63 HTX tiêu biểu 2024: Vườn công nghệ cao ở một huyện của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây

Văn Long Thứ sáu, ngày 27/09/2024 12:52 PM (GMT+7)
Anh Phí Văn Thìn đã tiên phong trồng ớt ứng dụng công nghệ cao tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) mang lại hiệu quả cao, là người “chèo lái” Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng giúp liên kết hơn 30 hộ dân khác trong vùng.
Bình luận 0

Từ thanh niên tình nguyện của huyện nghèo

Là chủ mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên tại huyện Đam Rông, anh Phí Văn Thìn (thôn Trung Tâm, xã Phi Liêng) là cái tên đã quen thuộc với người dân nơi đây. Anh Thìn là người đứng ra liên kết với hơn 30 hộ dân trong vùng để sản xuất ớt chuông ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế, thay đổi đời sống của nhiều người.

Trao đổi với phóng viên, anh Phí Văn Thìn chia sẻ, trước đây, anh từng là cán bộ của huyện Đam Rông, nhưng sau đó đã chuyển hướng, ra ngoài làm kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông).

Vườn trồng ớt công nghệ cao ở một huyện nghèo của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây- Ảnh 1.

Anh Phí Văn Thìn (áo đen) là một trong những người tiên phong trồng ớt chuông áp dụng công nghệ cao tại huyện Đam Rông.

"Tôi là người con được sinh ra và lớn lên ở huyện Đam Rông. Trước đây, sau khi đi học thì tôi có làm việc tại TP. Hồ Chí Minh 2 năm, sau đó tôi trở về lại quê hương Đam Rông. Thời điểm đó, tôi nằm trong đội ngũ tri thức trẻ của huyện 30A, chuyên về xóa nghèo, các chính sách hỗ trợ cho vùng nghèo.

Trong quá trình công tác tại huyện Đam Rông, tôi có tham gia một hợp tác xã về nông nghiệp tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Chính vì vậy, tôi thấy khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên tại Đam Rông tốt hơn Nam Ban, tại sao mình không làm nông nghiệp? Chính vì vậy, năm 2018, tôi bắt đầu dựng nhà kính để làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng ớt chuông. Sau khi làm thấy hiệu quả, đến năm 2019 thì tôi đã xin nghỉ việc tại huyện Đam Rông để chuyên tâm vào làm nông nghiệp", anh Phí Văn Thìn nhớ lại.

Vườn trồng ớt công nghệ cao ở một huyện nghèo của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây- Ảnh 2.

Hiện nay, anh Phí Văn Thìn đang có 1,2ha đất trồng ớt chuông, dưa leo, cà chua áp dụng công nghệ cao.

Anh Thìn cho hay, thời gian ban đầu, anh mới bắt đầu làm nông nghiệp nên kiến thức chăm sóc, kỹ thuật canh tác cây trồng vẫn còn ít. Vì vậy, anh vừa làm vẫn phải đến các nhà vườn tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng, TP. Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, anh cũng phải lên mạng xã hội, youtube để học hỏi kỹ thuật. Tuy nhiên, mỗi vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên anh phải thay đổi, ứng biến các kỹ thuật đã học được để áp dụng tại vườn của mình.

Vườn trồng ớt công nghệ cao ở một huyện nghèo của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây- Ảnh 3.

Ớt chuông là sản phẩm chủ lực của anh Phí Văn Thìn.

Thời điểm mới bắt đầu, anh Thìn xây dựng nhà kính trên diện tích 6.000m2, đến nay đã tăng lên 1,2ha nhà kính trồng ớt chuông, cà chua, dưa leo công nghệ cao. Tổng sản lượng các loại nông sản này đạt khoảng 150 tấn/ha, với giá bán ổn định đã giúp anh Thìn có thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây trồng trước đây như cà phê, dâu tằm.

Đến hợp tác xã điển hình

Bước tiến quan trọng đối với hành trình làm nông nghiệp của anh Phí Văn Thìn là anh quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng vào tháng 8/2020. Đến nay, hợp tác xã của anh Thìn có 8 thành viên, liên kết với 32 nông hộ tại địa phương, trồng ớt chuông, dưa leo và cà chua trên diện tích 18ha.

Vườn trồng ớt công nghệ cao ở một huyện nghèo của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây- Ảnh 4.

Hiện, anh Phí Văn Thìn đang liên kết với 32 hộ dân tại huyện Đam Rông trồng ớt chuông, cà chua, dưa leo áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Thìn cho biết: "Hợp tác xã của tôi hiện đang trồng các nông sản ớt chuông, dưa leo, cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong hợp tác xã đã có 8ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP, còn lại các diện tích liên kết với người dân đều được chúng tôi chuyển giao khoa học, kỹ thuật để trồng cây theo tiêu chuẩn của hợp tác xã.

Hiện, hợp tác xã đã hợp đồng liên kết với các nông hệ theo diện cung cấp giống và phân bón theo hình thức trả chậm. Bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các nông hộ. Hiện, với ớt chuông bình thường chúng tôi bao tiêu cho người dân liên kết với giá 20.000 đồng/kg, ớt chuông sử dụng thuốc an toàn và sử dụng thiên địch với giá 24.000 đồng/kg".

Vườn trồng ớt công nghệ cao ở một huyện nghèo của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây- Ảnh 5.

Thu hoạch ớt chuông trong trang trại của anh Phí Văn Thìn.

Ghi nhận của phóng viên, tại hợp tác xã của anh Thìn, trên diện tích 18ha có cả diện tích cây trồng được trồng trên giá thể và trồng trên đất. Tuy nhiên, toàn diện tích đều được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước. Đặc biệt, có 4.500m2 diện tích được anh áp dụng công nghệ tưới bằng cảm biến, giúp giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất so với cách làm truyền thống.

"Hiện nay, hợp tác xã cũng đã phối hợp với Công ty Dalat Hasfarm để triển khai sản xuất ớt chuông theo hướng sử dụng thiên địch (không sử dụng thuốc trừ sâu) trên diện tích 1ha. Các sản phẩm đã áp dụng đóng gói dán tem truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, hàng năm hợp tác xã thường xuyên mở lớp tập huấn đào tạo cho bà con nông dân 2 xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) kiến thức kỹ năng và quy trình canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, hợp tác xã đã tập huấn 9 lớp, thu hút 350 lượt người tham gia", anh Thìn nói.

Vườn trồng ớt công nghệ cao ở một huyện nghèo của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Châu (áo xanh) - Bí thư Huyện ủy Đam Rông đến thăm và đánh giá cao mô hình của anh Thìn tại địa phương.

Anh Lê Đức Vân (42 tuổi, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) cho biết, anh tham gia liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng từ năm 2021. Đến nay, anh đã có 7.000m2 đất trồng ớt chuông, cà chua trong nhà kính. So với những cây trồng truyền thống trước đây, khi liên kết với hợp tác xã trên thì anh có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu của anh Vân khá lớn, diện tích càng rộng thì chi phí sản xuất càng tăng cao. Do đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp cho các nông hộ liên kết có thu nhập cao, ổn định hơn.

Vườn trồng ớt công nghệ cao ở một huyện nghèo của Lâm Đồng đẹp như phim, trái chín đỏ cây- Ảnh 7.

Nhờ sự liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng mà nhiều người dân tại huyện Đam Rông đã có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Nói về Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng, ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông nhận định: "Hợp tác xã của anh Phí Văn Thìn là một trong các mô hình tiên phong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính tại địa phương. Mô hình đã mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập cao cho bản thân anh Thìn cũng như các nông hộ liên kết.

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã tiến hành hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ về công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ tưới cảm biến để hợp tác xã ngày càng hoàn thiện và phát triển. Huyện Đam Rông cũng đang khuyến khích người dân tại địa phương mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như của anh Thìn để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem