Dân Việt

Một ông nông dân Hậu Giang trồng cây thấp tè đã ra trái đặc sản trĩu cành, bẻ hàng tấn, bán hút hàng

Lê Minh Luân 13/10/2024 18:51 GMT+7
Mô hình trồng nhãn Ido của hộ anh Nguyễn Văn Tuấn, nông dân giỏi ấp Khánh Hội, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chuẩn bị thu hoạch trái ngon, ước tính cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ngụ ấp Khánh Hội, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là một trong những người nông dân đi đầu trong phong trào sản xuất, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng phát huy hiệu quả trong sản xuất tại địa phương.

Một ông nông dân Hậu Giang liều trồng nhãn Ido, cây thấp tè đã ra trái đặc sản, hễ bán là hết veo - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ngụ ấp Khánh Hội, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang bên vườn nhãn Ido đặc sản mà cây nào cũng sai trĩu quả.

Được biết, anh Nguyễn Văn Tuấn có diện tích đất 0,4 ha trước đây anh Tuấn đã trồng cây cam sành một thời gian vươn lên khá giàu nhờ cây cam sành.

Đến năm 2018 mô hình cam sành đã bị vàng lá, anh mạnh dạn chuyển sang chọn cây nhãn Ido về trồng thay cho cây cam sành.

Nhờ sự cần cù chịu khó học hỏi từ nhiều thông tin đại chúng và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp địa phương, hiện tại, vườn nhãn của anh Tuấn đã cho trái năm thứ 3.

Vụ mùa năm 2024 này cây nhãn đặc sản cho trái ổn định chờ thu hoạch, thương lái đến đặt cọc với giá 15.000 đồng/kg.

Với 150 gốc nhãn Ido của anh Tuấn ước sản lượng khoảng 8 tấn trái, anh Tuấn cũng thu được 120 triệu đồng.

Anh Tuấn chia sẻ thêm: Cây nhãn Ido này cũng dễ trồng, trước đây đối tượng gây hại làm cây nhãn bị bệnh chổi rồng là do bộc phát con nhện lông nhung phát triển rất mạnh làm lây truyền bệnh từ đó giảm năng suất, sản lượng cây nhãn nên nhà vườn rất điêu đứng.

Nhưng thời gian gần đây dịch hại của hai đối tượng này hạn chế nên người canh tác cây nhãn cũng không đáng lo ngại. 

Cái khó hiện nay đối với anh là việc xử lý ra hoa nhãn chưa được như mong muốn, bởi cây nhãn này nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật cây sẽ cho ra hoa không đồng đều từ đó năng suất không cao. 

Hướng tới, sau khi thu hoạch vụ nhãn đặc sản này anh Tuấn thường xuyên liên lạc anh em cán bộ kỹ thuật khuyến nông đến chia sẻ hỗ trợ anh hy vọng hứa hẹn mùa vụ năm tiếp theo việc xử lý ra hoa, chăm sóc nuôi dưỡng trái đạt được năng suất, sản lương tối ưu hơn.

Thông qua mô hình trồng cây đặc sản, cho thấy trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, người nông dân canh tác vườn cây ăn trái nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung, cần phải có sự thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" chuyển sang "làm kinh tế nông nghiệp".

Nhờ chuyển đổi cơ cây cây trồng linh hoạt, từ đó những mô hình sản xuất mới phát huy hết tiềm năng, người nông dân đầu tư đúng mức, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm góp phần sản xuất theo cơ chế thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn bền vững hơn.