Còn chưa đến một tuần nữa, ông Phạm Thành Lộc (43 tuổi, huyện Củ Chi, TP HCM) sẽ ra Hà Nội để nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Ông Lộc được vinh danh nông dân xuất sắc với mô hình chế biến thảo dược bằng công nghệ nano emulsion - siêu âm.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, ông Lộc cho biết ông thấy tự hào, vinh dự và có một chút hồi hộp khi gần đến ngày tham dự Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2024.
“Trong chuyến đi này, tôi sẽ tận dụng cơ hội tiếp xúc với các cô bác, anh chị trong ngành để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng quan hệ, phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Lộc bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM đánh giá, chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 11 năm qua là sự ghi nhận công sức, tài năng, sức sáng tạo của những nông dân đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh.
Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn và nhân rộng nhiều nhân tố mới, tạo sức lan tỏa, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, nông dân ngày càng giàu có…
“Tôi mong muốn, chương trình năm nay không chỉ dừng lại ở việc tuyên dương, vinh danh các nông dân, mà phải lan tỏa để nhiều nông dân biết đến những mô hình, những sáng tạo của nông dân Việt Nam xuất sắc. Từ đó mỗi hội viên nông dân trên cả nước cùng học tập, phấn đấu và các gương được tuyên dương, tôn vinh năm 2024 sẽ tiếp tục nghiên cứu đề ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp ngày càng thịnh vượng”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Cũng theo Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, việc tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc và Hợp tác xã tiêu biểu sẽ tạo điều kiện cho các nông dân, cũng như hợp tác xã giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Mặc khác tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn đại biểu các tỉnh thành trong việc di chuyển.
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 của TP HCM ông Phạm Thành Lộc mong nhân dịp này, có thể đề đạt với lãnh đạo các cấp những tâm tư, khó khăn mà ông và các hội viên nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lộc, thời gian tới cần có giải pháp để nâng cao ý thức đoàn kết thực chất đối với những người nông dân cùng sản xuất một ngành hàng. Từ đó tạo ra 2 sức mạnh: sức mạnh của vùng nguyên liệu chất lượng và sức mạnh tập thể. Mục đích việc làm này là nhằm nâng cao vị thế của người nông dân trong đàm phán về giá với thương lái, giảm tình trạng thương lái ép giá.
Ông Lộc kiến nghị lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
“Cần xây dựng đội ngũ thương nhân Việt Nam ngày càng mạnh, có khả năng dự báo thị trường và đủ khả năng tiêu thụ được nông sản, giảm bớt tình trạng người nông dân sản xuất tự phát. Phải bảo vệ và phát triển nông sản Việt”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nông dân này cũng mong thời gian tới, Bộ NNPTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức các chương trình tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng, biển. Đi đôi với đó là kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước, làm suy giảm đa dạng sinh học.
Về phía Hội Nông dân TP HCM, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết: “Để đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật công nghệ cao thì cần kiến thức nguồn vốn lớn, trong khi đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao nên chưa thu hút được nhiều quan tâm. Do đó, cần có chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp; đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, tính cạnh tranh cao, đáp ứng tiềm năng phát triển nông nghiệp của thành phố”.
Cũng theo Phó chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, quy định về việc xây dựng nhà kính trên đất nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn dù đã có luật mới. Do đó cần có những hướng dẫn cụ thể và thống nhất giữa các đơn vị như: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, tỉnh/thành phố.