Dân Việt

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần ưu tiên vốn, phát hành trái phiếu cho đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao

An Linh 07/10/2024 15:17 GMT+7
Bên cạnh yêu cầu nghiên cứu phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (hơn 4 tỷ USD) cho các hạ tầng chiến lược, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng định mức, phân bổ chi thường xuyên, ưu tiên các dự án lan toả cấp quốc gia như dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt tốc độ cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thông báo về tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024. Theo đó, có quan này nhận định tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Ưu tiên vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ cho đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao

Cần ưu tiên vốn, phát hành trái phiếu cho đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao - Ảnh 1.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu ưu tiên vốn cho dự án hạ tầng chiến lược, có sức lan tỏa trong đó nhấn mạnh đến đường sắt (Ảnh: Chinhphu.vn).

Thủ tướng đánh giá khái quát, tình hình kinh tế- xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Người đứng đầu Chính phủ biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội, T.PHCM đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93%, TPHCM đóng góp 25,45%; sự nỗ lực, chia sẻ khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương, nhất là Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng trong quá trình khắc phục hậu quả bão số 3; một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng nỗ lực lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông; các tỉnh đạt tăng trưởng trên 10% như Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa và đặc biệt là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức; trong đó nổi bật là bão số 3 gây thiệt hại lớn; hậu quả COVID-19 vẫn còn; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn cùng kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, nhất là nông nghiệp.

Những khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản vẫn còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 140 nghìn tỷ có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, công tác xây dựng pháp luật có nơi chưa được quan tâm đúng mức, đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo…

Về nguyên nhân tồn tại, hạn chế, Thủ tướng chỉ ra một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực, một số vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; việc nắm tình hình, tham mưu, phản ứng chính sách một số trường hợp còn lúng túng,…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải có tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.

“Làm việc nào dứt việc đó, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực”, Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chủ động giải quyết kịp thời, hiệu quả công việc với tinh thần: “Đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được”, Thủ tướng cho hay.

Về tăng trưởng, trên cơ sở báo cáo của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ. Thủ tướng nêu ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5-8%.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí và phấn đấu tăng thu cả năm vượt ít nhất 10% dự toán.

Ngoài khai thác hiệu quả dư địa chính sách tài khoá, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.

Cần ưu tiên vốn, phát hành trái phiếu cho đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao - Ảnh 2.

Đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM đang gặp thách thức rất lớn do có nhiều dự án, nhu cầu vốn lớn, hầu hết các dự án đều triển khai chậm tiến độ (Ảnh: TA).

Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ Tài chính cần khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2026 và chi đầu tư ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.

“Trong đó lưu ý ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tính kết nối, lan tỏa liên vùng, quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị”, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.