Dân Việt

Ông Stoltenberg nói lời cuối về sự hối tiếc với Ukraine và nỗi e sợ với Nga

V.N (Theo Politico) 05/10/2024 09:16 GMT+7
Các đồng minh của Ukraine nên cung cấp cho Kiev nhiều vũ khí hơn trước khi bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine để ngăn chặn chiến tranh, cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 4/10.
Ông Stoltenberg nói lời cuối về sự hối tiếc với Ukraine và nỗi e sợ với Nga - Ảnh 1.

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Getty Images.

"Nếu có điều gì đó khiến tôi hối tiếc và thấy rõ hơn nhiều bây giờ thì đó là chúng ta nên cung cấp cho Ukraine nhiều hỗ trợ quân sự hơn từ sớm hơn nhiều", cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Financial Times. "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng chúng ta nên cung cấp cho họ nhiều vũ khí hơn trước cuộc chiến".

Ông Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, đã lãnh đạo NATO từ năm 2014 đến năm 2024, trở thành tổng thư ký tại vị lâu thứ hai trong lịch sử của liên minh. Trước cuộc chiến Nga - Ukraine đầu năm 2022, ông cho biết, "việc gửi vũ khí sát thương cho Ukraine là một cuộc thảo luận lớn".

"Hầu hết các đồng minh đều phản đối điều đó trước cuộc chiến ... họ rất sợ hậu quả" - ông nói. "Tôi tự hào về những gì chúng ta đã làm, nhưng sẽ là một lợi thế lớn nếu nó bắt đầu sớm hơn.

"Nó thậm chí có thể ngăn chặn cuộc chiến, hoặc ít nhất là khiến Nga khó thực hiện những gì họ đã làm hơn nhiều".

Trong suốt cuộc xung đột, Kiev đã cầu xin các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa tầm xa, xe tăng chiến đấu và hệ thống phòng không Patriot. Một số nước, chẳng hạn như Đức, cuối cùng đã nhượng bộ một số yêu cầu trong khi kiên quyết từ chối những yêu cầu khác.

Các đồng minh của Ukraine "nên cung cấp cho họ nhiều vũ khí tiên tiến hơn, nhanh hơn, sau cuộc xung đột bùng phát" - Stoltenberg nói. "Tôi xin chịu một phần trách nhiệm của mình" - ông nói thêm.

Trong thập kỷ Stoltenberg lãnh đạo NATO, liên minh này đã rút khỏi Afghanistan theo sáng kiến của Mỹ. Stoltenberg cho biết việc NATO nhanh chóng rời khỏi quốc gia này đồng nghĩa với việc phá vỡ lời hứa không rời đi cho đến khi "người Afghanistan có thể bảo vệ đất nước của họ và đảm bảo Taliban không quay trở lại".

Ông cũng dẫn dắt NATO trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và được ca ngợi vì đã giữ vững liên minh, ngay cả khi ông Trump liên tục đe dọa sẽ rút lui trừ khi các thành viên khác tăng chi tiêu quân sự.

"Cho dù khả năng NATO sụp đổ dưới thời Trump là 10% hay 90%, thì điều đó cũng không thay đổi những gì chúng ta phải làm" - ông Stoltenberg nói.

Stoltenberg đã  hết nhiệm kỳ và người thay thế là cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bắt đầu từ 1/10 và dự kiến ông sẽ đảm nhận vai trò mới là chủ tịch Hội nghị An ninh Munich.