Phát lộ một hiện vật cổ lớn nhất Đông Nam Á khi đào khảo cổ ở nơi này của Lâm Đồng

Lương Nguyên Minh (Cổng TTĐT huyện Cát Tiên) Thứ năm, ngày 03/10/2024 11:12 AM (GMT+7)
Di tích khảo cổ Cát Tiên là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô rất rộng lớn, trải dài khoảng 15km theo tả ngạn sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).
Bình luận 0

Ngày 31 tháng 12 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong đợt này có 14 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Tính đến thời điểm hiện nay, trên cả nước đã có 62 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích khảo cổ Cát Tiên là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô rất rộng lớn, trải dài khoảng 15km theo tả ngạn sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn (huyện Cát Tiên - tỉnh Lâm Đồng). 

Kết quả khai quật khảo cổ (từ năm 1994 - 2006) nhiều phế tích kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, đường đá cổ,… đã được phát lộ. 

Các kiến trúc ở đây có quy mô lớn nhỏ khác nhau tùy vào công năng, có bình đồ vuông hoặc hình chữ nhật, cửa chính quay về hướng Đông. Quá trình khai quật đã tìm thấy hơn 1000 hiện vật gồm nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm,… phong phú về loại hình như: ngẫu tượng Linga - Yoni, tượng thần Ganesa, thần Uma, nhẫn, hạt chuỗi, các lá vàng dập nổi hình của các vị thần, các linh vật Balamon giáo. 

Qua loại hình kiến trúc, hiện vật tìm được cho thấy đây là một thánh địa tôn giáo ảnh hưởng Ấn Độ giáo và là dấu tích của một nền văn hóa đặc sắc trong quá khứ.

Giá trị lịch sử văn hóa

img

Lá vàng dập nổi hình Nữ thần, hiện vật cổ phát hiện khi tiến hành khai quật khảo cổ ở di chỉ khảo cổ Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng).

Di tích khảo cổ Cát Tiên là một phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ và Tây Nguyên. 

Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy, văn hóa Cát Tiên có quá trình phát triển khá dài: Giai đoạn sớm vào khoảng thế kỷ thứ IV - VI và giai đoạn muộn có niên đại thế kỷ VII - X sau công nguyên. 

Đặc biệt quá trình phát triển của văn hóa Cát Tiên có mối quan hệ gần gũi với văn hóa Champa ở Nam Trung Bộ và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo của đồng bằng Nam bộ Việt Nam. 

Theo ý kiến của cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong hội thảo khoa học Di tích khảo cổ Cát Tiên, (tháng 3 năm 2001) đã kết luận: “ Di tích này có nhiều yếu tố bản địa độc đáo (nội sinh) đồng thời cũng có nhiều yếu tố bên ngoài (ngoại sinh - exogenous). 

Các yếu tố ngoại sinh đã thấy từ phía Tây Nam là Chân Lạp và từ phía Đông Bắc là Champa, bao gồm cả về văn hóa hữu thể và vô thể. Có thể những yếu tố văn hóa hữu thể hơi nghiêng về Chân Lạp còn những yếu tố vô thể lại nghiêng về Champa. Do vậy, di tích này có tính “Đứng giữa nó và chính nó”.

Tiềm năng du lịch hấp dẫn

img

 Du khách tham quan Linga - Yoni lớn nhất Đông Nam Á tại di chỉ khảo cố Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).

Di tích khảo cổ Cát Tiên nằm ở khoảng giữa tuyến đường tỉnh lộ 721 nối quốc lộ 20 (ngã ba Madagui - huyện Đahuoai - tỉnh Lâm Đồng) với quốc lộ 14 (ngã ba Sao Bọng - huyện Bù Đăng - tỉnh Bình Phước). 

Trung tâm di tích nằm ở bờ Bắc sông Đồng Nai sát với vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, cách Đà lạt khoảng 190km (về phía bắc) và Tp Hồ Chí Minh khoảng 180km (về phía nam).

Đây là vị trí khá đắc địa trên bản đồ du lịch, rất thuận lợi cho các Tour du lịch từ Tp Hồ Chí Minh, Đà lạt và các tỉnh Tây Nguyên tới tham quan.

Di tích khảo cổ Cát Tiên còn được mệnh danh là "Thánh địa Cát Tiên), là nơi lưu giữ những bằng chứng của một nền văn hóa đặc sắc cách nay hơn 1000 năm lịch sử. 

Với hiện trường di tích rộng lớn và số lượng hiện vật phong phú, có giá trị đặc biệt như các lá vàng dập nổi hình các vị thần, vật linh Balamon giáo và sưu tập Linga - Yoni bằng vàng, đồng, đá, đá quý… trong đó có bộ ngẫu tượng Linga - Yoni khổng lồ được nhận định là lớn nhất Đông Nam Á (so sánh với các di tích cùng tích chất). 

Ngoài khu di tích khảo cổ Cát Tiên trên địa bàn huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) du khách còn được tham quan Di tích Lịch sử kháng chiến Khu ủy khu VI và một số điểm sinh hoạt của người Mạ, dân tộc bản địa lâu đời đã và đang sinh sống trên vùng đất huyền thoại này.

Hiện nay di tích khảo cổ Cát Tiên vẫn thường xuyên đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu miền đất thánh và đã liên kết nối Tour du lịch cho du khách từ Vườn quốc gia Cát Tiên đi xuyên rừng sang tham quan khu di tích.

Những giá trị lịch sử-văn hóa phong phú và tiềm năng du lịch hấp dẫn… đã đưa Di tích khảo cổ Cát Tiên lan tỏa, khẳng định đây là một di sản văn hóa vô giá trên vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của nước ta. 

Di tích Khảo cổ Cát Tiên đã và đang được đầu tư xây dựng thành một khu du lịch Văn hóa, nghiên cứu lịch sử - sinh thái, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tham quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem