 38,6% so với năm ngoái. Đây là nguyên nhân khiến chính phủ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, nước này cũng đang trong vụ thu hoạch vụ lúa lớn nhất trong năm.
Theo Reuters, việc Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati sẽ thúc đẩy nguồn cung toàn cầu buộc các nước xuất khẩu gạo chính như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá để cạnh tranh.
Còn theo tờ Bangkok Post, trong một hội nghị vào giữa tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ gặp khó khăn trong những tháng cuối năm vì Ấn Độ bỏ các hạn chế xuất khẩu. Khó khăn có thể sẽ kéo dài trong năm 2025 khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm xuống còn từ 7 - 7,5 triệu tấn. Thực tế, giá gạo 5% tấm đầu tháng 9 của Thái Lan là 598 USD/tấn, sau đó giảm 28 USD xuống 570 USD/tấn vào cuối tháng.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ông Suchart Chomklin khuyến cáo: Các doanh nghiệp cần thúc đẩy thị trường gạo trong nước và tăng cường sự tin tưởng giữa các đối tác thương mại về các chính sách của Thái Lan đối với việc phát triển gạo và các sản phẩm từ gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu gạo, cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 557 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan là 540 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ khi quay lại đường đua chốt ở mức 491 USD/tấn.
Vừa qua, Việt Nam tiếp tục trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia. Cụ thể, trong đợt mở thầu gạo tháng 9/2024 của Indonesia với số lượng nhiều kỷ lục 450.000 tấn, Việt Nam trúng thầu 2 lô với số lượng gần 60.000 tấn. Đây là số lượng trúng thầu ít nhất so với những lần mở thầu trước của Indonesia, do Việt Nam không còn nhiều gạo để xuất khẩu.
Đợt mở thầu tháng 9 của Indonesia được chia thành 15 lô. Trong lần này, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự; chỉ có Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Công ty King Green. Kết quả Công ty King Green trúng thầu 2 lô với số lượng gần 60.000 tấn, giá trúng thầu là 548 USD/tấn (giá C&F - giao hàng tại cảng của Indonesia). Mức giá thấp nhất trong đợt mở thầu này thuộc về một doanh nghiệp Myanmar với giá 547 USD/tấn.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Ấn Độ quay lại đường đua xuất khẩu gạo có thể khiến thị trường gạo những tháng cuối năm khó khởi sắc hơn khi có thêm cạnh tranh.