Ngày 10/10, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND huyện Vạn Ninh tổ chức lễ ra mắt HTX nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh.
Theo đó, lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã trao quyết định công nhận thành viên Liên minh Hợp tác xã tỉnh đối với Hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh, với 5 thành viên.
Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - ông Lê Hữu Hoàng đã tặng hoa chúc mừng các thành viên hợp tác xã và trao tặng cho Hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh 2.000 con giống thủy sản để thả nuôi, trị giá 35 triệu đồng.
Ông Lê Hữu Hoàng cũng đã trực tiếp ra bè nuôi của Hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh để thăm, động viên, thả con giống vào lồng nuôi của hợp tác xã.
Được biết, Khánh Hòa có sản lượng thủy sản nuôi hằng năm đạt trên 18.000 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi biển chiếm khoảng 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn tỉnh.
Khánh Hòa là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực thủy sản; Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 5.217,6km2, có 385km đường bờ biển, với hơn 200 đảo lớn nhỏ gần bờ và xa bờ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng an ninh không chỉ với Khánh Hòa mà với cả Việt Nam.
Lãnh đạo Sở NNPTNT Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa đã đưa các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu vào sản xuất như: Tôm sú, cá mú, cá chẽm, rong sụn, ngọc trai, vẹm xanh, tu hài, ốc hương, cá chim vây vàng…, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh; chủ động sản xuất được giống nhân tạo tôm sú, bào ngư, sò huyết, ốc hương, tu hài, cá chim vây vàng.
Hiện nay, tại tỉnh Khánh Hoà, một số doanh nghiệp, đơn vị đã đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp, mang lại hiệu quả cao, như: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Công ty Cổ phần NTTS Phương Minh.
Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam được đầu tư, ứng dụng rất hiệu quả công nghệ lồng nuôi của Na Uy và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến như vận hành hệ thống cho cá ăn tự động, tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống nhân tạo đến công đoạn thu hoạch.