Loài rau dại vạ vật mọc ven sông, anh nông dân TP HCM hái về cấy trong mương, ngờ đâu nên danh đặc sản

Thứ tư, ngày 16/11/2022 19:42 PM (GMT+7)
Kể lại “quá trình phấn đấu” để nắm “chức vụ”… Tổ trưởng hợp tác rau móp của xã xã Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), nhà nông 60 tuổi này nói vui: “Sáu năm qua, tui mở rộng mương dẫn nước từ sông Sài Gòn vào vườn trái cây của gia đình, rồi hái rau móp mọc hoang cấy vào theo kiểu cấy lúa.
Bình luận 0

Loài rau hoang dã ấy vốn dĩ chỉ là món ăn độn vào những bữa cơm nghèo nhà nông, nay lại hóa thành đặc sản sạch giữa thị thành. Cây rau móp quen sống nơi sông rạch nước chảy, chẳng cần phân bón, chẳng ai vun trồng... đã giúp người nông dân thoát nghèo bền vững.

Rau dại, rau mọc hoang thành đặc sản

Tờ mờ sáng, ông Nguyễn Văn Thành (ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã có mặt tại vườn trồng rau móp rộng 17.000 m² của gia đình. 

Loài rau dại vạ vật mọc ven sông, anh nông dân TP HCM hái về cấy trong mương, ngờ đâu nên danh đặc sản - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An (huyện Củ Chi, TP HCM) Đặng Văn Kên giới thiệu cây rau móp.

Kể lại “quá trình phấn đấu” để nắm “chức vụ”… Tổ trưởng hợp tác rau móp của xã, nhà nông 60 tuổi này nói vui: “Sáu năm qua, tui mở rộng mương dẫn nước từ sông Sài Gòn vào vườn trái cây của gia đình, rồi hái rau móp mọc hoang cấy vào theo kiểu cấy lúa. 

Cái thằng này (ý nói rau) là phải trồng dưới tán cây khác tạo bóng mát, chịu nước ngọt từ sông, hạp với thổ nhưỡng Trung An nên nảy thêm cây con nhanh lắm. Vì vậy, mà thu nhập bình quân từ rau móp của nhà tui đạt 250 triệu đồng/năm. Thấy tui làm ngon ăn, bà con làm theo rần rần, vậy là tui thành “sếp” thôi!”.

Và không còn tự thu hoạch như ngày xưa do diện tích ngày càng mở rộng, ông Thành nhờ thêm các nhà nông trong ấp thu hái hằng ngày. Từ đó, mà tạo thêm việc làm thường xuyên cho tám lao động mỗi năm.

Xưa nay, rau móp (móp gai) là loại cây hoang dã thường mọc nơi vườn rậm, bờ bãi ven sông, chỗ đất ẩm thấp, nhiều nhất ở các triền sông Đông Nam Bộ và đã là món ăn truyền thống của bà con các xã vùng trũng của huyện Củ Chi, nơi có con sông Sài Gòn chảy ngang, tưới tắm quanh năm.

“Lạc” vào khu vực rau móp hoang được đưa vào trồng theo kiểu tự nhiên, là thấy viễn cảnh tươi sáng của nông dân khu vực này khi giá rau tươi luôn giữ mức 25 nghìn đồng/kg, rau ủ chua đạt đến 40 nghìn đồng/kg. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An Đặng Văn Kên nói chắc như bắp: “Do là rau hoang dại, trồng tự nhiên, lại dễ chăm sóc nên cả xã đã có 36 ha trồng rau móp. Bà con trong tổ rau móp chưa bao giờ bị tư thương ép giá vì sản lượng rau chỉ có 2 - 3 tấn/ngày. Rau vừa hái lên là bà con trong tổ sơ chế, chia bó luôn và bán xong ngay trong buổi sáng, rất đắt hàng”.

Cây giảm nghèo bền vững từ rau dại

Nhà nông Huỳnh Văn Huệ là một chuyên gia về rau móp ở Trung An. Ông nhẩm tính với quy mô mặt nước khoảng một nghìn m², nông dân trồng rau móp có thể thu hoạch 150 kg/tuần, như vậy vị chi nếu bán rau tươi, bà con cũng thu về 15 triệu đồng/tháng và “doanh số” này có đều đều quanh năm. 

Đó là nói về những nông dân ít đất, còn như những nhà nông có vài nghìn m², thì cứ lấy con số nêu trên mà nhân lên.

Ông Huệ nói: “Chỉ cần có ít mặt nước trồng rau, tự bỏ công thu hoạch tuần vài lần là có tiền. Nếu gia đình nào dư thời gian ủ chua rau thì giá bán cao gần gấp đôi rau tươi, thêm chi phí nuôi gia đình, con cái ăn học dư. Rau móp đã đem đến cho người trồng một nguồn thu ổn định, thoát nghèo bền vững. Do đó, mà ban đầu chỉ vài hộ trồng hiện nay đã phát triển ra khoảng 230 hộ với diện tích 36 ha”.

Chủ tịch UBND xã Trung An Lê Trí Dũng nói: “Huyện đang xúc tiến thành lập hợp tác xã, đại diện cho người dân làm việc với các chợ đầu mối, những nơi tiêu thụ, các nhà bán lẻ để bảo đảm đầu ra ổn định vì cây rau móp đang được nông dân tăng diện tích. Mục tiêu là thành lập nhãn hiệu tập thể riêng cho rau móp”.

Trên con đường làng mát rượi bóng cây, chúng tôi theo chân đảng viên nông dân Đặng Văn Kên vào vườn rau móp. Chín năm tuổi đảng và trọn đời sống tại Trung An, chàng nông dân này nói rằng lá và đọt non của cây rau móp được tước bỏ phần vỏ có gai, cắt miếng vừa ăn, rửa sạch để ráo nước, hòa nước đun sôi để nguội với một chút muối hột, cho vào lu chứa để ủ chua. 

Tuy nhiên hiện nay, do sản lượng chưa nhiều và nhu cầu cao nên bà con thường bán rau tươi. Chứ như cách ăn ngày xưa, thì nông dân Củ Chi hay cho rau vào bình đã chứa nước muối, nén cho rau ngập nước rồi đậy kín nắp bình, để vài ngày sau thì rau chua, có thể dùng chấm cá kho, thịt kho, nước mắm đều bắt cơm vô cùng!

Theo những “tiền bối” chân đất trong nghề hái rau thuê, bởi lá phát triển nhanh nên ngày nào cũng phải hái để không bị già. Cái chính của nghề này là người hái lúc nào cũng phải mặc quần áo dài tay chân, đeo bao tay để không bị gai cào xước. 

Khi hái phải hái từng luống theo chiều dọc, mưa hay nắng gì cũng phải hái để rau không quá già, sẽ bị bỏ phí. Với cách trả công theo ký, mỗi người từ nam, phụ, lão, ấu đều có thể hái rau thuê (giá công hái 6.000 đồng/kg), thu nhập từ 60 - 200 nghìn đồng/ngày/người, ngoài ra còn được “bao cơm” một cữ trưa vào lúc 11 giờ. Thế nên rau móp đã thật sự là cây nuôi sống người dân Trung An, dù là có đất hay không!

Hào sảng như chính cây rau này, anh Dũng, anh Kên “bắt” chúng tôi dùng tại chỗ món rau móp xào tỏi, cháo móp lươn, gà khìa chấm rau móp và “ép” nhà báo phải nhận bằng được hủ rau móp ủ chua để “mang về ăn chơi”. Bữa ăn ven sông Sài Gòn làm cho lữ khách không thể nào… từ chối được. Cảm ơn Kên, cảm ơn Dũng, cảm ơn rau móp!

Dương Minh Anh (Ngày nay/Báo Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem