Dân Việt

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Mất chục tỷ đồng trong lũ, một HTX chăn nuôi Thủ đô "kêu cứu" (Bài 5)

Trần Quang - Phạm Minh 15/10/2024 13:57 GMT+7
Bị thiệt hại cả chục tỷ đồng sau lũ, hiện HTX Chăn nuôi gia cầm Minh Hải ở xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội đang rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để khắc phục hậu quả và khôi phục lại chăn nuôi.
Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Mất chục tỷ đồng trong lũ, một HTX chăn nuôi Thủ đô "kêu cứu" (Bài 5)- Ảnh 1.

Các khu chuồng gà đẻ của anh Nguyễn Đức Lập ở xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh (TP.Hà Nội) bị thiệt hại nặng sau lũ. Ảnh: TQ

Thiệt hại chưa từng có

Anh Nguyễn Đức Lập - Giám đốc Hợp tác xã gia cầm Minh Hải ở thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng, một cơ sở chuyên sản xuất gà giống, quy mô 50.000 con, (chủ yếu là gà bố mẹ nhập khẩu) cho biết: “Chưa bao giờ anh thấy nước sông Cà Lồ dâng cao như vậy, lũ lên nhanh khiến toàn bộ 4 chuồng nuôi gà Ai Cập của hợp tác xã bị ngập sâu trong nước. 

Hơn 10.000 con gà giống bố mẹ; chuồng trại, nhiều máy ấp trứng, máy phát điện... cũng bị ngập, bị hư hỏng, thiệt hại ước tính lên đến trên dưới 10 tỷ đồng. 

Anh Lập kể: Sáng sớm ngày 10/9, sau khi kiểm tra thấy nước sông tràn vào trang trại nuôi gà, anh đã nhanh chóng huy động tất cả nhân lực, vật lực với nhiều xe ô tô đến để cứu hộ. Tuy nhiên, do nước lũ lên quá nhanh, khi đoàn xe đến đã không thể tiếp cận được trang trại và đành phải quay đầu. 

Gia đình anh Lập đã phải chuyển sang phương án bắt gà thủ công từ tầng thấp lên tầng cao với hy vọng nước không lên quá cao nhưng cũng chỉ cứu được vài vạn con, số gà còn lại bị chết chìm trong nước lũ.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Mất chục tỷ đồng trong lũ, một HTX chăn nuôi Thủ đô "kêu cứu" (Bài 5)- Ảnh 2.

Nhiều máy ấp trứng hiện đại của anh Lập chìm trong nước lũ. Ảnh: TQ

“Mưa lũ lớn, nước sông dâng quá nhanh khiến gia đình tôi trở tay không kịp, toàn bộ trang trại đã bị ngập sâu từ hôm 10/9. Chỉ sau một trận lũ, cả vạn gà đang trong độ đẻ trứng chết la liệt trong chuồng, kéo theo là bao tâm huyết, tiền bạc của gia đình đổ sông đổ bể”, anh Lập buồn rầu chia sẻ.

Trong hai ngày 10 và 12/9, nhờ sự kêu gọi và hỗ trợ của cán bộ, lãnh đạo và người dân xã Bắc Hồng, vợ chồng anh Lập đã di dời, cứu sống được mấy vạn gà lên điểm cao nhưng đến giờ số vật nuôi này vẫn còn hoảng loạn.

"Từ sau lũ đến giờ, vợ chồng tôi chăm sóc cả ngày đêm nhưng đàn gà vẫn chưa thể hồi phục được tinh thần. Một số đàn đã đẻ trứng trở lại nhưng vẫn rất thất thường, chúng tôi buồn lắm", anh Lập nói.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Mất chục tỷ đồng trong lũ, một HTX chăn nuôi Thủ đô "kêu cứu" (Bài 5)- Ảnh 3.

Khung cảnh tan hoang tại HTX Minh Hải sau khi nước lũ rút đi. Ảnh: TQ

Sau khi nước lũ rút đi, toàn bộ trang trại, máy móc đều hư hỏng hết. Để có vốn khôi phục sản xuất, anh Lập đã "cầu cứu" khắp nơi nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi tích cực. "Tôi mới liên hệ với một số chi nhánh ngân hàng ở huyện nhưng họ vẫn đang phải chờ chỉ đạo từ cấp trên nên chưa có hỗ trợ gì. Hiện giờ, trang trại cần khoảng 10 tỷ đồng mới có thể khôi phục và tái sản xuất lại nhưng chúng tôi chưa biết vay ở đâu", anh Lập bộc bạch.

Mới đây, nghe tin giá điện tăng thêm càng khiến vợ chồng anh Lập buồn hơn. "Trang trại của tôi vừa hồi phục được ít, tiền lãi ngân hàng hàng tháng lên đến trên 100 triệu đồng, giá con giống vừa tăng cao. Đến giờ giá điện tăng thêm nữa thì khác gì đẩy chúng tôi vào đường cùng", anh Lập nói thêm.

Mong được hỗ trợ kịp thời

Những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng (gần 70 tuổi) và bà Nguyễn Thị Chuyên ở thôn Tân Yên, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) đang giăng lưới bắt cá trên cánh đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng bảo: "Gần 2 mẫu ruộng lúa của chúng tôi đang làm đòng, trổ bông chờ ngày thu hoạch giờ đã chìm trong biển nước nhiều ngày. Tiếc của quá, vợ chồng tôi đành mang lưới ra thả hi vọng vớt vát lại chút cá để bán kiếm tiền".

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Mất chục tỷ đồng trong lũ, một HTX chăn nuôi Thủ đô "kêu cứu" (Bài 5)- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hùng (gần 70 tuổi) gỡ các khóm lúa thối mắc vào lưới tại khu ruộng của gia đình ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: TQ

Trước đây, gia đình ông Hùng chỉ có vài sào lúa. Đầu năm 2024, thấy nhiều người trong làng bỏ ruộng hoang, vợ chồng ông mới xin được thêm khoảng hơn 1 mẫu để làm thêm.

Ông Hùng cho biết, so với đất đai ở trong huyện, đất ruộng ở Hồng Kỳ có phần cằn cỗi, kém hơn nên bà con phải bón nhiều phân và chăm sóc vất vả hơn. Nhưng, đến khi lúa vừa lên xanh tốt lại bị chuột, sâu bệnh phá hại nhiều nên mọi người chán nản bỏ ruộng đi tìm việc khác có thu nhập khá hơn.

"Vợ chồng tôi có tuổi, không có nhiều việc để làm nên đành kiếm thêm ruộng để cấy. Vụ lúa năm nay, gia đình chăm bón nhiều phân và phòng trừ sâu bệnh, chuột tốt nên lúa lớn nhanh và trổ bông to. Vợ chồng tôi và các con rất mừng, chỉ chờ ngày thu hoạch nhưng nào ngờ lại gặp bão. Cả ruộng lúa bị gió lớn quật nát hết, sau đó nước lũ lại tràn về ngâm cả tuần nay. Vụ này chúng tôi xác định mất trắng thật rồi", ông Hùng nói.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Mất chục tỷ đồng trong lũ, một HTX chăn nuôi Thủ đô "kêu cứu" (Bài 5)- Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Chuyên (vợ ông Hùng) ở xã Hồng Kỳ làm cá bán cho khách. Ảnh: TQ

Bà Nguyễn Thị Chuyên ra ruộng hỗ trợ chồng bắt cá. Khi nói chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, bà Chuyên mấy lần rơi nước mắt. "Vụ này chúng tôi cấy nhiều ruộng nhất làng nhưng giờ cũng bị thiệt hại nặng nhất. Mất mùa vụ này, vợ chồng tôi và các con khéo bị thiếu gạo ăn, thê thảm lắm".

Bà Chuyên cho biết, sau khi bão tan, nước lũ tràn về cánh đồng, vợ chồng bà tranh thủ ra ruộng thả lưới bắt cá nhưng cũng chỉ được ít cá. Ngày nhiều được vài cân cá rô phi, trắm, trôi giống... vợ chồng bà mang về lọc cá to bán, cá nhỏ để dành nấu cho gia đình ăn dần.

Sau bão số 3, chính quyền địa phương đã thông báo, phát phiếu thống kê thiệt hại đến từng hộ, vợ chồng bà Chuyên cũng làm xong hồ sơ gửi đi nhưng giờ vẫn chưa nhận được hỗ trợ. "Theo chính sách hỗ trợ của nhà nước, mỗi sào lúa chỉ được hỗ trợ hơn 70.000 đồng thì thấp quá. Trong khi mỗi sào lúa lai, gia đình tôi đầu tư hết hơn 1 triệu đồng. Nếu mùa vụ thuận lợi, lúa cho thu hoạch khoảng hơn 2 tạ/sào, bán tươi với giá 80.000 đồng/kg, chúng tôi thu về  khoảng gần 2 triệu đồng", bà Chuyên bộc bạch.

Để người dân đỡ thiệt thòi sau thiên tai, bà Chuyên kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần hỗ trợ khẩn cấp cho người dân sau lũ. Trong các chính sách hỗ trợ cũng cần phân loại từng loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng của cây, vật nuôi sẽ công bằng và giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

"Trong khi chờ Trung ương có chính sách, kinh phí cấp về địa phương, Chính phủ cũng cần cho phép các tỉnh, thành phố áp dụng cơ chế linh hoạt, sử dụng các nguồn lực khác để hỗ trợ ngay cho bà con vừa bị thiệt hại. Qua đó, giúp bà con được hưởng thụ chính sách sớm để khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, chăn nuôi nhanh và hiệu quả hơn", bà Chuyên đề nghị thêm.