Liên kết để phát triển
Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó (thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), con bò giúp anh em Cát có tiền học hành đầy đủ, rồi tiền lấy vợ, làm nhà.
Sau gần 10 năm ở tỉnh Đồng Nai làm kinh tế, năm 2019, anh Cát quyết định về quê khởi nghiệp với con bò qua việc xây dựng chuỗi liên kết với bà con ở các thôn bản và doanh nghiệp ở thành phố lớn.
Những năm tháng sinh sống lập nghiệp từ mô hình nuôi chim bồ câu theo chuỗi giá trị hàng hóa, nhưng sau đại dịch bệnh Covid-19 đã làm kinh tế gia đình anh Thượng Thái Cát thiệt hại lớn.
Những kinh nghiệm ấy đã giúp anh Thượng Thái Cát học được cách kinh doanh theo chuỗi giá trị để áp dụng vào việc nuôi và kết nối tiêu thụ sản phẩm bò. Thế nhưng, ngay từ những vụ buôn bò đầu tiên, Cát đã thua lỗ.
Hợp tác xã Cát Lý được thành lập từ tháng 3/2022 với mục tiêu hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để tạo chuỗi liên kết sản xuất với người dân thành chuỗi giá trị mang lại lợi ích đôi bên, vừa đảm bảo đầu ra, vừa gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, một trong những đơn vị tiên phong thực hiện liên kết với các hộ dân để sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi giá trị hàng hóa, đặc biệt là chăn nuôi giống bò vàng ở Hà Giang.
HTX Cát Lý đã thực hiện các chương trình tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các phương pháp nuôi dưỡng hiện đại, kết hợp với những kinh nghiệm truyền thống để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Một trong những điểm nhấn của HTX là việc phát triển quy trình chăn nuôi bò Vàng theo hướng hữu cơ. Nông dân được khuyến khích sử dụng thức ăn tự nhiên, hạn chế tối đa hóa chất và kháng sinh, nhằm sản xuất ra thịt bò sạch và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với PV Báo Dân việt, anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý chia sẻ: Ngay sau khi thành lập, HTX đã liên kết với hơn 100 hộ dân để chăn nuôi giống bò vàng Hà Giang.
HTX Cát Lý đã thành lập các tổ hợp tác, mỗi tổ có từ 5-10 hộ, những hộ có đủ nhân lực, diện tích trồng cỏ. Theo hình thức đầu tư có thu hồi, HTX giao bò cho các hộ gia đình, số bò này được kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng, đang trong giai đoạn phát triển tốt.
Hết chu kỳ nuôi nhốt 3 tháng, HTX thu lại bò, trừ trọng lượng ban đầu, toàn bộ số kg tăng thêm của bò, người dân sẽ được hưởng với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg.
"Bò vàng Hà Giang có sức đề kháng tốt, nguồn gen rất quý, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon, có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm thịt bò khác trên thị trường. Với mục tiêu bảo tồn và nâng cao giá trị bò vàng Hà Giang, HTX đã tuyên truyền, vận động bà con liên kết chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình. Ngoài đầu tư có thu hồi, những người dân có sẵn bò, HTX sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để bò đạt chất lượng tốt nhất và thu mua sản phẩm", anh Cát cho biết thêm.
HTX cũng tiến hành tập huấn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, cách phòng ngừa và điều trị bệnh thường gặp trên đàn bò cho người dân, liên kết với cán bộ thú y xã để hướng dẫn chăm sóc đàn bò. Hiện nay, HTX đã liên kết với 457 hộ dân tại các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì… với tổng số đàn là 1.538 con bò vàng.
Xây dựng thương hiệu bò vàng Hà Giang
Trên thực tế, với đa số người nông dân, chăn nuôi bò là ngành nghề chính, gắn bó lâu đời, song lại chưa coi trọng trở thành sản phẩm hàng hóa dẫn đến chất lượng khi cung ứng ra thị trường chưa cao, giá thành chưa đạt như mong muốn.
Cũng theo anh Cát, tiềm năng mở rộng tổng đàn trong dân là rất lớn bởi các hộ dân ở Hà Giang có truyền thống nuôi bò từ lâu đời. Thế nhưng cũng có nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi vì ở vùng cao, người dân nuôi bò, coi như một cách tiết kiệm tiền chứ chưa hẳn nuôi để thành sản phẩm hàng hóa và làm giàu.
Do đó, thường người dân chỉ bán con bò vàng khi nhà cần đến tiền hoặc con bò có vấn đề về sức khỏe. Như vậy sẽ có ba vấn đề lớn gặp phải. Thứ nhất là con bò giai đoạn ngon nhất, có chất lượng dinh dưỡng cao nhất là ở độ tuổi từ 3 đến 4 năm tuổi nếu quá sẽ già và thịt không đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, nếu con bò bị bệnh dân mới bán chắc chắn sẽ không đảm bảo được chất lượng. Thứ ba là khi dân cần tiền mới bán sẽ bị thương lái ép giá, vì họ biết người dân đang cần tiền nên muốn bán, trong khi đó người dân ở các bản làng vùng cao phần lớn đều thật thà, chất phác.
Thương hiệu bò vàng Hà Giang đã trở thành biểu tượng của chất lượng và độ tin cậy. HTX Cát Lý không chỉ chú trọng đến sản phẩm mà còn đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu, từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến chế biến. Các sản phẩm thịt bò của HTX được chứng nhận an toàn thực phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng.
Ngoài ra, HTX còn triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu, tham gia các hội chợ, triển lãm và các sự kiện ẩm thực để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
HTX Cát Lý không chỉ dừng lại ở việc sản xuất mà còn xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả. Bằng cách hợp tác với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và nhà hàng, HTX đảm bảo sản phẩm bò vàng Hà Giang đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Thông qua các kênh phân phối này, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong địa bàn tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường cả nước, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Tương lai bền vững
Với tầm nhìn dài hạn, HTX Cát Lý không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc phát triển thương hiệu bò vàng Hà Giang không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho cộng đồng.
Theo Giám đốc HTX Cát Lý, Thượng Thái Cát thì trong những năm tới, HTX Cát Lý sẽ hướng đến mục tiêu tổng đàn bò của HTX liên kết với các hộ dân là 10.000 con, mở rộng liên kết với người dân 4 huyện vùng cao. Những con bò trong chuỗi liên kết đều được bình tuyển và đảm bảo là bò vàng thuần chủng, có số ghi chép phân loại lứa tuổi, chăn nuôi theo quy chuẩn, số hóa đàn bò, minh bạch trong truy suất nguồn gốc. HTX cũng đã xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm từ thịt bò, xây dựng nhà hàng vừa để bày bán sản phẩm, vừa là điểm dừng chân khi khách đến tham quan du lịch tại xã Thuận Hòa.
HTX Cát Lý dự kiến sẽ triển khai thêm nhiều dự án hỗ trợ nông dân, đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hợp tác xã Cát Lý với nỗ lực không ngừng nghỉ, đã chứng minh rằng liên kết giữa nông dân và các tổ chức có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người tiêu dùng. Thương hiệu bò Vàng Hà Giang không chỉ đơn thuần là một sản phẩm, mà còn là niềm tự hào của người nông dân nơi biên cương Tổ quốc.