Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Xót xa mâm cỗ cúng cơm mới từ... gạo mầm (Bài 2)
Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Xót xa mâm cỗ cúng cơm mới từ... gạo mầm (Bài 2)
Trần Quang - Phạm Minh
Thứ bảy, ngày 12/10/2024 10:29 AM (GMT+7)
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Cao Ngạn (TP.Thái Nguyên, Thái Nguyên) lại làm lễ cúng cơm mới. Buồn thay, bão lũ lịch sử đã cuốn trôi toàn bộ diện tích lúa nên người dân ở đây phải dùng gạo mầm nấu cơm mới để làm lễ dâng lên tổ tiên, trời đất.
Người dân Cao Ngạn (TP.Thái Nguyên, Thái Nguyên) buồn bã bên các ruộng lúa vừa bị nước lũ cuốn trôi.
Mâm cỗ lịch sử
Trở lại Cao Ngạn vào những ngày đầu tháng 10, chúng tôi nhận thấy các con đường ngõ xóm, lối vào nhà người dân ở đây đã sạch bùn đất nhưng trên các cánh cổng, tường nhà, hàng rào, ngọn cây vẫn còn hằn nguyên vết cặn bùn của nước lũ.
Tại một số gia đình, người dân vẫn đang tích cực quét dọn nhà, chuồng trại, kiểm tra, sửa lại đồ dùng còn sót lại sau trận lũ lịch sử, trên các cánh đồng vắng bóng nông dân, nhìn khắp nơi chúng tôi chỉ thấy lúa ngã đổ rạp, nhiều ruộng vẫn còn ngập nước đen ngòm.
Hôm chúng tôi đến đúng vào ngày mùng 1 tháng 9 âm lịch, một số hộ đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Cao Ngạn đang sửa soạn đồ lễ, thực phẩm để làm Lễ cúng cơm mới. Khi được phóng viên hỏi chuyện, ông Trương Trúc Hoa (80 tuổi) ở xóm Thác Lở thở dài thườn thượt bảo: "Hàng năm cứ sau mỗi vụ thu hoạch, chúng tôi lại lựa chọn loại gạo ngon nhất để làm lễ. Năm nay, lúa hỏng hết, mất mùa nhưng bà con vẫn phải làm để giữ phong tục".
Vừa nói, ông Hoa vừa bốc nắm thóc đang phơi trên sân nhà mà vợ chồng, con cái ông vớt về sau lũ cho chúng tôi xem chỉ thấy các hạt thóc còn lưng lửng, có nhiều hạt đã mọc mầm. "Cúng cơm mới là lễ thức cúng tế sau một mùa lúa nhằm cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, mùa màng bội thu nhưng vụ năm nay chẳng còn gì cả. Theo tục lệ xưa nên chúng tôi vẫn phải chọn gạo mới làm lễ", ông Hoa nói.
Thấy chúng tôi tò mò về phong tục của địa phương, ông Hoa ngỏ ý mời phóng viên cùng dự.
Cũng như mọi năm, sau khi gia chủ làm lễ cúng, cỗ sẽ được dọn ra mâm để mọi người trong gia đình quây quầy bên nhau thưởng thức. Mâm cỗ năm nay của gia đình ông Hoa khá đầy đủ, chỉ thiếu món bánh chưng, do gạo xấu không thể làm được.
"Cả nhà chỉ có gạo tẻ mầm, chai rượu chạy lũ, còn lại lợn, gà, rau... đều bị mất hết sau lũ nên con cháu phải mua góp thêm cho đầy đủ. Đúng là năm nay bão lũ lịch sử nên mâm cỗ cũng lịch sử không kém", ông Hoa ngậm ngùi nói.
Vừa nâng bát cơm mới lên ăn, ông Hoa rưng rưng nước mắt bảo: Gia đình tôi nhiều thế hệ sống ở đây nhưng chưa bao giờ thấy trận bão lũ nào lớn như năm nay. Sau trận mưa kéo dài nhiều giờ nước lũ đã dâng lên chóng mặt, mọi người phải bỏ của chạy lấy người".
"Chúng tôi kiệt sức rồi"
Gia đình bà Trần Thị Hồng ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn cũng nằm trong diện bị thiệt hại nhiều ở địa phương. Sau lũ, gia đình bà mất hơn 1 mẫu lúa, rau màu. Vào dịp này năm trước, bà Hồng đang tất bật ra đồng thu hoạch lúa, cắt rau đi bán nhưng năm nay, bà chỉ quanh quẩn ở nhà ngóng hỗ trợ của nhà nước để khôi phục sản xuất.
"Mấy sào lúa đang chuẩn bị chín giờ đã hỏng hết, nước rút, vợ chồng tôi ra vớt về được vài bao thóc lép. Mấy sào rau của gia đình cũng bị trôi cả, giờ bùn đất, phù sa ngập mấy chục phân, chúng tôi chưa biết làm gì để khôi phục lại sản xuất nên mọi người đành phải chờ hỗ trợ", bà Hồng buồn rầu nói.
Thê thảm hơn là hộ gia đình anh Lê Đức Việt, chị Trương Thị Trang ở xóm Vải. Hôm chúng tôi đến, chị Trang đang ngồi bần thần bên hiên nhà, có khách vào chị cũng chả buồn đứng dậy đón tiếp. Hỏi chuyện chăn nuôi, chị Trang chỉ lắc đầu ngao ngán: "Còn gì nữa đâu mà hỏi".
"Trong lũ, chúng tôi được mọi người hỗ trợ, tiếp tế rất nhiều từ đồ ăn, nước uống, quần áo, đồ dùng, sửa xe giúp. Đến giờ nước lũ rút đi, mọi thứ chỉ còn đống đổ nát, trang trại sập hết, còn mấy ô chuồng cũng ngập trong bùn đất nhưng chúng tôi không còn sức để thu dọn tiếp", chị Trang nói và cho rằng, giờ thứ gì cũng cần được hỗ trợ từ gạo, rau, thịt, nước sạch, quần áo đến nhân công dọn trang trại, tiền vào giống, cám... để tái đàn tiếp tục chăn nuôi.
"Về lâu dài chúng tôi rất mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước và các ngân hàng khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho vay thêm để tái sản xuất mới có thể trả nợ cũ được. Tuy vậy, hơn 1 tháng nay, đến giờ, vợ chồng tôi vẫn chưa nhận được thêm gì. Chúng tôi đang kiệt sức quá, chỉ sợ đến khi tiền hỗ trợ về đến nơi, mọi người không ngồi dạy để làm lại được", chị Trang ngậm ngùi chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thái Học - Bí thư Đảng ủy xã Cao Ngạn cho biết, sau bão lũ, nhiều hộ dân ở địa phương bị thiệt hại rất lớn, chúng tôi cũng đã cho cán bộ rà soát, thống kê số lượng hoa màu, vật nuôi bị thiệt hại để gửi lên cấp trên đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay xã đã thống kê xong nhưng chưa gửi đi được mà vẫn phải theo quy trình: Dán công khai thông tin, số liệu thống kê hỗ trợ để bà con giám sát. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, sau 30 ngày nữa chúng tôi mới gửi danh sách hỗ trợ lên trên được.
Nói thêm về cách chính sách hỗ trợ của địa phương sau bão lũ, ông Học cho biết thêm, sau khi bão lũ, cấp trên có thông báo hỗ trợ ngô giống nên địa phương đã cho bà con đăng ký đầy đủ nhưng giờ đã qua vụ mà chưa nhận được giống nên bà con rất tâm tư.
Đối với các kiến nghị liên quan đến ngân hàng, ông Học cho rằng: Các cấp chính quyền cũng đã làm việc với phía ngân hàng nhưng đến giờ vẫn chưa có hỗ trợ cụ thể về khoanh nợ, giãn nợ hay cho vay tiếp theo mong muốn của bà con bị thiệt hại sau thiên tai. Thông tin tích cực nhất là có ngân hàng mới đồng ý giãn thời gian trả lãi cho các hộ đã vay bị thiệt hại, còn lại các ngân hàng khác vẫn chưa áp dụng thêm các gói hỗ trợ trợ mới mà vẫn áp dụng các gói vay vốn hàng năm về việc làm, lao động.
"Mọi thứ còn rất nan giải, bà con đang rất nóng lòng chờ hỗ trợ từng ngày để khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức nhưng các mong muốn của người dân vẫn chưa giải quyết được", ông Học khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.