Dân Việt

Gia đình hiếm hoi có hai anh em trai cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Yến Thanh 14/10/2024 07:17 GMT+7
Hai Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng - Đỗ Hiền đều là những gương mặt gạo cội, có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Ít người biết, họ chính là anh em ruột trong một gia đình, thường chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống và công việc.

Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng: Giọng bass hiếm bậc nhất Việt Nam

NSND Quốc Hưng sinh năm 1970 tại Đông Anh (Hà Nội) trong một gia đình nhiều gian khó. Bố anh mất sớm, mẹ một mình làm đủ việc nuôi con khôn lớn. Là một cây văn nghệ ở làng, Quốc Hưng sớm được Đoàn chèo Hà Nội phát hiện và tuyển vào học. Anh theo học chèo 3 năm rồi tham gia công tác tại Đoàn chèo Hà Nội, trước khi tới Nhạc viện Hà Nội học opera dưới sự khuyến khích của NSND Quý Dương.

Năm 2000, NSND Quốc Hưng đạt được những thành công đầu tiên khi anh giành giải Nhất tại cuộc thi Hát thính phòng Nhạc kịch toàn quốc lần II. Năm 2004, anh được cúp Vàng Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Mùa Xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên).

Gia đình hiếm hoi có hai anh em trai cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng. (Ảnh: FBNV)

Năm 2017, Quốc Hưng trở thành Tiến sĩ, Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2019, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Năm 2021, NSND Quốc Hưng ra mắt cuốn sách Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam và nhận được nhiều đánh giá tích cực của đồng nghiệp, giới chuyên môn. Cuốn sách này được phát triển trên cơ sở luận án Tiến sĩ đã được ông bảo vệ thành công năm 2018 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Trung Kiên.

Ngày 19/5/2023, NSND Quốc Hưng nhận quyết định được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đào tạo và Nghiên cứu khoa học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

NSND Trần Hiếu từng đánh giá Quốc Hưng là "nghệ sĩ cổ điển giọng bass hàng đầu Việt Nam". Anh được đông đảo khán giả thính phòng yêu thích khi khi anh thể hiện các tác phẩm: Aria Vousqui Taites L'sendo Rmie trích trong Opera Faust (Tiếng cười con quỷ) của nhà soạn nhạc lừng danh Charler Gound, Aria Figaro trích trong vở opera Đám cưới của Figaro của thiên tài âm nhạc Mozart... NSND Quốc Hưng cũng ghi dấu ấn với loạt ca khúc nhạc đỏ như Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn - Nguyễn Phan Quế Mai)...

Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Hiền: Người tận hiến cho nghệ thuật múa

NSND Đỗ Hiền sinh năm 1979, kém anh trai 9 tuổi, là biên đạo múa tài năng và kín tiếng của nền múa Việt Nam. 

Đỗ Hiền kể lại, anh thi đỗ vào Học viện Múa Việt Nam từ năm 12 tuổi, với sự định hướng của NSND Quốc Hưng. Để em trai nuôi dưỡng đam mê, NSND Quốc Hưng đã thường xuyên đạp xe tới thăm em, hỗ trợ em trai về vật chất, tinh thần ở thời điểm ban đầu. Đỗ Hiền có 7 năm theo học chuyên ngành ballet, sau đó về công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Năm 2002, Đỗ Hiền nhận học bổng du học Pháp, chuyên ngành Múa đương đại.

Gia đình hiếm hoi có hai anh em trai cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Hiền và mẹ trong ngày anh được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. (Ảnh: GĐ)

Hơn 3 năm sau, nghệ sĩ Đỗ Hiền trở về nước, cùng bạn bè thành lập nhóm múa mang tên +84. Cùng với đồng nghiệp, Đỗ Hiền dàn dựng nhiều tác phẩm múa dân gian đương đại được giới chuyên môn đánh giá cao như Tam nguyên, Vừng ơi, +84, Là thế...

Những năm sau đó, Đỗ Hiền dành nhiều tình yêu cho văn hóa dân gian. Anh chia sẻ mình không ngại lên vùng cao sinh sống, cùng ăn ở với họ, nhằm quan sát và lĩnh hội những sinh hoạt hằng ngày của bà con dân tộc. Cũng từ sự am hiểu này, anh đem chúng kết hợp với tinh hoa của nhệ thuật múa đương đại, tạo nên hàng loạt tác phẩm ấn tượng.

Đỗ Hiền sở hữu hàng loạt giải thưởng lớn trong các liên hoan nghệ thuật, như: Giải Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 với vở múa Gọi non ngàn thức giấc; loạt vở múa anh tham gia với vai trò viết kịch bản, biên đạo và đồng biên đạo đã được trao Huy chương vàng tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2018 gồm: Hồn đất, Mắt lưới, Mùa nghêu, Dệt tình Sa Pa...

Đầu năm 2024, anh chính thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đánh dấu chặng đường dài tâm huyết dành cho nghệ thuật múa.