Chứa đồ cổ, hiện vật cổ đếm vội chả xuể ở Vĩnh Phúc chính là tại nơi này

Thứ năm, ngày 03/10/2024 05:52 AM (GMT+7)
Tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, nhiệm vụ bảo quản, gìn giữ hiện vật trong kho được cán bộ Phòng Nghiệp vụ bảo tàng phụ trách đảm nhiệm. Với sự tỉ mỉ, kiên trì, cách làm việc khoa học, họ chính là những người thầm lặng giữ “linh hồn” cho từng hiện vật cổ xưa...
Bình luận 0

Với sự tỉ mỉ, kiên trì, cách làm việc khoa học, họ chính là những người thầm lặng giữ “linh hồn” cho từng hiện vật, góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử địa phương, phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan của nhân dân và du khách gần xa.

Đều đặn hằng ngày, các cán bộ Phòng Nghiệp vụ bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc lại mở cửa các kho hiện vật để thực hiện công việc kiểm kê, phân loại, bảo quản phòng ngừa, theo dõi, kiểm tra hiện vật. 

Trong không gian tĩnh lặng sau cánh cửa, hàng nghìn hiện vật lớn nhỏ dù nhuốm màu thời gian nhưng được gìn giữ, bảo quản cẩn thận, còn vẹn nguyên những nét đặc trưng về văn hóa, dấu ấn của các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của quê hương, dân tộc.

Tròn 20 năm công tác trong nghề, cũng là người có thâm niên làm ở kho hiện vật lâu nhất, chị Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Nghiệp vụ bảo tàng chia sẻ: Phòng có 3 cán bộ phụ trách, đều là những người có thâm niên và yêu nghề. Ngoài công tác nghiên cứu, sưu tầm, các thành viên phải thường xuyên kiểm kê, bảo quản, trưng bày hiện vật sao cho phù hợp chủ đề để phục vụ các mục đích khác nhau.

Hiện Bảo tàng tỉnh lưu giữ và bảo quản hơn 22.000 đơn vị hiện vật từ nhiều nguồn đưa về như sưu tầm, cá nhân hay tổ chức hiến tặng, trao đổi, mua, phục chế. 

Để bảo quản hiện vật an toàn, dễ tìm kiếm, chúng tôi chia theo chất liệu, đặc tính hiện vật, như vậy mỗi kho sẽ được bảo quản theo một yêu cầu đồng nhất về nhiệt độ, độ ẩm.

Chất chứa la liệt đồ cổ, hiện vật cổ đếm vội chả xuể ở Vĩnh Phúc chính là tại nơi này- Ảnh 1.

Cán bộ Phòng Nghiệp vụ bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc quét dọn, thông gió cho các hiện vật cổ xưa ang lưu trữ, bảo quản tại kho mỗi ngày.

Chẳng hạn, đối với hiện vật là tiền cổ, vũ khí thô sơ… có chất liệu kim loại, phải duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để chống oxy hóa ăn mòn kim loại. 

Những hiện vật có chất liệu xương, sừng như các công cụ lao động sản xuất, xương, răng động vật... ngoài việc vệ sinh sạch sẽ thì phải bảo quản bằng phương pháp trị liệu đặc biệt dưới sự hướng dẫn từ các chuyên gia.

Bên cạnh đó, cán bộ khi chạm vào hiện vật đều phải đeo găng tay để tránh gây ra hư hại, ảnh hưởng đến các hiện vật. 

Khâu vệ sinh hiện vật trưng bày tại chỗ phải kỹ càng, cẩn thận, bởi những hiện vật gốc được lưu giữ, trưng bày đều mang “linh hồn” những giá trị lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc, không thể tìm thấy lần thứ hai nếu chúng bị thất lạc hoặc hư hỏng.

Vừa cặm cụi làm sạch chiếc bát cổ, chị Nguyễn Thị Minh Thúy, cán bộ Phòng Nghiệp vụ bảo tàng cho biết: Không phải hiện vật nào sau khi được tìm thấy đều đưa vào kho bảo quản ngay mà hiện vật sẽ được phân loại, đánh giá, xác minh rồi mới chính thức được đưa vào kho lưu trữ. Khi đó, hiện vật sẽ tiếp tục được kiểm kê, đánh số theo các bộ sưu tập để sắp xếp, bảo quản phù hợp.

Mỗi hiện vật đều có nguồn gốc, câu chuyện riêng và in hằn từng vết mòn, vết nứt qua thời gian. Có hiện vật được khai quật từ lòng sông, suối, mộ cổ; có hiện vật lại cùng bao người chiến sĩ cách mạng băng qua mưa bom, bão đạn... 

Tuy nhiên, chính bởi in hằn các dấu tích của thời gian nên các hiện vật ấy đều linh thiêng, mang giá trị lịch sử đặc biệt, tạo nên những “mảnh ghép” của lịch sử địa phương.

Ở Bảo tàng tỉnh, các bộ sưu tập đặc biệt được lưu giữ là các bộ di cốt người Việt cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên; những vật dụng của con người qua các thời kỳ lịch sử bằng gỗ, giấy, kim loại; đồ dùng sinh hoạt gốm, sứ đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu; bảo vật quốc gia Tháp gốm men chùa Trò; trang thiết bị vũ khí của người dân và của các chiến sĩ cách mạng... 

Đây là những bộ sưu tập thường được đưa ra triển lãm và có tính liên kết cao, giúp người xem tưởng tượng ra được đời sống, sinh hoạt, đấu tranh qua các thời kỳ.

Chất chứa la liệt đồ cổ, hiện vật cổ đếm vội chả xuể ở Vĩnh Phúc chính là tại nơi này- Ảnh 2.

Mỗi hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc được cán bộ thường xuyên vệ sinh, sắp xếp khoa học.

Chị Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Nghiệp vụ bảo tàng chia sẻ thêm: Trên thực tế có ít người muốn chọn nghề này vì vừa độc hại, lại buồn tẻ. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải có tính trung thực, tỉ mỉ, cần mẫn.

Đặc biệt làm nghề phải có niềm đam mê, không ngại khổ, ngại khó bởi ngoài nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ còn phải dành nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu, lịch sử, thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát, điền dã, gặp gỡ, ghi chép chuyện kể, khai thác tư liệu của các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng tại các địa phương, từ đó mới hiểu được giá trị văn hóa, lịch sử ẩn giấu trong các hiện vật.

Tuy nhiên, nếu hiểu, đam mê với nghề, khi tiếp xúc với các hiện vật khảo cổ, tôi rất xúc động trước các giá trị văn hóa của chúng mang lại, bởi qua đó, tôi dường như được quay trở về nếp sống của người xưa. 

Với tôi, các hiện vật lịch sử đều có “linh hồn”, khi được bảo quản, đặt vào chung với các hiện vật cùng thời kỳ, chúng sẽ cùng nhau “kể” lại câu chuyện của một thời lịch sử của quê hương, dân tộc.

Mỗi hiện vật là một chứng nhân của lịch sử, bởi vậy, việc bảo quản hiện vật chính là lưu giữ thông tin, giá trị của hiện vật, góp phần không nhỏ cho các hoạt động của bảo tàng. 

Bằng sự đam mê, lòng yêu nghề, các cán bộ Phòng Nghiệp vụ bảo tàng đã thầm lặng hoàn thành tốt công việc của mình, nâng cao năng lực chuyên môn, tìm tòi và khai thác được giá trị văn hóa, lịch sử ẩn giấu phía sau để những hiện vật có thể tự “kể” câu chuyện của mình đến với du khách trong và ngoài tỉnh, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Thảo My (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem