HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An (HTX nông nghiệp Phạm An) là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc 2024, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn. HTX thành lập năm 2020, với 7 thành viên. Tính đến tháng 10 năm 2024, số lượng thành viên HTX đã tăng lên 20 thành viên, chia ra thành 3 vùng sản xuất tại thôn: Trâm, Voi, 9; diện tích sản xuất khoảng 70 ha.
HTX có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh: Trồng rau, củ, quả như: Mướp đắng, lặc lè, dưa hấu, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, cà chua, cà tím, ớt, sả...; chăn nuôi ong mật, nhân giống ong và sản xuất mật ong.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Toàn - Giám đốc HTX nông nghiệp Phạm An cho biết: HTX được thành lập trên cơ sở là Chi hội nghề nghiệp trồng sả và chuyển đổi HTX theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012. Địa bàn sản xuất chủ yếu là ở xã Hưng Thi, hiện HTX đang tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, có 30 ha trồng rau, củ, quả và 40 ha trồng cây sả.
Theo ông Toàn, nhờ sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP nên các thành viên và hộ dân liên kết rất phấn khởi. Bởi tất cả các sản phẩm của HTX đều có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ đầu mối lớn. Có thể kể đến như: Công ty T9 Việt Nam, Công ty TNHH SX TM & XNK Minh Hải, đầu mối chợ Long Biên (TP Hà Nội), đầu mối chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc)...
"Trong 4 năm qua, các thành viên HTX đã tích cực vận động hội viên, nông dân liên kết với HTX, ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn lao động, sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với bảo vệ môi trường, vệ sức khỏe con người... Vì vậy, sản phẩm của bà con sản xuất ra đến đâu được HTX bao tiêu đến đấy, với giá cả ổn định, nên câu chuyện "được mùa, mất giá" gần như không còn. Qua đó, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất", ông Toàn nói.
Theo chân Giám đốc HTX nông nghiệp Phạm An đến thăm mô hình trồng mướp đắng và sả của các thành viên, chúng tôi càng thấy rõ hơn hiệu quả kinh tế khi HTX và các hộ dân liên kết sản xuất.
Anh Nguyễn Đức Hữu, thôn 9, xã Hưng Thi cho biết: Tham gia vào HTX các thành viên từ hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán cũng như xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Mặt khác, các thành viên còn có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, liên kết với doanh nghiệp trong khâu cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
"Sau 3 năm trồng mướp đắng, gia đình tôi thấy hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với các cây trồng khác. Mỗi năm, sản xuất được 2 vụ. Giá trị kinh tế loại cây này trên 1 ha sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng", anh Hữu chia sẻ.
Ông Phạm Văn Toàn - Giám đốc HTX nông nghiệp Phạm An cho hay: Nếu chăm sóc tốt, 1ha mướp đắng cho thu nhập từ 160 – 180 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, người dân hoàn toàn có thể lãi trên 120 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, gia đình bà Bùi Thị Quỳnh, thôn Trâm, xã Hưng Thi bắt đầu trồng cây sả từ năm 2014. Từ năm 2020 đến nay, khi tham gia vào HTX, gia đình bà được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng sả và các loại rau, củ, quả khác.
Theo bà Quỳnh, hiện các thành viên trong HTX đang trồng giống sả lùn. So với giống sả chanh (sả ta -PV) trước đây người dân trồng phải mất từ 6 – 7 tháng mới cho thu hoạch thì giống sả lùn (sả cao sản) trồng hơn 3 tháng đã cho thu hoạch. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác như lạc, ngô. Bên cạnh đó, trồng sả thấy người khỏe hơn, không phải phun thuốc BVTV và không mất nhiều công chăm sóc.
Giám đốc HTX nông nghiệp Phạm An cho biết thêm, giống sả lùn củ to, thân mềm, giòn, ít xơ nên hiện nay đang được thị trường ưa chuộng, nhất là các nhà hàng, bếp ăn tại các khu công nghiệp.
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Phạm An, bình quân 1ha cho thu trên 20 tấn/lứa. Một năm thu được 4 lứa. Với mức giá đang được HTX bao tiêu cho người dân hiện nay là 8.000 đồng/kg, 1ha sả cho thu nhập trên 160 triệu đồng/lứa. Sau khi trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng.
Được biết, thị trường tiêu thụ cây sả của HTX chủ yếu là các chợ đầu mối lớn trong nước. Mới đây, HTX cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ cây sả với 1 đơn vị bên tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong cuối tháng 10 năm 2024, HTX sẽ xuất container đầu tiên với sản lượng hơn 100 tấn/tháng và sẽ xuất trong 4 tháng cuối năm.
Năm 2022, HTX nông nghiệp Phạm An cung ứng cho thị trường trên 300 tấn rau, củ, quả các loại. Năm 2023, cung ứng trên 400 tấn. Qua đó, đem lại doanh thu trên 1,4 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, HTX đã ký hợp đồng với Công ty T9 Việt Nam, thực hiện việc trồng và bao tiêu sản phẩm ớt chỉ thiên xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với diện tích 5ha, giá được công ty bao tiêu là 20.000đ/kg. Hiện nay công ty đang tiếp tục phối hợp với HTX mở rộng diện tích cho niên vụ 2025 lên 10 ha.
Mục tiêu cho những năm tiếp theo của HTX là duy trì vùng nguyên liệu đã có, tập trung mở rộng thêm vùng sản xuất mới đảm bảo chất lượng VietGAP và hướng tới sản xuất hữu cơ, nhằm mục đích đưa ra thị trường những sản phẩm rau, củ, quả tốt nhất. Đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài các sản phẩm cây sả tươi.
Đối với nghề nuôi ong và sản xuất mật ong, ngày 6/11/2023 sản phẩm mật ong Hưng Thi của HTX được Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy công nhận đạt OCOP 3 sao.
Hiện nay số lượng đàn ong của HTX đang duy trì nuôi để lấy mật là 2.200 đàn, sản lượng mật đạt trên 200 tấn một năm. Ngoài việc sản xuất mật thì HTX còn sản xuất ong giống phục vụ cho các tỉnh phía Nam, mỗi năm xuất giống khoảng 400 đàn.
Song song với việc liên kết và bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả; nuôi ong lấy mật và sản xuất giống ong tạo việc làm cho hội viên, nông dân sở tại, HTX còn làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Hàng năm, HTX nhận đỡ đầu cho 1 cháu học sinh nghèo trên địa bàn với số tiền 2.000.000 đồng; hỗ trợ tiền cho hộ nghèo xây dựng nhà; vào dịp tết Nguyên đán, HTX tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã với tổng số tiền trên 30 triệu đồng.
Dự kiến năm 2025, HTX hướng đến việc sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn hữu cơ để cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong nước và nước ngoài. Vì vậy, Giám đốc HTX nông nghiệp Phạm An mong muốn được các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn về văn bản và mời thêm chuyên gia về tập huấn kỹ thuật cho HTX.
Bên cạnh đó, hiện nay, đường vào khu sản xuất của HTX chủ yếu là đường đất nên ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân và các phương tiện vào chở rau, củ, quả. Ngoài ra, các hộ sản xuất phải tự kéo dây điện vài cây số đến khu sản xuất để phục vụ hệ thống tưới nước nên mất nhiều chi phí.
Vì vậy, HTX mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương sớm hỗ trợ đầu tư hạ tầng như đường bê tông, hệ thống điện lưới vào khu sản xuất của HTX để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tưới tiêu. Qua đó, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con.
Thực tế cho thấy, hoạt động hiệu quả của HTX nông nghiệp Phạm An đã trở thành cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân để có sức mạnh lớn hơn, giải quyết được bài toán "được mùa, mất giá". Đây là lực đẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững tại địa phương.
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi trong sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, làm tốt công tác an sinh xã hội; năm 2022, HTX nông nghiệp Phạm An được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng Bằng khen; năm 2023, HTX vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2024, HTX nông nghiệp Phạm An được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc 2024. Lễ tôn vinh và và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024 là một trong chuỗi những sự kiện nằm trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ được tổ chức vào 19h ngày 14/10/2024 tại Nhà hát Lớn, số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam.